Trợ giúp pháp lý Hưng Yên: Mang quyền lợi đến cho dân nghèo

29/05/2008
Thường xuyên tổ chức các đợt TGPL lưu động để đưa pháp luật đến từng người dân trong các cụm dân cư, thôn xóm là sự cố gắng đáng ghi nhận ở Trung tâm TGPL tỉnh Hưng Yên. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng những cán bộ TGPL nơi đây vẫn tăng cường đi lưu động để mang quyền lợi đến cho dân nghèo và quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Nằm tiếp giáp với Thủ đô, Hưng Yên từ một tỉnh thuần nông đã bắt nhịp nhanh với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên mặt trái của nó cũng kéo theo tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng. Trong số đó, khá nhiều người vì không hiểu biết pháp luật mà phạm tội; trẻ vị thành niên sa vào tội phạm, tệ nạn xã hội và trở thành nạn nhân bị xâm hại cũng nhiều hơn. Xác định việc phổ biến giáo dục pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên trong những đợt đi trợ giúp lưu động, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền các nội dung pháp luật đến từng người dân.Trung bình mỗi tháng Trung tâm TGPL Hưng Yên tổ chức đi lưu động 2 đợt, thậm chí có những tháng do yêu cầu đặc biệt từ cơ sở, Trung tâm phải đi trợ giúp lưu động đến 4-5 đợt.

Những vụ việc cần trợ giúp ở Hưng Yên chủ yếu là về chế độ chính sách, đất đai và chính sách thuế nông nghiệp. Trước như cầu được TGPL rất lớn của nhân dân, để những đợt TGPL lưu động đạt hiệu quả cao hơn thì Trung tâm đã cử cán bộ xuống địa phương để khảo sát như cầu được TGPL và điều tra xác minh những vụ việc nếu xét thấy cần thiết. Thực tế, có rất nhiều vụ việc nhờ có xác minh và sự trợ giúp của Trung tâm mà quyền lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ. Trong năm 2007, tổng số vụ việc mà Trung tâm TGPL Hưng Yên đã thụ lý là 770 vụ, tăng 102% so với năm trước trong đó tư vấn 669 vụ việc, đại diện bào chữa 101 vụ việc. Cũng trong năm qua, Trung tâm đã tiến hành được 26 đợt TGPL lưu động tại 26 xã của 10 huyện, thị xã, đã TGPL cho tổng số 2546 lượt người. Phối hợp với đài phát thanh- Truyền hình tỉnh, Trung tâm còn thực hiện chuyên mục “TGPL- địa chỉ tin cậy của người dân” phát sóng vào ngày 10 và 15 hàng tháng với nội dung tuyên truyền về phạm vi, đối tượng, các hình thức TGPL. Qua đó giúp người dân hiểu được mục đích của công tác TGPL là từ chỗ giúp xoá đói nghèo về tri thức và pháp luật đến xoá đói nghèo về vật chất, để người dân biết làm giàu, biết cách tiếp cận với các chính sách ưu đãi của nhà nước để xây dựng cuộc sống no ấm văn minh theo đúng đường lối chính sách của Đảng, nhà nước đề ra.

Tại Hưng Yên, công tác TGPL tại toà án cũng là mảng công tác phát huy hiệu quả tích cực. Hiện Trung tâm có 6 cộng tác viên là luật sư, đây là những người “xung kích” trong những đợt TGPL lưu động cũng như bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng tại toà án. Anh Nguyễn Hữu Toản- Giám đốc Trung tâm kể cho chúng tôi một vài câu chuyện cảm động mà Trung tâm đã cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho các đương sự tại toà. Đó là vụ em Đỗ Thị L.- người bị hại vị thành niên trong vụ án “Hiếp dâm trẻ em”. Mới 13 tuổi nhưng vì nhà nghèo nên L. không còn được đi học mà phải ở nhà quán xuyến mọi việc để mẹ ra Hà Nội làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Bị xâm hại, em không dám nói với ai vì sợ những kẻ ác trả thù; chỉ có mẹ là người duy nhất em có thể tâm sự, giãi bày thì mẹ lại ở xa... Khi vụ án được khởi tố, những kẻ thực hiện hành vi phạm pháp lại khai rằng bọn chúng không khống chế, ép buộc L. mà chính L. đã thuận tình. Điều này không chỉ làm cho hành vi của những kẻ gây án giảm nhẹ tính nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng mà còn làm tổn hại danh dự, nhân phẩm của L. Rất may, L. đã được Trung tâm TGPL cử luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí nên danh dự, nhân phẩm của L. được bảo đảm, những kẻ gây án phải chịu hình phạt thoả đáng và bồi thường thiệt hại cho em. Một trường hợp tương tự, em Trần Thị Ng. cũng là người bị hại trong một vụ án “Hiếp dâm trẻ em” đang được các cơ quan tố tụng huyện Văn Lâm (Hưng Yên) thụ lý cũng được Trung tâm cử luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí. Điều bất hợp lý của vụ án này là trước thời điểm mở phiên toà, đột ngột VKSND huyện Văn Lâm quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại đối với bị can Nguyễn Văn Phú. Sau khi được tại ngoại, tên Phú đã nhiều lần đe doạ em Ng. và gia đình khiến Ng. quá hoảng sợ phải rời nhà đi lánh nạn ở nhà tạm lánh dành cho phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo hành của tỉnh. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho em Ng., Trung tâm TGPL tỉnh Hưng Yên và luật sư bảo vệ Ng. đã có nhiều công văn đề nghị các cơ quan tố tụng tiếp tục tạm giam đối với Nguyễn Văn Phú.        

Công tác TGPL ở Hưng Yên đã góp phần tích cực vào việc nâng tầm hiểu biết pháp luật của nhân dân. Thực tế ở Hưng Yên, hiểu biết pháp luật đã giúp người dân biết cách tiếp cận với các dịch vụ xã hội, các chính sách ưu đãi hỗ trợ người nghèo và các điều kiện sản xuất tiên tiến để ổn định cuộc sống và biết cách làm giàu. Do đó, hoạt động TGPL cũng góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo thể hiện qua tỉ lệ hộ đói giảm hẳn, số hộ được thoát nghèo tăng, và điều quan trọng nhất là nhân dân phấn khởi tin tưởng vào chính sách pháp luật của nhà nước để xây dựng đời sống ngày càng văn minh, dân chủ.  

Quỳnh Lưu