Quảng Ngãi: Tuyên truyền giáo dục đi đôi với xử lý nghiêm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông

21/04/2008
Thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-TTg ngày 17/01/2008 và Công điện số 169/CĐ-TTg ngày 29/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về an toàn giao thông, an toàn pháo nổ; Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 28/01/2008 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Mậu Tý, ngay từ đầu quí I/2008, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng như Tư pháp, Công an, Thanh tra giao thông, Báo Quảng Ngãi, Đài phát thanh truyền hình, các hội đoàn thể và các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan bằng các hình ảnh, panô, áp phích, tăng trang tin, thời lượng phát sóng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, phỏng vấn và phát thông điệp về đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông (TGGT)… Đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm soát khắc phục tình trạng mất an toàn trong lĩnh vực ATGT, nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người khi TGGT.

Khi nói về ATGT, người ta thường nói đến các nguyên nhân như cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống đường giao thông xuống cấp, các phương tiện TGGT tăng nhanh làm tăng mật độ phương tiện TGGT trong cùng thời điểm ở các tuyến đường, nhưng chất lượng không đảm bảo, ý thức chấp hành pháp luật của người TGGT…, những yếu tố trên là nguyên nhân trực tiếp làm xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Song trên từng lĩnh vực mối quan hệ giữa người TGGT, các phương tiện TGGT đều là những mối quan hệ khăng khít với nhau, chịu sự tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và đồng thời cũng là những nguyên nhân trực tiếp của nhau. Vì vậy công tác tuyên truyền phải là biện pháp đi đầu trong tổng thể các biện pháp nhằm giảm thiểu TNGT. Trước hết, cần tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người TGGT. Đây cũng có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất, bởi trong các vụ TNGT xảy ra đều bắt nguồn từ sự chủ quan của con người. Ý thức chấp hành pháp luật của người TGGT, dù là vô tình hay cố ý đều để lại những hậu quả khôn lường. Nhận thức được vấn đề này, Tiểu ban tuyên truyền giáo dục pháp luật phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức trưng bày các hình ảnh nhằm cảnh báo TNGT; biên soạn nội dung tuyên truyền về ATGT bằng tiếng phổ thông, tiếng Kor và H’re để cấp phát cho các địa phương và các đội tuyên truyền lưu động phục vụ công tác tuyên truyền vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Tổ chức cấp phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền về ATGT cho các chủ xe, lái xe; dán hàng trăm tờ áp phích tuyên truyền cổ động về trật tự ATGT ở các tuyến đường trọng điểm và các khu dân cư. Tổ chức hơn 400 lượt tuyên truyền lưu động và trên 100 lượt tuyên truyền tập trung tại 39 xã, 54 khu dân cư và 10 cơ quan, trường học có hơn 19.980 lượt giáo viên, học sinh và nhân dân tham gia; hướng dẫn cho trên 1.400 lượt giáo viên, học sinh, hộ gia đình ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT” “khu dân cư 6 không”, trong đó có nội dung không vi phạm trật tự ATGT. Đi đôi công tác tuyên truyền vận động CBCCVC và nhân dân tích cực thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATGT, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động lực lượng cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng của các địa phương tổ chức 2.677 đợt tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông, phát hiện 9.585 trường hợp vi phạm trật tự ATGT (có 415 trường hợp không đội mũ bảo hiểm). Cảnh cáo, giáo dục 68 trường hợp, phạt tiền 8.836 trường hợp, nộp vào kho bạc 3.159.729.000 đồng; tước giấy phép lái xe 205 trường hợp; đã tạm giữ 133 ôtô, 1.973 môtô, 4.039 giấy tờ xe. Việc kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để người điều khiển xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm của người TGGT theo Nghị định 146 ngày 14/9/2007 của Chính phủ đã có tác dụng giáo dục răn đe rất rõ rệt. Đã thông báo 1.562 trường hợp CBCCVC, học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT về cơ quan, đơn vị, trường học để quản lý giáo dục.

Tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2008 tuy có giảm nhưng vẫn còn cao cả về số vụ, số người chết, người bị thương. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ (giảm 25 vụ), làm chết 40 người (giảm 13 người), bị thương 52 người (giảm 18 người) so cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên tình hình trật tự ATGT không bền vững, vẫn còn diễn biến khá phức tạp, các vụ TNGT gần đây thực sự đang trở thành vấn đề nhức nối của xã hội. Để tình trạng này xảy ra trước hết là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT hiệu quả chưa cao, tuyên truyền chưa sâu rộng và thường xuyên. Mặt khác, nhận thức và ý thức về trật tự ATGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên chưa cao, chưa tự giác, công tác quản lý, xử lý ở một số trường học chưa nghiêm, sự quan tâm giáo dục của nhà trường, gia đình chưa đúng mức. Số CBCCVC, học sinh sinh viên vi phạm trật tự ATGT ở mức cao (1.562 trường hợp); các cơ quan, đơn vị chưa có biện pháp mạnh trong việc quản lý, xử lý nghiêm những CBCCVC vi phạm trật tự ATGT. Công tác tuấn tra kiểm soát từng lúc từng nơi chưa được thường xuyên; tình trạng người điều khiển môtô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều vẫn còn xảy ra nhưng chưa bị xử lý nghiêm. Tỷ lệ người TGGT bằng xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm vẫn còn, nhất là các địa phương xa trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự ATGT vẫn chưa kiên quyết và thường xuyên; hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động chưa đều, chưa đồng bộ. Văn bản chỉ đạo rất nhiều nhưng các biện pháp triển khai thực hiện ở cơ sở còn lúng túng, mang tính hình thức. Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng đó là tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông phát triển không đồng đều, không theo kịp sự phát triển gia tăng của các phương tiện giao thông, bên cạnh đó công tác quản lý trật tự đô thị còn nhiều yếu kém dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên. Theo báo cáo của ngành chức năng số phương tiện đi lại tăng nhanh (tính đến ngày 31/3/2008 số phương tiện đăng ký quản lý tại tỉnh là 338.903 xe, trong đó ôtô 8.496 xe – có 793 xe tự độ chế; 330.407 môtô xe máy, trong đó 264.235 môtô, 66.172 xe máy).

          Những nguyên nhân chủ yếu nêu trên đã phần nào lý giải tình trạng TNGT trong tỉnh quí I/2008 giảm không đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng TNGT xảy ra cũng cần nhìn từ một góc độ khác hết sức bức xúc nổi lên đó là ý thức chấp hành pháp luật của con người và tập quán của người TGGT. Cứ nhìn toàn cảnh những gì đang diễn ra trên đường phố hay trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và cả đường liên huyện thì sẽ nhìn nhận được ngay sự thông hiểu luật lệ của người TGGT. Người đi xe đạp thì chạy hàng đôi, hàng ba (nhất là học sinh khi tan trường), có khi dàn hàng ngang chiếm hết cả phần đường của các loại phương tiện khác. Người đi xe máy đặc biệt là số choai choai mới lớn thì lạng, lách, rồ ga, phóng xe từ ngõ hẻm ra, rẽ phải, sang trái không cần ngó trước, ngó sau... Người điều khiển ô tô thì cũng lạng lách giành đường không kém; hiện tượng xe taxi, xe buýt, xe khách phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách, xe tải… ngông nghênh đi giữa đường, dừng xe tuỳ ý thích, dừng, đỗ trả khách, lấy hàng…. Không vào bến bãi theo quy định; tình trạng không chấp hành luật giao thông như trên là khá phổ biến.  

Như vậy, để giải quyết tận gốc của vấn đề TNGT thì một trong những việc cần phải làm là thay đổi bắt đầu từ nhận thức, ý thức của con người và vai trò của tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chứ không phải các biện pháp hạn chế sự phát triển các phương tiện đi lại bằng cách tăng thu phí đối với xe ôtô và môtô....Đương nhiên việc hình thành ý thức pháp luật phải bắt đầu từ sự tuyên tuyền giáo dục từ gia đình tới từng cơ quan, đơn vị, trường học và cả xã hội về ATGT từng giờ, từng ngày, cả năm, thậm chí vài năm chứ không phải làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” cứ gần đến “tháng an toàn giao thông” thì tuyên truyền cổ động, mitinh, tuần hành rầm rộ, rồi hết đợt thì lạnh như “chùa bà đanh”. Mặt khác, cần phải thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông bằng sự có mặt và hoạt động tích cực của công an giao thông và các lực lượng chức năng khác trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông bất kể đối tượng vi phạm là ai cũng đều phải xử lý đúng pháp luật. Thông qua các hoạt động xử lý đúng đối tượng, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các cơ quan công quyền nhằm giáo dục, răn đe để mọi công dân có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Vấn đề thứ hai là phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các hội đoàn thể trong công tác quản lý, giáo dục CBCCVC, hội viên, đoàn viên và nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời cần chủ động tìm ra các nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT trên địa bàn để có biện pháp tuyên truyền giáo dục cho mọi người hiểu, có cách phòng tránh các tai nạn rủi ro dễ xảy ra và có giải pháp khắc phục để các tồn tại đó không tái diễn, không còn là những ám ảnh của người TNGT, đặc biệt là những điểm “đen” đã được cảnh báo.

Trong công tác tuyên truyền cần chú trọng đối tượng TGGT bằng môtô, xe gắn máy, nhất là lứa tuổi thanh niên, sinh viên phải có ý thức chấp hành luật giao thông, tránh các hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy khi đã dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích; không có giấy phép lái xe khi điều khiển ôtô, môtô, xe gắn máy; đi môtô, xe gắn máy không đúng làn đường, chở quá số người qui định; phóng nhanh, vượt ẩu vi phạm tốc độ tối da cho phép. Làm tốt công tác vận động, tuyên truyền mọi người khi TGGT phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường. “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình”, bởi không dễ nếu như mỗi chúng ta không thực sự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chấp hành luật giao thông, sẽ không thấy hậu quả của các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Sự hiểu biết của bạn, của tôi, của mọi người chắc chắn sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần giảm thiểu những hành vi vi phạm luật giao thông và những vụ TNGT không đáng có trên địa bàn./.

PMH