Mường Nhé - Điện Biên với công tác thực hiện Chương trình 212 giai đoạn (2005-2007)

29/05/2008
Trong những năm gần đây công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được Đảng và Nhà Nước ta rất quan tâm và là một trong những nội dung cơ bản của lộ trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị; Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn. Chính vì vậy, huyện đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương.

Những năm qua Công tác tuyên truyền pháp luật luôn được huyện Mường Nhé thực hiện thường xuyên, các văn bản pháp luật triển khai tuyên truyền được xác định nội dung theo từng năm phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội và bám sát phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng PHPBGDPL huyện trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của ngành đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Cùng với sự nỗ lực, tham gia của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ chuyên trách tư pháp các xã, cán bộ chiến sĩ các lực lượng đóng quân trên địa bàn, với đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện gồm 29 đồng chí; 100% các xã trên địa bàn huyện đã thành lập HĐPHPBGDPL, công nhận 55 người là tuyên truyền viên cấp xã, toàn huyện có  117 tổ hoà giải với 351 thành viên tham gia; 01 câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, 01 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Trong 3 năm từ năm 2005 đến 2007 đã thực hiện tuyên truyền pháp luật tới 100/117 bản với 1.562 buổi cho 102.360 lượt người tham gia học tập và cấp phát được 43.500 tờ rơi, tờ gấp các loại, phát 100 cuốn sách và sổ tay pháp luật có nội dung như: quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy chế dân chủ cơ sở, pháp luật với lao động nữ, pháp luật về hôn nhân gia đình,...toàn huyện đã xây dựng được 7/11 xã có tủ sách pháp luật, hàng năm được bổ sung một số đầu sách mới như: Bộ luật tố tụng dân sự, luật đất đai 2003, luật biên giới,.... với tổng số đầu sách có từ 40 đến 50 đầu sách trên 1 tủ.

Huyện đã sử dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khai thác hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật, kết hợp với việc phổ biến giáo dục pháp luật trên diện rộng với trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm trong từng vụ việc, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: tổ chức hội nghị triển khai tại trụ sở UBND huyện, xã cho cán bộ công chức, viên chức; thành lập các tổ, đội công tác về các bản tuyên truyền miệng; phát các tờ rơi, tờ gấp song ngữ Việt - Thái, Việt - Mông; thông qua các hoạt động tổ hoà giải cơ sở, tủ sách pháp luật và câu lạc bộ, sự kết hợp trong công tác tuyên truyền xét xử lưu động của Toà án nhân dân huyện,... Có thể nói trong 3 năm qua các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Mường Nhé đã quán triệt; triển khai và thực hiện nghiêm túc chương trình 212 của Chính phủ; Quan tâm chỉ đạo trong việc xây dựng các hình thức, xây dựng lực lượng để triển khai thực hiện chương trình; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được các cấp uỷ Đảng chính quyền địa phương quan tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong HĐPHPBGDPL cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong vai trò chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác; xây dựng các hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức khai thác tủ sách pháp luật của xã, các hoạt động hoà giải cơ sở, sinh hoạt câu lạc bộ,...

            Song bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn những mặt hạn chế. Do khó khăn vốn có của một huyện biên giới vùng cao, trình độ dân trí thấp còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, địa bàn dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đôi khi chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao; hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, chưa lồng ghép phương pháp tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt tập thể truyền thông của các dân tộc; nhận thức của nhân dân về pháp luật còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành luật chưa nghiêm, các vụ việc vi phạm pháp luật giảm chưa nhiều, chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân các dân tộc tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tình trạng dân di cư tự do và tuyên truyền trái phép luật vẫn diễn biến phức tạp; các hình thức triển khai mô hình, xây dựng lực lượng tuyên truyền pháp luật cấp xã chưa kịp thời, việc khai thác tủ sách pháp luật hiệu quả chưa cao, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được khả năng là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở, địa phương.

Để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong những năm tiếp theo đạt chất lượng, hiệu quả, cần tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Hội đồng PHPBGDPL của cấp huyện, cấp xã phát huy vai trò trách nhiệm của các thành viên Hội đồng phối hợp, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy chế hoạt động; Chỉ đạo UBND các xã rà soát, thống kê và củng cố về tổ chức, hoạt động hoà giải cơ sở đảm bảo 100% bản, cụm dân cư có tổ hoà giải; phát triển các hình thức truyền thông đa dạng, thuận tiện đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng; chỉ đạo các xã thành lập và duy trì sinh hoạt tốt các câu lạc bộ pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống của người dân.

 H Y