Tỉnh An Giang triển khai thực hiện Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012

05/05/2008
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định số 740/2008/QĐ-UBND ngày 28/4/2008 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình PBGDPL từ nay đến năm 2012 trên địa bàn tỉnh với những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức; người dân thành phố, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; thanh thiếu niên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp với những nội dung pháp luật được lựa chọn tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp : Chú trọng tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông và các văn bản pháp luật liên quan đến chế độ công vụ, trách nhiệm kỷ luật, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị... Kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Trung ương và  địa phương ban hành liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên từng lĩnh vực, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương.  

 

Đối với người dân thành thị, nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và thanh thiếu niên: Tập trung tuyên truyền văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân như: Luật Cư trú, Luật Nhà ở, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.   

 

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở 

 

- Kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp theo hướng đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với tình hình cụ thể ở đơn vị, địa phương, bảo đảm nguyên tắc thiết thực, hiệu quả và được thực hiện một cách nghiêm túc. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp phải xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động trong đó xác định rõ trách nhiệm của các thành viên trong hội đồng. Căn cứ kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng cấp tỉnh, hàng năm Hội đồng các cấp phải xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể,  phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở đơn vị, địa phương mình.  

 

-  Hàng năm, Sở Tư pháp tiến hành rà soát, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ pháp chế đảm bảo đủ về số lượng, có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn. Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm, cung cấp tài liệu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  .Tổ chức Hội thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi” nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho lực lượng này thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên tuyên giáo các cấp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.Tăng cường, mở rộng lực lượng tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như cán bộ tư vấn, cộng tác viên pháp luật, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, các vị chức sắc tôn giáo.  

 

- Kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý công tác hoà giải . Mỗi năm tổ chức ít nhất 2 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở, chú trọng đến cán bộ tư pháp ở xã, phường, thị trấn, hoà giải viên là người dân tộc thiểu số. Thường xuyên cung cấp tài liệu, tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi”, “Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch giỏi” nhằm tạo điều kiện cho các hoà giải viên, cán bộ tư pháp cơ sở gặp gỡ, trao đổi và học tập kinh nghiệm.  

 

3. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hiện có; triển khai trên diện rộng những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đang phát huy hiệu quả trên thực tế. Hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở.  

 

- Tăng cường giới thiệu văn bản pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng được tổ chức dưới dạng hội nghị, lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề.  Cần chú trọng việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới tận cơ sở, người dân. Đổi mới phương pháp giới thiệu văn bản pháp luật theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những thắc mắc của người được tuyên truyền nhằm nâng cao tính chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức pháp luật.  

 

- Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông trong các nhà trường . Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giới thiệu văn bản pháp luật mới phù hợp với đối tượng học sinh; lồng ghép nội dung pháp luật vào các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, học sinh học giỏi môn giáo dục công dân, pháp luật.  

 

- Phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng . Sử dụng tối đa các phương tiện phát thanh, truyền hình và mạng lưới truyền thanh của các địa phương trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Đầu tư trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.  Tăng số lượng và chất lượng các loại tài liệu pháp luật khác để hỗ trợ cho việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng biên soạn thông tin pháp luật cho cán bộ đài truyền thanh xã, phư­ờng, thị trấn.  

 

- Đa dạng hoá các loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghiên cứu, biên soạn và phát hành các loại tài liệu, sách, tờ gấp, băng, đĩa hình, đĩa tiếng, lịch, pa nô, áp phích theo từng chuyên đề, lĩnh vực đảm bảo phù hợp nhu cầu đối với từng địa bàn, ngành nghề, giới tính, độ tuổi khác nhau để cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn pháp luật các cấp, hoà giải viên ở cơ sở . Các ấn phẩm pháp luật phổ thông cần được phát miễn phí tới người dân. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng, nâng cao chất lượng Bản tin Tư pháp . Chú trọng tài liệu song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, trước hết là song ngữ Việt - Khơmer.   

 

- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu từ tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học .Thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung sách pháp luật mới phù hợp với yêu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân, chú trọng bổ sung tài liệu pháp luật phổ thông, tài liệu hỏi đáp pháp luật. Đẩy mạnh việc luân chuyển sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và điểm bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật cơ quan, trường học . Nghiên cứu bố trí tủ sách tại các địa điểm thuận tiện để nhân dân có điều kiện tìm hiểu  pháp luật.  

 

- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các loại hình câu lạc bộ pháp luật .Tập trung đổi mới tổ chức tuyên truyền pháp luật tại câu lạc bộ dưới hình thức  sinh hoạt pháp luật theo chuyên đề, trao đổi, giải đáp những tình huống pháp luật từ thực tiễn. Khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo pháp luật tham gia cộng tác trong việc tổ chức và sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật.  

 

- Đổi mới và đa dạng hoá các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ lồng ghép nội dung pháp luật để thu hút nhiều đối tượng tham gia nhằm tạo nên phong trào tìm hiểu pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Tùy theo từng nội dung và chuyên đề cụ thể có thể tổ chức dưới hình thức thi sân khấu, thi viết, thi trắc nghiệm, thi tìm hiểu pháp luật trên truyền hình, trên mạng internet.  

 

- Phát triển mạnh mẽ các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, cung cấp văn bản pháp luật, sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật . Tăng cường kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý lưu động cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đáp ứng nhu cầu giải đáp những vướng mắc về pháp luật trong nhân dân. Thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, trợ giúp pháp lý miễn phí, tư vấn pháp luật. Kết hợp PBGDPL đại trà trên diện rộng với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ, việc cụ thể.  

 

- Tổ chức các cuộc điều tra thăm dò dư luận xã hội để thu thập thông tin phản hồi của cán bộ, nhân dân về hiệu quả thực thi pháp luật, nhu cầu thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật để từ đó điều chỉnh nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Điều tra thăm dò dư luận xã hội cần được tiến hành bằng nhiều hình thức: lấy ý kiến vào dự thảo luật; điều tra, khảo sát trực tiếp thông qua phỏng vấn, phiếu khảo sát, đặt hòm thư góp ý; xây dựng chuyên mục về nhu cầu thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; thu thập những yêu cầu cần được phổ biến, giáo dục pháp luật từ phía người dân thông qua Hội luật gia, Đoàn luật sư, công ty tư vấn luật, Trung tâm trợ giúp pháp lý và các tổ chức, đoàn thể xã hội khác.

Với những giải pháp đồng bộ và sự chỉ đạo tập trung của cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất định trong thời gian tới công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tình An Giang sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương./.

Trần Hải Quân