Bắc Giang: Xây dựng Kế hoạch rà soát văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp.

25/02/2008
Nhằm từng bước xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 396/KH-UBND về việc rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 I. Mục đích, yêu cầu rà soát

1. Đánh giá toàn diện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản khác có liên quan (gọi tắt là hệ thống văn bản) ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp do địa phương ban hành để xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

2. Rà soát và công bố các danh mục văn bản đã hết hiệu lực thi hành; đang còn hiệu lực thi hành; kiến nghị (hoặc thực hiện theo thẩm quyền) sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ hoặc ban hành mới khi phát hiện văn bản vi phạm, mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực cao hơn (gọi tắt là văn bản phải xử lý).

3. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, các Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cá nhân về vai trò quan trọng của công tác xây dựng và rà soát văn bản ở địa phương.

II. Nội dung rà soát

          1. Đối tượng rà soát

          Toàn bộ hệ thống văn bản liên quan tới phạm vi lĩnh vực rà soát do HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; HĐND, UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành; văn bản do các Sở, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh ban hành, bao gồm:

          a) Văn bản QPPL:

          - Nghị quyết của HĐND tỉnh, HĐND các huyện, thành phố;

          - Quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

          b) Văn bản khác (hành chính thông thường):

          - Văn bản do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành;

          - Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện; văn bản do các Sở, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh ban hành.

          2. Phạm vi rà soát

          a) Phạm vi về thời gian: toàn bộ văn bản thuộc đối tượng nêu tại điểm 1 Mục này còn hiệu lực tính đến thời điểm rà soát (tháng 02/2008);

          b) Phạm vi về lĩnh vực: văn bản trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp ở địa phương gồm:

          - Xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản QPPL;

          - Phổ biến giáo dục pháp luật;

          - Thi hành án dân sự;

          - Công chứng, chứng thực;       

          - Bán đấu giá tài sản;

          - Trợ giúp pháp lý;

          - Hộ tịch, con nuôi, quốc tịch, lý lịch tư pháp;

          - Luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp;

          - Hoà giải cơ sở và công tác tư pháp khác.

          3. Phương thức và tiến độ thực hiện rà soát

          a) Phương thức rà soát:

          - Các Sở, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố thành lập Tổ rà soát hay các hình thức khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc rà soát;

          - Tập hợp, phân loại văn bản theo tiêu chí nhất định (như tên loại văn bản, thứ tự thời gian, thẩm quyền ban hành...);

          - Đối chiếu, so sánh, phân tích các văn bản được rà soát với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để đánh giá sự phù hợp của văn bản được rà soát với điều kiện kinh tế - xã hội và kiến nghị (hoặc thực hiện theo thẩm quyền) biện pháp xử lý theo quy định.

          b) Tiến độ thực hiện rà soát:

          - Xây dựng kế hoạch rà soát ở các Sở, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố xong trước ngày 10/3/2008;

          - Tập hợp, phân loại, đối chiếu, so sánh; lập danh mục; xử lý kết quả rà soát hoàn thành trước ngày 30/5/2008.

          - Các Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huỵên, thành phố hoàn thành báo cáo gửi qua Sở Tư pháp trước ngày 15/6/2008 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

          4. Nhiệm vụ của các Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố

          a) Nhiệm vụ chung:

          a1) Ban hành kế hoạch rà soát, chỉ đạo triển khai rà soát, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra trong kế hoạch này;

          a2) Quyết định các điều kiện về nguồn lực, tài chính phù hợp để thực hiện tốt công việc rà soát.

          a3) Lập danh mục văn bản được rà soát:

          - Danh mục chung (toàn bộ văn bản được rà soát), xắp xếp theo thứ tự thời gian hoặc loại văn bản, thẩm quyền ban hành...;

          - Danh mục văn bản còn hiệu lực;

          - Danh mục văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ...(trong đó cần nêu rõ điều, khoản nào cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản và nêu rõ lý do);

          - Danh mục văn bản đề nghị ban hành mới.

          b) Nhiệm vụ cụ thể:

          - Sở Tư pháp rà soát văn bản do HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành.

          - Các Sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh có tổ chức pháp chế ngành tiến hành rà soát văn bản do ngành mình ban hành có liên quan đến một trong số lĩnh vực nêu tại điểm b khoản 2 Mục này.

          - UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tư pháp tiến hành rà soát văn bản do HĐND, UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện, thành phố ban hành.

          5. Xử lý kết quả rà soát

          a) Đối với văn bản do HĐND, UBND tỉnh, văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành phải xử lý: Giám đốc Sở Tư pháp kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh về những văn bản do HĐND, UBND tỉnh, văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành có vi phạm, mâu thuẫn với văn bản cấp trên để HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền, nêu rõ biện pháp xử lý đối với từng văn bản theo quy định.

          b) Đối với văn bản do HĐND, UBND cấp huỵên, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ban hành phải xử lý: Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố kiến nghị với Chủ tịch UBND cùng cấp về những văn bản do HĐND, UBND cấp huyện, văn bản do Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành có vi phạm, mâu thuẫn với văn bản cấp trên để HĐND, UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cùng cấp xử lý theo thẩm quyền, nêu rõ biện pháp xử lý đối với từng văn bản theo quy định. Trường hợp HĐND, UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không tự xử lý, Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố báo cáo bằng văn bản với Giám đốc Sở Tư pháp để có biện pháp xử lý theo quy định.

          c) Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tự xử lý những văn bản do cơ quan, đơn vị, cá nhân mình ban hành có liên quan đến phạm vi lĩnh vực rà soát.

          6. Báo cáo kết quả rà soát

          Báo cáo kết quả rà soát của các Sở, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố bao gồm: Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát và các danh mục kèm theo.

          Hà Thanh Thuỷ