Nam Định: Xây dựng hương ước, quy ước ở các làng (thôn, xóm, tổ dân phố) và vấn đề cưới, tang, lễ hội trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật

21/04/2008
Hương ước, quy ước là loại văn bản của làng, xã chứa đựng những quy tắc xử sự chung của công đồng dân cư làng xã đó, những quy tắc xử sự ấy mang tính lịch sử, được cả cộng đồng tán thành thực hiện, nhằm phát huy những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của cộng đồng. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng về thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngành Tư pháp - cơ quan chủ trì, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của tỉnh hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội, trong đó có quan tâm đến công tác chỉ đạo, định hướng xây dựng hương ước, quy ước trên các lĩnh vực cưới, tang, lễ hội đó.

Để soạn thảo, phê duyệt hương ước, quy ước, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hương ước, quy ước, thành lập tổ chuyên viên giúp việc và làm công tác hướng dẫn, thẩm định các hương ước, quy ước cho cơ sở ở cấp huyện; ở cấp xã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các thành viên khác gồm Phó chủ tịch, Ban văn hoá xã; ở xóm, thôn, làng thành lập tổ soạn thảo gồm: Bí thư chi bộ, trưởng xóm, đại diện các đoàn thể quần chúng, các tổ chức tôn giáo, trưởng các dòng họ và những người có uy tín, hiểu biết pháp luật. Tổ chức soạn thảo hương ước, quy ước theo từng thôn, xóm trên cơ sở gợi ý của hương ước, quy ước mẫu, kết hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi cộng đồng dân cư. Tổ chức cho nhân dân thảo luận đóng góp ý kiến, bổ sung vào dự thảo hương ước, quy ước thông qua hình thức: họp xóm, tổ dân phố, thường xuyên báo cáo kết quả và xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện và tiến hành các thủ tục để thông qua hương ước, quy ước tại hội nghị đại biểu hộ gia đình của thôn, xóm. Sau khi hương ước, quy ước thông qua, Chủ tịch Uỷ ban cấp xã xem xét, trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Khi hương ước, quy ước đã được phê duyệt, trưởng xóm có trách nhiệm in ấn, sao gửi mỗi gia đình một bản để thực hiện. Nếu hương ước, quy ước không được phê duyệt thì Phòng tư pháp phối hợp với Phòng văn hoá, thông tin, thể thao hướng dẫn để cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện các hương ước, quy ước đó để trình lại.

Để xây dựng nội dung hương ước, quy ước mẫu trong việc cưới, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình trong việc tổ chức đăng ký kết hôn, thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, hôn nhân một vợ, một chồng bình đẳng, tuổi đăng ký kết hôn, khuyến khích việc kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn, thực hiện việc tổ chức lễ cưới trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, trên cơ sở kế thừa có lựa lọc những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời bảo đảm phù hợp với đời sống chung và sự phát triển hiện nay của đất nước, từ đó nêu cao nhận thức của các bên trong quan hệ hôn nhân, gia đình, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, làm tròn bổn phận của mình trong gia đình truyền thống. Trong việc tang đã thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong việc ướp xác, mai táng, hung táng. Lễ tang phải được tổ chức trang nghiêm, biểu hiện tình cảm thương tiếc, chân thành, thuỷ chung của người sống với người chết, xoá bỏ, bài trừ mọi hủ tục mê tín dị đoan, thực hiện việc đào sâu chôn chặt, giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh phô trương hình thức, lợi dụng việc tang lễ để khuyếch trương, ăn uống linh đình gây lộn xộn, mất an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư. 

Trên cơ sở hướng dẫn kịp thời của Sở Tư pháp và các ngành có liên quan, nên hầu hết các hương ước, quy ước được xây dựng theo hướng: phần đầu thường nêu tóm tắt quá trình hình thành, truyền thống văn hoá của làng, xã mình, các phần sau hương ước, quy ước trình bày những quy tắc xử sự về đạo đức, lối sống, quan hệ gia đình và quan hệ cộng đồng; quy định những nét văn hoá ứng xử, phát huy truyền thống “trên kính dưới nhường”, “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”, đề cao ý thức bảo vệ trật tự an ninh thôn, xóm, tình nghĩa xóm làng, bảo vệ môi trường sống, khuyến khích phong trào học tập, động viên con cháu học cao, học rộng, quy định thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức hội họp, đình đám, hiếu, hỉ để đảm bảo vừa tiết kiệm, vui tươi, trang trọng. Ngoài ra hương ước, quy ước còn quy định các biện pháp thưởng, phạt và việc sửa đổi hương ước, quy ước khi cần thiết. Ở nhiều địa phương, việc soạn thảo, thông qua hương ước, quy ước đã thực sự là công việc của cộng đồng dân cư, điều đó đã và đang kéo được sự quan tâm thích đáng của các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, khẳng định vị trí, vai trò của Hương ước, quy ước thôn, xóm, tổ dân cư, xác định đây là một tiêu chí để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận làng, xóm, miền dân cư văn hoá. 

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký kết hôn cho chính quyền địa phương, thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp Nam Định đã phối hợp với Sở Văn hoá, thông tin tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND, ngày 10/3/2005 về sửa đổi, bổ sung Quy chế, Quy ước, Tiêu chuẩn nếp sống văn hoá tại Quyết định 252/QĐ-UB năm 1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và quy định của pháp luật, thông qua mô hình sinh hoạt câu lạc bộ: “Phụ nữ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Tuổi trẻ với pháp luật ”; thi tìm hiểu pháp luật trên sân khấu hoặc thi viết…Sở Tư pháp đã lồng ghép, tuyên truyền pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng tới mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong quá trình chấp hành pháp luật. 

Với hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện đăng ký kết hôn ngành Tư pháp đã gắn Chỉ thị 27/CT-TW với trách nhiệm của cán bộ tư pháp, hộ tịch trong việc nghiêm túc, triệt để vận động công dân tổ chức đăng ký kết hôn trước khi cưới tại UBND xã, phường, thị trấn, khuyến khích việc cưới theo nếp sông mới, đó là tổ chức lễ cưới tiết kiệm, giản dị nhưng trang trọng và lịch sự ngay tại hội trường Uỷ ban nhân dân, trước sự chứng kiến của chính quyền và họ hàng, bạn bè của đôi bên nam nữ, hoặc tổ chức tiệc trà, báo hỉ... các hình thức này ngày được nhiều gia đình và bạn trẻ hưởng ứng. Sau 10 năm triển khai thực hiện chỉ thị số 27/CT-TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhìn chung việc xây dựng và thực hiện hương ước đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố đã và đang xây dựng và hoàn thiện Hương ước, quy ước của làng văn hoá trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của hương ước cũ, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tại nhiều địa phương, hương ước, quy ước không những góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cuộc vận động và duy trì an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến học, khuyến nghề, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong nhân dân. Hương ước, quy ước mới cũng góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng cuộc sống mới ngay tại địa bàn cơ sở. 

Thông qua việc chỉ đạo, ngành Tư pháp đã góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, giáo dục nếp sống tốt đẹp, truyền thống của dân tộc, ngăn chặn kịp thời một số hiện tượng đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm tha hoá lối sống, đạo đức của một số ít người dân, ngăn chặn những phản ứng tiêu cực trong đời sống cộng đồng dân cư.

Nguyễn Thị Lệ Huyền