Bình Định: 10 thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật

19/03/2008
Bình Định vừa tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Pháp lệnh người tàn tật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thực hiện Pháp lệnh người tàn tật trên địa đạt nhiều kết quả đáng kích lệ.

Sau khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành, nhiều chính sách của Nhà nước đối với người tàn tật đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1921/QĐ-UB ngày 21/6/1999 cho phép thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh và chỉ đạo đại hội lần thứ nhất của Hội vào tháng 11/2003. Đến nay các nội dung chủ yếu của Pháp lệnh và các chính sách của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, phần lớn người tàn tật được hỗ trợ về đời sống, học văn hoá, chăm sóc sức khoẻ, học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đài Phát thanh - Truyền  hình, các cơ quan báo chí và các phương tiện thông tin khác, đã tuyên truyền sâu rộng về đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Pháp lệnh người tàn tật, các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác trợ giúp người tàn tật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể và nhân dân về vấn đề tàn tật và người tàn tật, đồng thời tuyên truyền về những hoạt động của người tàn tật, trong đó đặc biệt nêu những gương điển hình về người tàn tật làm kinh tế giỏi; người có nhiều đóng góp trong công tác trợ giúp người tàn tật. Phổ biến, truyền đạt những thông tin, kiến thức khoa học về phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho người tàn tật.

Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đã tổ chức nhiều lớp huấn nghiệp vụ triển khai công tác Lao động - Thương binh - Xã hội, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Qua đó đã phối hợp triển khai các văn bản, chính sách liên quan đến người tàn tật, thực hiện tốt việc thực hiện Pháp lệnh người tàn tật trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê và báo cáo của các địa phương, tại thời điểm 31/12/2006 toàn tỉnh có trên 61.600 người tàn tật, chiếm tỷ lệ 3,96% dân số, trong đó người tàn tật từ 16 tuổi trở lên là 55.377 người và 6.223 trẻ em, trong đó: Vận động  :21.560 người (35%).Thần kinh: 6.345 người (10,3%).  Thị giác: 4.558 người (7,4%).Thính giác: 2.156 người (3,5%).Ngôn ngữ : 2.217 người (3,6%).Tim bẩm sinh:1.602 người (2,6%).Tàn tật khác: 23.162 người (37,6%) Người tàn tật sống đều khắp các vùng trên địa bàn tỉnh, trong đó số người sống ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống, phương tiện sinh hoạt chuyên dùng còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, do vậy họ gặp nhiều trở ngại về đi lại và giao tiếp với cộng đồng, xã hội. Trình độ văn hoá của người tàn tật còn thấp, gần 36% người tàn tật không biết chữ; 35,5% có trình độ tiểu học; 24,5% có trình độ THCS; 3% có trình độ phổ thông trung học và tương đương. Người tàn tật có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ rất thấp.

Đa số người tàn tật không thể sống tự lập, khoảng 50% phải sống dựa vào gia đình, khoảng 25% số người tàn tật có hoạt động kinh tế tạo được thu nhập. Một số người tàn tật tuy có việc làm, nhưng công việc không ổn định và thu nhập thấp. Phần lớn các hộ có người tàn tật đều có mức sống thấp.

Việc tiếp cận các phương tiện giao thông và các công trình công cộng, các công trình văn hoá thể dục-thể thao dành riêng cho người tàn tật chưa được nhiều nên người tàn tật còn gặp nhiều khó khăn.

Hàng năm toàn tỉnh có 24.921 người tàn tật (chiếm tỷ lệ 40,3% trong tổng số người tàn tật) được hưởng các chế độ trợ cấp từ ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí là 9.975.653.000 đồng/tháng, trong đó:Thương bệnh binh: 21.274 người. Người hưởng trợ cấp tai nạn lao động: 662 người.Người hưởng trợ cấp do bị nhiễm chất độc hoá học: 894 người.Người tàn tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ: Trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng: 1.539 người. Nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định 142 đối tượng (trong đó có 58 người tàn tật, 37 người già cô đơn và 47 trẻ em mồ côi) và Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn 410 đối tượng tâm thần phân liệt (trong đó 315 nam, 95 nữ; có 01 trẻ em).

Hàng năm Bình Định có 37.200 người tàn tật được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí; hơn 100 người được chỉnh hình phục hồi chức năng; có hơn 1.500 người tàn tật vận động được cung cấp các phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe lắc, chân tay giả; khoảng 350 người được mổ mắt thay thuỷ tinh thể và 160 người được cấp máy trợ thính miễn phí.Thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã, đến nay đã có 97 xã tổ chức quản lý và khám sức khoẻ định kỳ 1 lần/năm cho người tàn tật, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho 20% số đối tượng được khám và quản lý.

       Năm học 2006-2007, toàn tỉnh có 1.491 trẻ em khuyết tật đi học, trong đó có 106 trẻ em câm điếc học văn hoá các lớp chuyên biệt; 300 em học trong các lớp học tình thương; 1.085 trẻ em khuyết tật học hoà nhập tại các trường của tỉnh. Các em đi học được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường. Hội khuyến học, các tổ chức kinh tế, tổ chức từ thiện cũng góp phần trợ giúp sách vở và đồ dùng học tập và cấp học bổng cho các em tàn tật vượt khó học giỏi. Hàng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho 80 em khuyết tật. Trường dạy nghề Bình Định, cơ sở dạy nghề Đồng Tâm, các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề của các huyện tổ chức dạy nghề cho 220 em khuyết tật (các nghề: đan mây, điện, điện tử, in lụa, may công nghiệp, tin học).

Trong những năm qua vào các ngày lễ lớn và ngày người tàn tật Việt Nam (18/4), ngày Quốc tế Người tàn tật (3/12), UBND tỉnh giao Sở Lao động-TB&XH phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cùng các sở, ngành và các hội đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tổ chức thăm và tặng quà cho hàng trăm trẻ em và người lớn khuyết tật và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục-thể thao, mítting diễu hành và tạo điều kiện cho người tàn tật tham gia các cuộc thi thể thao, các chương trình giao lưu trong nước và khu vực.

          Trong những năm qua các sở, ngành cùng với các hội, đoàn thể, các địa phương đã có những nỗ lực lớn trong công tác trợ giúp người tàn tật. Bên cạnh đó đã huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tôn giáo, các tổ chức, cá nhân từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước và cộng đồng tham gia tích cực có hiệu quả trong việc trợ giúp người tàn tật. Tuy nhiên hiệu quả của sự phối hợp này vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh phí đầu tư cho công tác trợ giúp người tàn tật trong những năm qua tuy còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân và sự tham gia của toàn xã hội đã trợ giúp cho nhiều người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cải thiện được cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Pháp lệnh về người tàn tật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được triển khai thực hiện trong điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đang phát triển, đời sống nhân dân nói chung và người tàn tật nói riêng từng bước được cải thiện cả về kinh tế và đời sống, góp phần giảm bớt khó khăn cho họ và gia đình trong cuộc sống, nhiều người tàn tật đã được trợ cấp, trợ giúp, chăm sóc sức khoẻ, chỉnh hình phục hồi chức năng, tiếp cận công nghệ thông tin, phát triển các nhóm tự lực, các chi hội của người tàn tật… giúp người tàn tật hoà nhập cuộc sống chung của cộng đồng.

Một số cơ quan, ban ngành chưa thật sự quan tâm đến người tàn tật; hoạt động tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, thiếu cụ thể và ít sinh động, mới dừng lại ở việc đưa tin chung một số hoạt động nhân ngày lễ tết.Một số quy định trong pháp lệnh về người tàn tật như về chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, về tỷ lệ lao động là người tàn tật mà các cơ quan, doanh nghiệp phải tiếp nhận vào làm việc chưa được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm đầy đủ.Các công trình văn hoá công cộng, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao dành riêng cho người tàn tật còn hạn chế, chưa đáp ứng được các điều kiện để người tàn tật tham gia. Đời sống vật chất, tinh thần của người tàn tật nặng còn nhiều khó khăn; mức trợ cấp xã hội còn thấp so với nhu cầu của người tàn tật và chậm được sửa đổi. Ngoài mức trợ cấp xã hội chung của Trung ương, tỉnh chưa có mức trợ cấp riêng; cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật tuy được hình thành nhưng chưa nhiều và chưa được trợ giúp đầy đủ theo quy định.

       Công tác tuyên truyền về Pháp lệnh, về chủ trương chính sách của Nhà nước đối với người tàn tật chưa sâu rộng, nhận thức trách nhiệm của một bộ phận dân cư, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến người tàn tật.Ngân sách Nhà nước dành chi trợ giúp cho người tàn tật và cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật còn thấp so với quy định của pháp luật.Đề án trợ giúp người tàn tật của tỉnh chậm ban hành.Còn thiếu sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động trợ giúp người tàn tật; cán bộ làm công tác về người tàn tật từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã chưa được bố trí.

Nguyễn Huỳnh Huyện