Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định với công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em

18/04/2008
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp phụ nữ và cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, ngày 28/3/2008, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-BTV triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em năm 2008.

Theo đó, trong năm 2008 sẽ tập trung vào các trọng tâm sau:

Nắm bắt tình hình phụ nữ, trẻ em di cư, phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, đời sống của các tầng lớp phụ nữ, phản ánh kịp thời với chính quyền, các ngành chức năng để có giải pháp hỗ trợ, xử lý, báo cáo về Hội LH phụ nữ tỉnh để có hướng chỉ đạo đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em đồng thời tiến hành khảo sát tình hình phụ nữ và trẻ em đi làm ăn xa, phụ nữ có nguy cơ cao và phụ nữ bị buôn bán qua biên giới.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về các hoạt động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; lồng ghép tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt ngoại khoá trong trường học nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư về nguyên nhân, âm mưu thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và bản thân người phụ nữ, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phát hiện và tố giác góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội địa phương gắn với cuộc vận động xóa đói giảm nghèo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, đồng thời nhân rộng mô hình điểm, điển hình tiên tiến về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tiếp tục duy trì các Câu lạc bộ phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em “Nhóm phụ nữ cùng tiến” tại các đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh, của huyện. Đánh giá công tác truyền thông phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong thời gian qua, tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp, hiệu quả  tại cộng đồng.

Tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội về kiến thức, kỹ năng phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tổ chức tập huấn tại các đơn vị chỉ đạo điểm thuộc huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ cho đối tượng có nguy cơ cao, nạn nhân bị buôn bán trở về.

Duy trì và nhân rộng mô hình điểm về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tại huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ; “nhóm phụ nữ cùng tiến ” xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực.

Tuyên truyền vận động hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về địa phương ổn định tâm lý, sức khoẻ sớm tái hoà nhập cộng đồng; tăng cường biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về ổn định cuộc sống tại địa phương. Vận động nạn nhân tích cực tố giác tội phạm, xoá bỏ mặc cảm, tự ti, tham gia tuyên truyền cho cộng đồng để phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phối hợp với Ban chỉ đạo 130 tổ chức kiểm tra đánh giá các hoạt động lồng ghép với các chương trình, hoạt động khác tại địa phương như phòng chống tội phạm, phòng chống tội mại dâm...

Hội LH phụ nữ tỉnh giao cho Hội LH phụ nữ các huyện chủ động triển khai tổ chức thực hiện, phối hợp với các Ban, Ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng,  chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Trần Hồng Nhung