Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008

19/03/2008
Thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg, ngày 17/3/2008 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008 như sau:

1. Về tổ chức:

a) Tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường năng lực, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các huyện, thành phố Huế và các ngành cấp tỉnh, Tổ hoà giải, Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, phường, thị trấn theo đúng Chỉ thị số 09/2003/CT-UBND ngày 21/3/2003 của UBND tỉnh (đối với những đơn vị chưa kiện toàn, củng cố). 

b) Nâng cao hiệu quả hoạt động các Tiểu ban của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện. 

c) Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục các huyện, thành phố Huế xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng cấp mình (đối với những đơn vị chưa thực hiện). 

2. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến:

a) Tiếp tục triển khai thc hiện có hiệu quả 4 Đề án thuộc Chương trình 212 của Chính phủ theo Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 28/9/2006 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010. Cuối năm 2008, tiến hành sơ kết 02 năm triển khai Chương trình 212. Trước ngày 15/10/2008, các cơ quan được giao chủ trì các Đề án là: Đề án số I Sở Văn Hoá Thông tin, Đề án số II Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đề án số III Thanh tra tỉnh, Đề án số IV Sở Tư pháp báo cáo về cơ quan Thường trực (Sở Tư pháp) tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Chính phủ. 

b) Tổ chức phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật mới và những văn bản pháp luật quan trọng liên quan mật thiết đến chuyên môn nghiệp vụ và đời sống của cán bộ và nhân dân. Trong đó, tập trung vào ba nhóm chính, gồm:

- Nhóm 1: Các văn bản pháp luật quan trọng thường xuyên phải tuyên truyền, phổ biến như: Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ,... 

- Nhóm 2: Các văn bản pháp luật mới được Quốc hội khoá XII thông qua như: Luật Tương trợ Tư pháp, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đặc xá, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Hoá chất, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Thuế doanh nghiệp,... 

- Nhóm 3: Các quy định của pháp luật của các bộ, ngành và UBND tỉnh có liên quan đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân như về quản lý và đăng ký hộ khẩu; quản lý và đăng ký hộ tịch; các quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, đăng ký kinh doanh,...; các quy định về phí và lệ phí; nếp sống văn minh đô thị; quy chế dân chủ cơ sở... 

c) Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Bộ Tư pháp. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền miệng. Nghiên cứu khuyến khích tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu văn hoá, văn nghệ để thu hút nhiều đối tượng tham gia tạo nên phong trào tìm hiểu pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh việc cung cấp văn bản pháp luật miễn phí tại các cơ quan, đoàn thể, gắn với việc công khai trình tự thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” giúp nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức pháp luật và nâng cao văn hoá pháp lý trong nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

d) Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và Quyết định 1067/1998/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. 

đ) Tăng cường kiểm tra công tác phổ biến giáo dục pháp luật của cấp tỉnh, cấp huyện đối với cấp xã trong lĩnh vực hoà giải, tủ sách pháp luật. 

3. Hình thức thực hiện:

a) Hàng quý, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo, dục pháp luật tỉnh xây dựng chương trình, biên soạn và gửi đề cương giới thiệu các văn bản pháp luật cho các đơn vị, địa phương làm tài liệu để tuyên truyền. Các đơn vị, địa phương dựa vào tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương mình để đề ra các hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, phù hợp, thu hút sự tham gia của các đối tượng. 

b) Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành cho cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt cấp huyện. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố Huế và các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ chủ chốt của cấp mình và có kế hoạch triển khai, phổ biến đến cán bộ, công chức và nhân dân. 

c) Lồng ghép nội dung pháp luật vào các cuộc họp Tổ dân phố, cụm dân cư, thôn xóm, bản làng, vào các cuộc thi tìm hiểu, các phiên toà xét xử lưu động, các lễ hội truyền thống,...

d) Vận động nhân dân chấp hành pháp luật, ký cam kết không vi phạm pháp luật. 

đ) Biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu, sách, băng đĩa... để cấp phát đến tận thôn, xóm, làng, bản, cụm dân cư và đến từng hộ gia đình. 

e) Hoà giải các tranh chấp, xích mích. 

g) Giới thiệu pháp luật trên hệ thống thông tin đại chúng. 

h) Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh phát động như: phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xoá đói giảm nghèo”, “cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”... 

i) Đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt ở các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý” ở các xã, phường, thị trấn đã thành lập. 

k) Thực hiện chương trình học môn giáo dục công dân, học tập pháp luật chính khoá ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; tăng cường các hoạt động ngoại khoá có lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật... 

l) Tư vấn pháp luật, Trợ giúp pháp lý. 

m) Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. 

n) Tiếp tục xây dựng, củng cố tủ sách pháp luật. 

4. Biện pháp tổ chức thực hiện:

a) Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp chủ trì phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương và Trung ương trên địa bàn xây dựng nội dung và chương trình tuyên truyền đăng, phát trên hệ thống thông tin đại chúng. 

b) Các Ban của Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức quán triệt và phổ biến nội dung các văn bản Luật theo kế hoạch này đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 

c) Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện học môn giáo dục công dân, học tập pháp luật chính khoá ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

d) Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn... phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức tuyên truyền trong lực lượng đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân.

đ) UBND các huyện, thành phố Huế và các sở, ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm cụ thể hoá kế hoạch này thành chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình. 

e) Cơ quan Tư pháp các cấp có trách nhiệm lập dự toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính và Quyết định số 4211/QĐ-UBND ngày 13/12/2005 của UBND tỉnh gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định. 

g) Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục cấp huyện có trách nhiệm tham mưu UBND huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải. 

h) Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức kiểm tra hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, cấp xã trên địa bàn. 

i) UBND các huyện, thành phố Huế; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các Tiểu ban của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định. 

Hữu Dũng