Nam Định đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về cải cách tư pháp

21/04/2008
Ngay sau khi Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp được ban hành, Nam Định đã tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết tới các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong toàn tỉnh, tập trung lãnh đạo các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 49, công tác tư pháp Nam Định đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp, đã rà soát, đánh giá cán bộ, đào tạo, đào tạo lại, tập  huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng cán bộ, tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy trong từng cơ quan phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Căn cứ công tác đánh giá cán bộ hằng năm, chỉ tiêu biên chế được giao và việc tiêu chuẩn hoá cán bộ các cơ quan tư pháp đã kiện toàn bố trí, sắp xếp, bổ sung một bước lực lượng cán bộ, công chức.

Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết các vụ án điểm, đã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tích cực tham gia phòng chống tội phạm trong các tầng lớp nhân dân. Một số cơ quan tư pháp đã mở hòm thư tin báo tố giác tội phạm, các ngành Công an và Kiểm sát phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý và xử lý tin báo tội phạm kịp thời, chính xác, hiệu quả. Ngành Toà án, Kiểm sát và  Công an đã xây dựng quy ước phối hợp liên ngành trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử,  thi hành án, do đó tiến độ và chất lượng giải quyết án được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt khá cao.

Để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, Công an tỉnh đã chỉ đạo rà soát, lập các hòm thư tố giác tội phạm, bố trí trực ban hình sự trực thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh trực 24/24giờ. Trong 3 năm qua đã tiếp nhận xử lý 120 vụ xâm phạm an ninh quốc gia, phát hiện điều tra 63 vụ án kinh tế, phát hiện, bắt 2.211 vụ, 3.100 đối tượng phạm tội về ma tuý; triệt phá 198 ổ nhóm tội phạm hình sự, bắt 482 đối tượng, tỷ lệ khám phá đạt 83.5%, riêng các án đặc biệt nghiêm trọng khám phá đạt 100%. Đã khởi tố, điều tra 2.972 vụ, 3.892 bị can, hoàn thành điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 2.578 vụ, 3.493 bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn (bắt, giam, giữ) tổng số 3.105 người, trong đó bắt khẩn cấp 215 người, bắt tạm giam 654 người. Ba năm qua, số lượng các vụ án tiếp nhận, thụ lý lớn, song vẫn đảm bảo chất lượng, thời hạn điều tra, xử lý tội phạm theo đúng luật định.

Thực hiện Nghị quyết 49, toàn ngành Kiểm sát đã tập trung cao cho yêu cầu nâng cao năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Cả 2 cấp đã tích cực thực hiện tốt việc kiểm sát xử lý 3.146 tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát khởi tố 2.659 vụ án, phê chuẩn 3.620 quyết định khởi tố bị can và kiểm sát áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tổng số vụ án đã thụ lý, kiểm sát điều tra 2.762 vụ/3.967 bị can, đã kết thúc điều tra 2.495 vụ/3.591 bị can, tỷ lệ kết thúc điều tra của cơ quan điều tra hàng năm đạt 82.2%. Tất cả các vụ án đã đưa ra xét xử không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, Toà án tuyên bị cáo không phạm tội. Hoạt động tố tụng của kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà đã có nhiều đổi mới và tiền bộ cả về nội dung cáo trạng, luận tội và phương pháp tranh tụng, đã góp phần quan trọng để bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ trong phiên toà xét xử.

Các cơ quan tư pháp đã phối hợp tốt lựa chọn 127 vụ án trọng điểm, tổ chức 104 phiên toà lưu động và 11 phiên toà điển hình. Các vụ án trọng điểm đều được các ngành thảo luận để có quan điểm đánh giá đúng, có biện pháp phối hợp chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nhanh phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở địa phương.

Hệ thống Toà án đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 49 để chấn chính việc điều hành và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, tạo điều kiện để các luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày quan điểm của mình. Trong 3 năm qua, các đơn vị Toà án trong tỉnh đã giải quyết 6.393/.6497 vụ việc, đạt tỷ lệ 98.8%, trong đó giải quyết theo trình tự sơ thẩm là 3.768 vụ, phúc thẩm 625 vụ. Ngành Toà án đã xét xử lưu động 70 vụ án, tích cực chủ động đẩy nhanh tiến độ xét xử các loại án, không để án tồn đọng, chất lượng xét xử được nâng lên, án bị sửa giảm và hạn chế thấp nhất các vụ án bị huỷ. Toà án tỉnh đã chỉ đạo Toà án các huyện, thành phố phối hợp với các ngành hữu quan, đến nay đã thực hiện tăng thẩm quyền xét xử án hình sự, dân sự cho 10/10 đơn vị cấp huyện. Hằng năm kiểm tra đối với 100% bản án, quyết định của các đơn vị toà án trong tỉnh đã xét xử không có kháng cáo, kháng nghị, bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để rút kinh nghiệm kịp thời những thiếu sót, tồn tại hoặc xử lý bằng tố tụng đối với những vụ có vi phạm lớn hoặc sai sót nghiêm trọng.

Công tác Thi hành án dân sự cũng được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến đáng kể, hạn chế đơn thư bức xúc, kéo dài. Cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên được đẩy mạnh việc rà soát, phân loại án, xử lý án tồn đọng; tăng cường phối hợp với các cơ quan và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong chỉ đạo triển khai hoạt động thi hành án, đặc biệt trong giải quyết một số vụ, việc thi hành án phức tạp, kéo dài. Tổng số việc phải thi hành là 11.288 việc, có điều kiện thi hành là 6.679 việc, đã thi hành xong là 5.933 việc đạt 89% trên số việc có điều kiện thi hành.

Công tác giải quyết đơn thư, khiếu kiện được các cơ quan tư pháp quan tâm thường xuyên phối hợp để rà soát, phân loại và kịp thời giải quyết dứt điểm đúng thời  hạn luật định, không để tồn đọng. Viện kiểm sát phối hợp cùng các ngành Công an, Toà án, Tư pháp tổ chức rà soát, đơn khiếu kiện, tồn đọng trong hoạt động tư pháp, phân loại, chỉ đạo xác minh giải quyết kịp thời theo thẩm quyền của từng ngành. Trong 3 năm qua, ngành công an đã tiếp nhận xử lý 32 đơn tố cáo, khiếu nại liên quan đến công tác điều tra, xử lý án, đã chỉ đạo xác minh giải quyết xong 100% đơn.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các ngành, các cấp đã định hướng rõ nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong từng giai đoạn, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND, Bộ luật Hình sự, pháp luật trật tự an toàn giao thông, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo… Trong năm 2006 và năm 2007, đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Các cấp uỷ, chính quyền tăng cường chỉ đạo, các cấp, các ngành và cơ sở đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với các đối tượng như tuyên truyền miệng, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn, phát hành tài liệu...Đến nay 100% xã, phường, thị trấn và nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học có tủ sách pháp luật. Với mục tiêu thông qua hoà giải để phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đến nay toàn tỉnh đã có 3.581 tổ hoà giải và gần 19.000 hoà giải viên cơ sở.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 48, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tư pháp được tăng cường, đã huy động hệ thống chính trị tham gia vào công tác tư pháp. Tổ chức, bộ máy của hệ thống các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn. Chất lượng công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, điều tra truy tố xét xử, giam giữ và thi hành án được nâng lên rõ rệt, đảm bảo tuân thủ pháp luật, không để xảy ra oan sai. Việc triển khai Nghị quyết đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn tỉnh và trong từng địa phương, đơn vị.

Trần Hồng Nhung