Kết quả bước đầu thực hiện giai đoạn I chương trình 212 của Chính phủ ở Cà Mau

27/02/2008
Năm 2007 tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 – 2010 (Chương trình 212). Điều đó được thể hiện bằng một loạt chủ trương, giải pháp mà UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện và kết quả bước đầu là rất khích lệ.

Ngay từ đầu năm 2007 UBND tỉnh đã mở hội nghị quán triệt cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh; UBND, Thanh tra, Tư pháp, Văn hoá thông tin, Uỷ ban  MTTQ cấp huyện, UBND cấp xã 01 cuộc có 350 đại biểu dự. Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với BCĐ thực hiện 4 đề án tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ triển khai thực hiện Chương trình 212 cấp tỉnh cho 120 đại biểu; 9/9 huyện, thành phố với 1.082 đại biểu, bao gồm các nội dung: Những vấn đề cơ bản của Chương trình 212; tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các thiết chế văn hoá, các phương tiện thông tin đại chúng; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cơ sở; chủ trương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật và xây dựng nhóm quần chúng nòng cốt; chủ trương đẩy mạnh PB,GDPL hướng về cơ sở; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật: kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép.

Có thể nói rằng, bước đầu triển khai thực hiện chương trình 212 đã có tác động mạnh mẽ đến các ngành các cấp trong tỉnh, bởi đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, Chính phủ có một chương trình hành động tầm quốc gia mà đối tượng của nó là cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Chính vì thế chương trình đã được các cấp các ngành hưởng ứng. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền; tăng thời lượng, mở thêm chuyên trang, chuyên đề để tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng. Các huyện, thành phố và các ngành, đoàn thể các cấp đã chủ động triển khai, quán triệt đến cán bộ chủ chốt, đoàn viên, hội viên và đông đảo nhân dân. Cơ quan tư pháp tham mưu cho Ban chỉ đạo cùng cấp tập trung tuyên truyền, phổ biến cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; Ban chỉ đạo được thành lập từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Nhiều cuộc tập huấn đã được tổ chức, nhiều nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến.

Nội dung của Chương trình 212 tập trung ở 04 đề án trọng tâm:

-Đề án I do Sở Văn hoá-Thông tin chủ trì: tập trung khai thác hiệu quả tuyên truyền  thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát hành báo Cà Mau, báo ảnh Đất Mũi miễn phí đến 87 trạm truyền thanh các xã, thị trấn trong tỉnh; thực hiện chuyên đề “Pháp luật và đời sống” trên sóng phát thanh – truyền hình tỉnh; xây dựng đội tuyên truyền lưu động mẫu; tập huấn nghiệp vụ, khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân...

-Đề án II do Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì: chỉ đạo triển khai Chương trình 212 đến Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo xã Hồ Thị Kỷ xây dựng được 11 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư gồm 108 thành viên; tập huấn nghiệp vụ tại điểm chỉ đạo 02 cuộc cho hơn 100 thành viên nhóm nòng cốt ở cơ sở…

-Đề án III do Thanh tra tỉnh chủ trì: Biên soạn và phát hành 1.500 quyển sách “Tìm hiểu pháp luật khiếu nại tố cáo”; 03 tờ gấp với 12.000 bản nội dung tuyên truyền, hướng dẫn công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ; phối hợp các đề án tổ chức các lớp tập huấn cho cơ sở; chỉ đạo triển khai các hoạt động tại đơn vị điểm Phường 8 TPCM;

-Đề án IV do Sở Tư pháp chủ trì: Biên soạn và phát hành 3.000 cuốn sách hỏi – đáp pháp luật (tập II và III), 17.000 tờ gấp phát hành đến cơ sở; xây dựng mục “Giải đáp pháp luật” trong trang tin Sở Tư pháp trên website tỉnh Cà Mau; phối hợp với tổ chức 04 cuộc xét xử lưu động; khảo sát trình độ, kỹ năng PB,GDPL của cán bộ tư pháp, công an cấp xã; phát động cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật cho cán bộ tư pháp và công an cấp xã; tổ chức toạ đàm, tập huấn nghiệp vụ, thi hái hoa dân chủ tìm hiểu pháp luật…

Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo ở từng cấp; tổ chức triển khai phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống của nhân dân. Thông qua các hình thức tuyên truyền miệng, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, thông tin lưu động, tranh ảnh, panô, áp phích, băng roll, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp ở nhiều lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế, phát hành rộng rãi đến cơ sở… gắn liền với các đợt cao điểm như tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Với việc triển khai thực hiện chương trình 212, bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức của cấp uỷ, chính quyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng công tác PB,GDPL, từ đó đã quan tâm chỉ đạo, đề ra chương trình, kế hoạch với nội dung, giải pháp phù hợp, thông qua đó đã giúp cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn chuyển biến về nhận thức pháp luật, hạn chế được tình trạng tranh chấp, khiếu kiện trong dân.

Tuy có nhiều cố gắng, song nhìn chung việc triển khai thực hiện Chương trình 212 ở từng cấp còn chậm so với tiến độ và chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các đề án chưa chặt chẽ. Công tác chỉ đạo điểm bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo…

Năm 2008 mở ra nhiều thuận lợi cho công tác PBGDPL nói chung và thực hiện chương trình 212 nói riêng, nhất là với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác PBGDPL” và những kết quả đạt được ở giai đoạn I sẽ là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra của chương trình 212 trong các giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Sơn Ca