Ninh Thuận: Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.

25/02/2008
Thực hiện Quyết định số 2892/QĐ-BTP ngày 27/12/2007 của Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004; Ngày 18/02/2008 Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Số: 499/KH-UBND về rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Mục đích đánh giá một cách toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhất là trong lĩnh vực công chứng, chứng thực và những việc liên quan nhiều đến doanh nghiệp và người dân để đảm bảo tính hợp lý, tính thống nhất của các văn bản pháp luật, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đối tượng rà soát:

Toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, cụ thể là:

a) Các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh:

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân;

- Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân.

b) Các văn bản khác:

- Quyết định, Chỉ thị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; văn bản do các cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có chứa quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp.

Phạm vi rà soát:

Toàn bộ văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, bao gồm: xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp (công chứng, chứng thực, hộ tịch, con nuôi, quốc tịch, lý lịch tư pháp); bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản); trợ giúp pháp lý,đăng ký giao dịch bảo đảm; hoà giải cơ sở và công tác tư pháp khác (được ban hành từ tháng 4/1992 đến ngày 30/01/2008).

Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành liên quan:

Nhằm triển khai rà soát các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai kế hoạch rà soát văn bản; tập hợp, phân loại văn bản; đối chiếu so sánh văn bản; đánh giá sự phù hợp của văn bản với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền (hoặc thực hiện theo thẩm quyền) sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành văn bản mới theo quy định; lập danh mục văn bản gồm: Danh mục chung; Danh mục văn bản còn hiệu lực; Danh mục văn bản, quy định hết hiệu lực (thông qua rà soát xác định được hết hiệu lực, trong đó nêu rõ thời điểm hết hiệu lực, lý do hết hiệu lực); Danh mục văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ (trong đó nêu rõ điều, khoản nào cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản nêu lý do); Danh mục văn bản cần ban hành mới (những vấn đề cần điều chỉnh nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh).

- Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh tự xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ, ban hành mới) trước ngày 30/5/2008; đồng thời phối hợp với Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan cấp trên xử lý các văn bản thuộc thẩm quyền xử lý (nếu có).

- Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ký ban hành báo cáo kết quả rà soát văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.

Ngọc Hùng