Cà Mau: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo dự án Luật đăng ký giao dịch bảo đảm

02/05/2008
Thực hiện Công văn số 1079/BTP-CĐKGDBĐ ngày 14/4/2008 của Bộ Tư pháp về việc đóng góp ý kiến đối với dự thảo dự án Luật đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ngày 23/4/2008, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài Nguyên và Môi Trường, Kế Hoạch và Đầu Tư, Tài Chính và Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng  Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu long, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Quỹ tín dụng nhân dân phường 2 và UBND các phường: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9 trên địa bàn thành phố Cà Mau, để lấy ý kiến đóng góp dự thảo dự án Luật đăng ký giao dịch bảo đảm. Kết quả như sau:

Đa số các đại biểu thống nhất với dự thảo và xác định cần thiết phải ban hành Luật đăng ký giao dịch bảo đảm để điều chỉnh về loại việc này. Tuy nhiên, có 86 lượt ý kiến phát biểu xoay quanh các 11 nội dung như sau:

1) Tại khoản 1 Điều 3 quy định về: Đối tượng đăng ký có 10 lượt ý kiến đề nghị:

- Cần phải quy định rõ hơn nội dung kê khai đăng ký đối với những loại tài sản là tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Ví dụ: Đối với quyền sử dụng đất phải kê khai: thửa đất, tờ bản đồ, đường (nếu có), khóm, phường, xã…

-Bổ sung cụm từ: “Tài sản gắn liền với đất” sau cụm từ “thế chấp quyền sử dụng đất” tại điểm a khoản 1 điều 3, viết lại đầy đủ như sau: “Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;”

-Ghép điểm a và điểm b khoản 1 điều 3 thành 1 điểm.

-Bỏ điểm e khoản 2 điều 3.

2) Tại Điều 7 quy định về giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm có 03 lượt ý kiến đề nghị: Khoản 1 nên quy định rõ hơn về  ý nghĩa giá trị pháp lý của việc đăng ký gia dịch bảo đảm, đồng thời bỏ khoản 2 và khoản 3.

3) Tại điều 8 quy định về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm có 03 lượt ý kiến đề nghị: Sửa đổi và viết đầy đủ lại như sau: “Thời hạn  có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm được tính từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm và hết thời hạn khi được bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có yêu cầu chấm dứt đăng ký giao dịch bảo đảm.” 

4) Tại điều 9 quy định về thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm có 17 lượt ý kiến thống nhất chọn phương án 2.

5) Tại điều 13 quy định về thời hạn giải quyết việc đăng ký giao dịch bảo đảm có 15 lượt ý kiến đề nghị:

-Có 08 ý kiến đề nghị: Bổ sung khoản 4 điều 13 và viết đầy đủ như sau: “Thời hạn giải quyết việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại khoản 1, 2, 3 của điều này, từ lần thứ 2 trở lên thì được thực hiện ngay sau khi nhận đơn”. 

-Có 05 ý kiến đề nghị: Thay thế cụm từ “Trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết vì lý do khách quan, thì thời hạn được kéo dài không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ” bằng cụm từ “Trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết vì lý do khách quan, thì thời hạn giải quyết ngay ngày hôm sau”. Điểm a khoản 2 điều 13, viết lại đầy đủ như sau: “Trong trường hợp hồ sơ đăng ký……thì việc đăng ký được giải quyết ngay trong ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ; trong trường hợp phải kéo di  thời dài thời gian giải quyết vì lý do khách quan, thì thời hạn giải quyết ngay ngày hôm sau”. 

6) Tại điều 16 quy định về các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có 14 lượt ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:

-Bỏ chức năng đăng ký giao dịch bảo đảm của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp vì Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước nên cho thành lập thêm văn phòng Đăng ký giao dịch bảo đảm.

7) Tại điều 22 quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã thuộc vùng sâu, vùng xa có 01 lượt ý kiến đề nghị nên bỏ cụm từ “thuộc vùng sâu, vùng xa” hoặc quy định rõ vùng sâu, vùng xa vì UBND các phường, đô thị cũng là một cấp chính quyền. Vì vậy, nên quy định chung là: “Thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các xã, phường, thị trấn.” 

8) Có 13 lượt ý kiến đề nghị sửa đổi khoản 3 điều 27, khoản 3 điều 31 và khoản 3 điều 36 như sau: “Thời hạn giải quyết đơn yêu cầu chấm dứt đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện ngay sau khi nhận đơn.”

9) Có 05 lượt ý kiến đề nghị bổ sung quyền thừa kế phát sinh trong tài sản đăng ký thế chấp giao dịch bảo đảm tại khoản 6, khoản 7 điều 45 như sau:  “Trường hợp…..chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng, thừa kế….bản sao chuyển nhượng, văn bản thừa kế….”. Lý do: Hiện nay, ở tại đại phương đang vướng phải rất nhiều vấn đề về việc 2 vợ chồng là đồng sở hữu, sử dụng nhà đất có 1 người chết đã làm thử tục thừa kế nhưng chưa đăng ký xong thủ tục mà đem đi thế chấp khi đến đăng ký thì văn phòng đăng ký.

10) Có 02 lượt ý kiến đề nghị  bỏ quy định về thời hạn tại khoản 2 điều 57  nên thực hiện theo điều 13 “Trong đăng ký giao dịch bảo đảm bắt buộc người đi thế chấp  phải có hồ sơ giải chấp”

11) Có 05 lượt ý kiến đề nghị: Tại điều 72 và 73 quy định về trách nhiệm quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm chưa giao cơ quan nào giúp UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý công tác này. Vì vậy, hoạt động này ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên thành lập các văn phòng hoặc bộ phận đăng ký giao dịch bảo đảm trực thuộc sở. Ví dụ: nên giao các bộ phận này cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Ở các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, các bộ phận này nên giao cho Phòng Tư pháp quản lý.

Ngọc Út