Sở Tư pháp Lạng Sơn ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng pháp luật cho chức danh Tư pháp - Hộ tịch cấp xã

26/05/2008
Nhằm tiếp tục trang bị cho đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ở cơ sở, đáp ứng nhiệm vụ về cải cách hành chính Tư pháp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đảm bảo cho đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch nắm bắt được những nguyên tắc, quy định cơ bản của pháp luật để từ đó vận dụng những kiến thức đã tích luỹ qua khoá học vào công việc thực tiễn của công tác Tư pháp cấp xã, Sở Tư pháp Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho công chức Tư pháp- Hộ tịch của 226 xã, phường, thị trấn của tỉnh Lạng Sơn.

Về nội dung đào tạo, thực hiện theo Quyết định 1418/QĐ-BTP ngày 24/9/2007 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình khung và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chức danh Tư pháp- Hộ tịch xã, phường, thị trấn khu vực miền núi phía Bắc, Sở Tư pháp thực hiện xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã trong tỉnh gồm 3 phần: Phần cơ bản; phần chuyên môn và phần các chuyên đề.

          Phần cơ bản: Một số vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật; Luật Hiến pháp; Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự; pháp luật Dân sự và tố tụng dân sự; Luậ Hành chính; Luật Hôn nhân gia đình; một số vấn đề về pháp luật đất đai; Luật Môi trường.

          Phần chuyên môn nghiệp vụ: Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND cấp xã; những vấn đề chung về công tác Tư pháp cấp xã; công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của UBND cấp xã; công tác chứng thực của UBND cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong công tác Thi hành án dân sự; công tác xây dựng văn bản QPPL của UBND cấp xã; công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản QPPL của UBND cấp xã; một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã; PBGDPL ở cấp xã; quản lý và khai thác TSPL, công tác hoà giải ở cơ sở; Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người có công với cách mạng; việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư…

          Phần chuyên đề: Một số vấn đề về tình hình phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc; chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo và một số vấn đề về chính sách Dân tộc của Đảng và Nhà nước.

          Kết thúc khoá học có hệ thống giải đáp thắc mắc và kiểm tra cuối khoá để cấp chứng chỉ. 

          Về hình thức quản lý và thời gian đào tạo, bồi dưỡng:

          Căn cứ vào nội dung, chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng chức danh Tư pháp- Hộ tịch cấp xã do Bộ Tư pháp quy định, Sở Tư pháp xây dựng chương trình học cụ thể; phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh chọn địa điểm để tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với hình thức tập trung, thời gian học 360 tiết, cụ thể:

          Mở 02 lớp, mỗi lớp học 03 kỳ, mỗi kỳ 10 ngày, thời gian dự kiến cuối quý II, trong quý III/ 2008. Lớp thức nhất gồm 111 công chức Tư pháp- Hộ tịch/111 xã của 5 huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc.

          Lớp thứ hai gồm 115 công chức Tư pháp- Hộ tịch/115 xã của 6 huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định và TP Lạng Sơn. Người đứng lớp là Báo cáo viên pháp luật tỉnh.

          Về chương trình, tài liệu cho lớp học, Sở Tư pháp xây dựng chương trình, lịch học theo hướng dẫn tại Quyết định số 1418/QĐ-BTP ngày 24/9/2007 của Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp in tài liệu phát cho học viên.

          Về kinh phí đào tạo, thực hiện theo Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước; Quyết định số 28/2007/QĐ-TTg ngày 28/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007- 2010.

          Để thực hiện được hiệu quả kế hoạch này, đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp Lạng Sơn đã phân công trách nhiệm cho Văn phòng Sở phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện rà soát, thống kê, lập danh sách công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã đào tạo, bồi dưỡng trình Lãnh đạo Sở phê duyệt và liên hệ với cơ quan, ban ngành hữu quan trong tỉnh để thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

          Các phòng, đơn vị thuộc Sở, THA dân sự tỉnh thực hiện việc cử cán bộ, công chức là Báo cáo viên PL để chuẩn bị giáo án, tài liệu, đề cương giảng dạy theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp để tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã đạt chất  lượng, hiệu quả./.

Đức Khoa