Vân Trường - Tiền Hải – Thái Bình: Điểm sáng về công tác hoà giải ở cơ sở

02/05/2008
Tuy nhiên, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về mọi mặt cũng như pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó lại chịu ảnh hưởng những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường nên dễ dẫn đến vi phạm về lối sống đạo đức cũng như vi phạm pháp luật. Chính vì thế các mâu thuẫn tranh chấp trong nhân dân phát sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về mọi mặt cũng như pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó lại chịu ảnh hưởng những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường nên dễ dẫn đến vi phạm về lối sống đạo đức cũng như vi phạm pháp luật. Chính vì thế các mâu thuẫn tranh chấp trong nhân dân phát sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trước khi thực hiện pháp lệnh tổ trưởng, tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở chủ yếu do chỉ định, vì vậy tuy có tên nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Những bất đồng tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư chưa kịp thời giải quyết, đã để việc nhỏ lúc đầu chỉ là xích mích, mâu thuẫn mất lòng nhau chỉ cần một lời xin lỗi là xong nhưng không được hòa giải kịp thời nên càng phát sinh mâu thuẫn, càng ngày càng phức tạp. Có những vụ việc đơn giản để lâu ngày trở thành mâu thuẫn lớn khó giải quyết .

Từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải của Vân Trường đã từng bước đi vào nề nếp, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái trong nội bộ quần chúng nhân dân. Ngoài ra, hoạt động hòa giải cũng giúp cho mỗi công dân thấy rõ trách nhiệm của mình với lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Hoạt động hòa giải ở cơ sở làm giảm các vụ việc phải đưa ra các cơ quan hành chính nhà nước. Không những tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân mà còn giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Qua đó tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với việc thực thi pháp luật. Bảo đảm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

Trong điều kiện thuận lợi và khó khăn trên ngay từ những năm đầu Đảng ủy - HĐND - UBND xã đã chú trọng tổ chức cho cán bộ đảng viên, nhân dân học tập sâu sắc và tổ chức thực hiện tại địa bàn Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Từ đó, tổ hòa giải cơ sở đã được kiện toàn. Do có sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự phối kết hợp của UBMTTQ xã các tổ chức đoàn thể và sự nhiệt tình hoạt động của mạng lưới hòa giải viên nên những khúc mắc nảy sinh trong nội bộ nhân dân ở các cụm dân cư đã được kịp thời giải toả. Tình cảm quyền lợi, nghĩa vụ của công dân được bảo vệ. Hạn chế những tai tệ nạn xã hội, giảm đi những hành vi vi phạm pháp luật và những truyền thống tốt đẹp được phát huy. Vì vậy đã phát huy được sức mạnh cộng đồng khu dân cư vào phát triển kinh tế văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội mà đại hội Đảng bộ xã nhà đã đề ra.

Năm 1999, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của UBND Tỉnh, Sở Tư pháp, UBMTTQ tỉnh và UBND huyện Tiền Hải. Ban hoà giải xã đã phối kết hợp chặt chẽ với UBMTTQ xã và các tổ chức đoàn thể nhân dân tiến hành cho nhân dân các cụm dân cư, các thôn học tập quán triệt toàn bộ nội dung Pháp lệnh. Qui trình tiến hành bầu cử tổ hòa giải ở cơ sở thôn thực hiện dân chủ, rộng rãi. Nhân dân đã thực sự giới thiệu ra các đại biểu mà mình tín nhiệm để bầu vào tổ hòa giải của thôn được chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận. Kết quả, Vân Trường có 8 thôn, mỗi thôn đều đã thành lập được một tổ hòa giải với tổng số 51 hòa giải viên. Mỗi tổ có từ 6 đến 7 thành viên tham gia. Tổ trưởng của các tổ hòa giải đều là các bí thư chi bộ - tổ trưởng tổ mặt trận cơ sở, với sự tham gia của các đoàn thể như nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi. Ngoài ra còn có các thành phần khác tham gia như thôn trưởng, các ban trùm giáo xứ... Họ đều là những người hiểu biết về pháp luật, gương mẫu về mọi mặt, có uy tín trước quần chúng và cơ bản nhất là họ nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong khu vực có quan hệ chặt chẽ với địa bàn trong khu dân cư .

Ban hoà giải được UBND xã ra quyết định thành lập từ năm 1999 với 8 thành viên: Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, cán bộ tư pháp xã làm phó ban, các thành viên của ban bao gồm đại diện các ban ngành như MTTQ, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội CCB, Đoàn thanh niên. Ban hoà giải có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo các vấn đề về công tác hòa giải, vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuyên truyền giáo dục pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở các tổ hòa giải. Đối với các vụ việc như ly hôn, tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự vượt quá khả năng hòa giải ở tổ mỗi khi có sự việc xảy ra, Ban hòa giải đều kịp thời có kế hoạch phối kết hợp hỗ trợ giải quyết. Ban hòa giải của xã hoạt động thường xuyên, đúng quy định. Quá trình tổ chức hòa giải tùy theo từng vụ việc vận dụng các điều luật và các phong tục tốt đẹp của quê hương để giải quyết. Đối với các vụ việc khi hòa giải nếu có nhu cầu đều lập thành biên bản ký kết để lưu trữ. Đối với các vụ việc hòa giải không thành lập biên bản báo cáo cấp trên giải quyết theo thẩm quyền. Phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc vận động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng nhiều biện pháp và đa dạng về hình thức. Qua đó, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao nhận thức của nhân dân về thực thi pháp luật, góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ xã hội và xây dựng nếp sống văn minh “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước. Các văn bản pháp luật được tập trung tuyên truyền nhiều như: Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật khiếu nại tố cáo, Luật giao thông đường bộ... Qua hoạt động hoà giải để nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi người dân trong bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa. Tùy theo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương có hình thức tuyên truyền phù hợp. Hệ thống truyền thanh là tiếng nói của Đảng, chính quyền phát với 2 lần/ ngày, duy trì tiếp âm 3 cấp Trung ương, tỉnh và huyện

Hàng năm đều tham mưu cho UBND xã tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho các tổ hòa giải ở địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.  

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt đông hoà giải ở cơ sở: Ban hoà giải và 8 tổ hoà giải của xã Vân Trường đã thụ lý hòa giải là 335 vụ việc. Trong đó, số vụ việc đã hòa giải thành là 260 vụ (đạt tỷ lệ 78 %); số vụ việc phải chuyển cấp trên giải quyết là 65  vụ bằng 19%, còn lại 3% vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

 Có thể nói, hoạt động hòa giải của các tổ hòa giải là hình thức: “Giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân”. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên vận dụng pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ và thuyết phục các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, xóa bỏ mâu thuẫn, bất đồng và đạt được thỏa thuận phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

Tuy không một đồng trợ cấp, công việc thì phức tạp, vụ việc thì đa dạng. Có việc xảy ra như tranh cãi, mâu thuẫn, xích mích nhau về quan hệ xóm làng, tranh chấp dong ngõ, bờ tre ruộng lúa đến hôn nhân gia đình...Song hòa giải viên với lòng nhiệt tình, uy tín và trách nhiệm với cộng đồng cao đã đi sâu nắm bắt tình hình để kịp thời vận động, thuyết phục hòa giải. Có những vụ việc dàn xếp giải quyết chỉ một vài tiếng đồng hồ là xong. Nhưng cũng có những vụ việc phải làm nhiều lần, nhiều người cùng tiến hành hòa giải. Phải có thời gian làm cho các bên thực sự hiểu biết lẽ phải một cách đúng đắn để họ tự nguyện cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Cũng có những vụ việc hòa giải viên phải dùng biện pháp “mưa dầm thấm lâu” để làm công tác tư tưởng cho các bên như vụ mâu thuẫn giữa hai anh em ông Thược thôn Bác Trạch I. Hòa giải viên phải kiên trì, động viên thuyết phục đến tận những giây phút cuối đời anh em họ mới lối lại được tình ruột thịt, người chết nhắm mắt cũng mãn nguyện. Người ở lại cũng được an ủi phần nào.

Nhìn chung, trong những năm qua các tổ hòa giải đều hoạt động tốt, phát huy vai trò trách nhiệm cao, các vụ việc xẩy ra, cơ sở đã chủ động giải quyết và hòa giải thành tạo ra sự ổn định vững chắc cho cơ sở về nhiều mặt. Trong đó nổi bật là tổ hòa giải Thôn Quân Bác Đình với vụ anh chị Tuấn - Quế do mâu thuẫn gia đình vợ chồng không thống nhất được họ đã có đơn xin ly hôn. Qua đơn, cán bộ tư pháp xét thấy có thể hoà giải được nên đã chuyển đơn xuống cho tổ hòa giải, tổ hòa giải đã phân công hòa giải viên xuống xác minh và thăm dò tư tưởng anh chị, đồng chí tổ trưởng đã phân công đồng chí hòa giải viên đại diện cho chi hội nông dân gặp người chồng và đồng chí hòa giải viên đại diện cho chi hội phụ nữ gặp người vợ. Và đặc biệt hòa giải viên đã tìm cách tác động đến hai gia đình - hai người mẹ để động viên con cái tìm lại tiếng nói chung. Sau khi tổ hòa giải vào cuộc với những lời lẽ khéo léo kiên trì thuyết phục hai anh chị đã hiểu rõ đúng sai và tự nguyện xin rút đơn xin ly hôn.

Vụ mâu thuẫn hai gia đình thông gia là Ông Điềm và Ông Tấc năm 2000. Vì những lý do rất đơn giản nhưng con Ông Tấc gây thương tích cho Bà Điềm phải đi nằm viện. Mâu thuẫn hai bên càng ngày càng trầm trọng. Ban hòa giải đã hướng dẫn cho tổ hòa giải của thôn phối kết hợp cùng Công an xã tháo gỡ dần dần. Do tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời và tích cực vận động hòa giải từ cơ sở cuối cùng các đối tượng được hòa giải đã hiểu rõ và nhận thấy sai sót của mình để tự sửa chữa và hàn gắn lại tình cảm mà họ đã đánh mất. Sau 2 năm kiên trì thuyết phục, hai gia đình lại kết tình thông gia .

Vụ tranh chấp đất đai của gia đình anh em, mẹ con bà Nhận cũng tại thôn Quan Cao xảy ra vào tháng 02/2007. Vụ việc căng thẳng tưởng chừng không thể giải quyết nổi. Nhưng Ban hoà giải xã đã chủ động phối kết hợp cùng với các ban ngành chức năng như cán bộ địa chính xã, công an xã hướng dẫn cho tổ hòa giải vận dụng các điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc sử dụng đất, điều 679 bộ luật dân sự quy định người thừa kế theo pháp luật. Sau đó các bên đã nhận ra lỗi lầm và tự thỏa thuận với nhau (Do có nhận thức sai lầm đất của ông cha chỉ có con trai mới có quyền được hưởng, còn con gái đi lấy chồng theo họ nhà chồng nên không được hưởng thừa kế tài sản ông cha để lại) .

Cũng trong 10 năm qua nổi lên nhiều tấm gương tiêu biểu về công tác hòa giải như ông Nguyễn Xuân Ngoạn, bà Hà Thị Khiếu thôn Quân Bác Đình, bà Lê Thị Thành thôn Quân Bác Nam, ông Nguyễn Duy Động thôn Bác Trạch I, bà Nguyễn Thị Cải thôn Bác Trạch II. Ông Nguyễn Xuân Tỵ hội người cao tuổi, ông Nguyễn Hữu Thanh hội Cựu chiến binh.

Có thể nói, trong thời gian qua, do làm tốt công tác hòa giải nên Vân Trường đã không có hiện tượng tranh chấp kéo dài, không có mâu thuẫn nặng nề, không có những vụ trọng án. Vân Trường luôn luôn đạt chỉ tiêu về các khoản đóng góp với nhà nước và tập thể. Đặc biệt các khoản đóng góp khác của nhân dân với mục đích từ thiện nhân đạo, tương trợ cũng được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đã tạo ra không khí đoàn kết để các thôn phấn đấu đạt thôn văn hóa. Hai năm liền 2006 và 2007 xã nhà có Thôn Rạng Đông đạt thôn văn hóa cấp huyện. Năm 2007, toàn xã có 2000 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 72%. Đến nay 8/8 thôn thực hiện hương ước, quy ước thôn làng và đã đi vào nề nếp. Ba thôn không có ma túy là Thôn Quân Bác Đông, thôn Quân Bác Nam và Thôn Rạng Đông. Thành lập được 10 tổ tự quản về an ninh trật tự và TTATGT của 3 thôn là Thôn Quân Bác Đông, Quân Bác Đình và Thôn Rạng Đông.

Để có được kết quả trên là do có sự nhận thức đúng đắn, sâu sắc của cấp ủy Đảng, chính quyền về tổ chức và vai trò của công tác hòa giải nên có sự lãnh chỉ đạo kịp thời. Có sự phối kết hợp chặt chẽ của UBMTTQ xã và các ban ngành đoàn thể của xã, của thôn, của các dòng họ các chức sắc tôn giáo, các tổ tự quản đã cùng đồng tâm hiệp lực để xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Sự nhiệt tình và trách nhiệm cao của đội ngũ hòa giải viên . Đồng thời, đối với việc đánh giá xếp loại của chi bộ đều có chỉ tiêu vận động nhân dân vào việc hòa giải. Định kỳ Thường trực Đảng ủy bố trí lịch nghe Bí thư các chi bộ phản ánh về cơ sở thôn trong đó có nội dung hòa giải ở cơ sở./.

Nguyễn Ngọc Hiển