Huyện Trực Ninh - tỉnh Nam Định tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007

18/04/2008
Vừa qua, UBND huyện Trực Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Sở Tư pháp, thường trực huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và các thành viên của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện và Trưởng ban Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch của các xã, thị trấn.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003-2007, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện Trực Ninh có nhiều chuyển biến tích cực. UBND huyện xây dựng kế hoạch số 54/KH ngày 14/4/2003 về phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức hội nghị triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trong toàn huyện. Tiếp tục kiện toàn HĐPHCTPBGDPL huyện theo Quyết định số 347/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2004 của UBND huyện Trực Ninh, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đã thảo luận và tham mưu cho UBND huyện ban hành quy chế phối hợp giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan và xác định trách nhiệm từng đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.Theo hướng dẫn của HĐPHCTPBGDPL huyện, 21/21 xã, thị trấn đều thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng phổ biến, giáo dục ở xã, về cơ cấu gồm: ngành văn hoá thông tin, quân sự, công an, tư pháp, MTTQ và các đoàn thể.

Với mục tiêu phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước và của xã hội, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Vì vậy, trên cơ sở phân công phù hợp với chức năng quản lý của mình, các ngành, các cấp đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan nhiều đến cuộc sống của nhân dân như: Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình, Luật giáo dục, Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các luật về thuế, Luật phòng chống ma tuý, Luật nghĩa vụ quân sự, pháp lệnh dân số, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hộ tịch, về công chứng, chứng thực, pháp lệnh thi hành án dân sự, pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở và nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến từng ngành, từng lĩnh vực.

Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, căn cứ vào tình hình chính trị và tình hình kinh tế - xã hội, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã chỉ đạo, tuyên truyền, phối hợp phổ biến, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú với phương châm hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở là địa bàn để tuyên truyền pháp luật.

Tuyên truyền miệng: 5 năm qua, các ngành thành viên của HĐPH CTPBGD pháp luật đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền pháp luật cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên, học sinh sinh viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật phục vụ triển khai nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của huyện, truyền thanh của các xã, thị trấn: trên cơ sở cơ quan tư pháp cung cấp tài liệu hoặc các băng ghi âm cho các đài thực hiện như các băng tuyên truyền về luật giao thông đường bộ, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, băng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hệ thống 17 băng chuyên đề pháp luật do Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện.

Tuyên truyền qua việc thành lập các Câu lạc bộ: Phòng Tư pháp đã phối hợp với Hội phụ nữ huyện thành lập được 13 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” mỗi câu lạc bộ có từ 25-30 hội viên được ngành tư pháp các cấp bồi dưỡng nghiệp vụ trở thành các tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Ngoài ra còn phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn thanh niên thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”. Các câu lạc bộ pháp luật được thành lập và hoạt động tốt đã đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật cho các đối tượng.

Tuyên truyền qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động: trong các năm qua đã thực hiện 12 cuộc trợ giúp pháp lý tại 12 đơn vị cho gần 500 đối tượng ở : Cổ lễ, Trung Đông, Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Đại. Qua các buổi trợ giúp pháp lý đã phổ biến, tuyên truyền nhiều văn bản pháp luật tới cán bộ và nhân dân như: Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... đồng thời đã phân phát nhiều tờ gấp pháp luật tới tận tay nhân dân, tới các điểm Bưu điện – Văn hoá các xã, thị trấn và các tổ chức đoàn thể cơ sở trong huyện. Do có thành tích xuất sắc, tại hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho Phòng Tư pháp và UBND thị trấn Cổ Lễ, Ban Tư pháp thị trấn Cát Thành.

Tuyên truyền pháp luật qua việc hoạt động hoà giải ở cơ sở: Các xã, thị trấn kiện toàn 375 tổ với 1833 hoà giải viên ở cơ sở, 21 ban hoà giải cấp xã với 150 uỷ viên mỗi năm hoà giải thành trên 200 vụ không những làm ổn định an ninh nông thôn mà thông qua hoà giải để tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

Tuyên truyền qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung pháp luật vào các cuộc thi văn hoá, văn nghệ: Đầu năm 2004, Phòng Tư pháp huyện tổ chức thành công hội thi “hoà giải viên giỏi” lần thứ 2, ngành giáo dục tổ chức hội thi “Tìm hiểu luật giao thông đường bộ” trong cấp học mầm non và phổ thông, Công an huyện tổ chức hội thi “Ban Công an giỏi” một số đoàn thể như Công đoàn huyện, đoàn thanh niên tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma tuý và luật phòng cháy, chữa cháy... Các cuộc thi này được tổ chức ngay từ cơ sở, thu hút hàng trăm cán bộ và nhân dân tham gia.

Tuyên truyền pháp luật qua hệ thống tủ sách pháp luật: Toàn huyện đã phát động xây dựng tủ sách pháp luật từ năm 1998 và hoàn thành vào năm 2001 để làm tài liệu tuyên truyền và làm việc của lãnh đạo cơ sở, nhiều đơn vị đã thường xuyên mua và cập nhật các văn bản pháp luật mới. Riêng phòng Tư pháp có tủ sách tương đối hoàn chỉnh phục vụ cho cán bộ các ban, ngành tra cứu khi cần thiết.

Nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật ở các cấp học, bậc học: Với trách nhiệm là thành viên hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật huyện theo quy chế được phân công, ngành giáo dục huyện có trách nhiệm phân bổ đúng theo chương trình giáo dục pháp luật trong các cấp học, ngoài ra còn tổ chức nhiều buổi học ngoại khoá về an toàn giao thông, về phòng chống ma tuý cho học sinh.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện Trực Ninh đã được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, qua đó đã góp phần quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình vi phạm pháp luật và khiếu nại, tố cáo giảm dần.

Nguyễn Thị Lệ Huyền