Huyện Thái Thuy – Thái Bình: Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở

29/05/2008
Sáng ngày 29/5/2008, thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 04/01/2008 của UBND tỉnh về tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, UBND huyện Thái Thuỵ tổ chức hội nghị tổng kết điểm tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở đối với cấp huyện.

Về dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Hợi - Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, Hội nông dân, Hội LHPN, Hội CCB và Đoàn thanh niên tỉnh. Cùng về dự và chỉ đạo hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND, cán bộ tư pháp của 48 xã, thị trấn và một số cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở.

Theo đó, trong 10 năm qua các cấp uỷ, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở luôn coi trọng và quan tâm sâu sắc đến công tác hoà giải ở cơ sở của huyện nhà: Các tổ chức hoà giải và hoà giải viên các tổ hoà giải không ngừng được củng cố và kiện toàn về số lượng cũng như chất lượng. Toàn huyện hiện có 259 thôn, làng và tổ dân phố với 2.130 hoà giải viên. Tổ trưởng Tổ hoà giải hầu hết là Bí thư Chi bộ, tổ trưởng, trưởng các thôn, tổ dân phố. Hàng năm, 100% hoà giải viên được tập huấn nghiệp vụ về công tác hoà giải và trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho công tác hoà giải ở địa phương. Các xã, thị trấn đã phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức hơn 450 lớp tập huấn nghiệp vụ về hoà giải cho các hoà giải viên; Phòng Tư pháp đã cấp 2.000 bản sách và hàng trăm tờ gấp pháp luật về Hôn nhân và gia đình,  Đất đai, Dân sự...cho tổ hoà giải trong toàn huyện

Cũng trong 10 năm qua, các tổ hoà giải đã thụ lý 13.903 vụ việc với kết quả hoà giải thành là 13.039 vụ việc, đạt 93,78%. Trong đó, về lĩnh vực dân sự 4.448 vụ việc; về lĩnh vực hôn nhân và gia đình 2.093 vụ việc; về đất đai, tài sản và nhà ở 3.342 vụ việc và vi phạm pháp luật khác là 3.116 vụ việc. Trong hàng ngàn vụ việc mà các hoà giải viên đã hoà giải thành phải kể đến vụ tranh chấp đất và thực hiện quy tắc xây dựng giữa gia đình anh Phạm Văn Kiên và chị Hoa ở Thị trấn Diêm Điền. Trong quá trình xây nhà, do không kiểm tra và đo đạc diện tích đất nhà mình nên khi xây tầng hai và chuẩn bị đổ mái thì bị một phần mi mái nhà chị Hoa đè nên không thể đổ mái được. Anh Kiên đề nghị chị Hoa dỡ phần mái lấn sang nhà anh để anh tiếp tục đổ mái tầng hai. Khi ấy chị Hoa lại đòi anh Kiên phải trả lại phần đất công trình phụ phía sau nhà anh Kiên đã lấn sang thì chị mới chịu dỡ. Do không thoả thuận nên hai bên đã có lời qua tiếng lại và dẫn đến xô xát. Chị Hoa không chịu dỡ một phần mi mái còn anh Kiên cũng không chịu bồi thường phần đất lấn sang nhà chị Hoa. Mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày càng căng thẳng, kéo dài. Nắm được thông tin trên, Ban tư pháp đã giao cho tổ hoà giải của khu có trách nhiệm kiểm tra nắm tình hình và tiến hành hoà giải, không để mâu thuẫn kéo dài. Để phân định đúng sai và tìm nguyên nhân mâu thuẫn, hoà giải viên đã chủ động mời cán bộ địa chính đến đo đạc xác định diện tích mà hai bên đã lấn. Kết quả kiểm tra cho thấy: mi mái nhà chị Hoa đã lấn sang đất nhà anh Kiên (8,8m x 0,14m) tuy nhiên phía sau nhà, công trình phụ nhà anh cũng lấn sang nhà chị Hoa (0,8m x 3,9m). Như vậy, do hai bên không kiểm tra trước khi xây nên khi xây cả hai đã xây lấn sang phần đất của nhau. Bây giờ nếu buộc anh Kiên phải phá công trình phụ đã xây đi thì thiệt hại rất lớn về kinh tế. Mặt khác, hai gia đình từ trước đến nay, vẫn là hàng xóm tốt của nhau, không chỉ vài mét đất hoặc cắt đi phần mi mái của nhau mà đánh mất tình cảm xóm làng trước đây. Nên tổ hoà giải gợi ý phương pháp giải quyết cho cả hai gia đình là: Chị Hoa cắt đi 1,3 m2 mái đi văng mà vẫn không ảnh hưởng chất lượng mái nhà của nhà chị, còn phía anh Kiên bồi thường cho chị Hoa 15 triệu đồng phần đất đã lấn sang nhà chị Hoa mà vẫn giữ nguyên công trình phụ phía sau. Sau khi nghe phân tích điều hơn lẽ thiệt, cả hai gia đình đã đồng ý với phương án mà các hoà giải viên đưa ra. Kể từ đó, tình cảm xóm làng giữa hai gia đình được nối lại và đoàn kết như xưa.

Trên đây chỉ là một trong số những vụ việc điển hình mà các hoà giải viên đã hoà giải thành trong hơn 13.000 vụ việc của huyện Thái Thuỵ. Để có được kết quả trên, là do có sự quan tâm sâu sắc của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hoà giải ở cơ sở. Mặt khác, còn do có sự tham gia tích cực, không ngại, khó ngại khổ, tiếc thời gian, hết mình vì công việc của 2.130 hoà giải viên trong toàn huyện. Có thể nói, nhờ làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở và các đóng góp của các hoà giải viên mà tình hình an ninh chính trị ở địa phương được giữ vững, nội bộ nhân dân đoàn kết và hạn chế các vi phạm pháp luật tại địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Chấp - Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao những công lao đóng góp của 2.130 hoà giải viên trong toàn huyện trong gần 10 năm qua và đề nghị các hoà giải viên tiếp tục cống hiến hơn nữa cho công tác hoà giải ở cơ sở góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị - xã hội của huyện nhà. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như một số xã cấp uỷ chính quyền coi nhẹ và chưa quan tâm đến công tác hoà giải ở cơ sở; một số tổ hoà giải hoạt động còn mang tính hình thức. Qua hội nghị tổng kết này, đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh thực hiện chế độ phụ cấp cho hoà giải viên đối với mỗi vụ việc hoà giải thành theo Thông tư 63/2005/TT-BTC và định kỳ hàng năm tổ chức bồi nghiệp vụ cho các hoà giải viên.

Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, UBND huyện Thái Thuỵ trao tặng Giấy khen cho 6 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải tại cơ sở./.

Nguyễn Ngọc Hiển