TGPL lưu động ở Quảng Ninh: Hướng mạnh đến vùng biên giới, hải đảo!

20/02/2008
Quảng Ninh là tỉnh miền núi biên giới, địa bàn rộng, phức tạp vừa có rừng núi lại vừa có bờ biển dài với gần 60% dân cư sống ở nông thôn nên trình độ hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như vậy nhưng Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng cường TGPL lưu động về tận địa bàn dân cư, đặc biệt là các xã bản miền núi biên giới và hải đảo xa xôi để “ xoá nghèo” pháp luật cho nhân dân.

*Lên núi, xuống biển trợ giúp lưu động!

Toàn tỉnh có 132 km đường biên giới giáp Trung Quốc và 250 km đường biển. Vùng biển Quảng Ninh có rất nhiều đảo, diện tích các đảo chiếm 13% diện tích toàn tỉnh, trong đất liền thì 90% diện tích là đồi núi. Địa hình phức tạp như vậy cũng đủ nói lên việc đưa pháp luật đến từng người dân ở những xã đảo xa xôi là rất khó khăn, vất vả. Nhìn chung trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân trong tỉnh còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận với pháp luật và các dịch vụ pháp lý của nhân dân cũng gặp phải nhiều khó khăn. Trước đây, nếu có vướng mắc về pháp luật hoặc có tranh chấp, đa số nhân dân tìm cách tự giải quyết- đôi khi cách giải quyết của họ đã không đúng pháp luật lại còn không bảo vệ quyền lợi của các bên. Vì vậy, hoạt động TGPL lưu động về cơ sở đã tuyên truyền pháp luật sâu rộng và giải quyết vướng mắc trong cộng đồng dân cư.

Đơn cử đợt TGPL lưu động về Thị trấn Cái Rồng (huyện đảo Vân Đồn) đã tuyên truyền, giải đáp vướng mắc của nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng, quy hoạch dự án khu đô thị Thị trấn Cái Rồng. Có 26 hộ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ vào dự án khu đô thị này. Trước tình hình khó khăn vì thiếu đất đai sản xuất nông nghiệp nhưng do được kịp thời tuyên truyền về đường lối chủ trương của nhà nước, các hộ dân đã nghiêm chỉnh chấp hành và tự tìm cách bứt phá tìm kiếm các mặt hàng sản xuất khác phù hợp với điều kiện gia đình và điều kiện kinh tế địa phương như nuôi thỏ, nuôi nhuyễn thể, nuôi cá lồng cá bè... Hay như đợt TGPL lưu động về xã Hải Lạng (xã đảo xa nhất của huyện đảo Vân Đồn), song song với việc phổ biến cho nhân dân các kiến thức cơ bản về pháp luật, các cán bộ Trung tâm TGPL còn tuyên truyền việc bảo vệ tài nguyên môi trường tới ngư dân. Tương tự, nhờ được tuyên truyền pháp luật nên ở nhiều xã vùng cao biên giới đã không còn nạn phá rừng, các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số cũng được xoá bỏ.

*TGPL lưu động- Một công, đôi lợi!

Năm 2007, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức TGPL lưu động được 15 đợt về 60 xã, phường trong 10 huyện, thị trong tỉnh. Qua các đợt TGPL lưu động, đã có 642 vụ việc (với 610 đối tượng) được TGPL, phát miễn phí 17.000 tờ gấp phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như Luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật An toàn giao thông đường bộ.v.v. Ngoài ra, còn có hàng ngàn lượt người dân được tư vấn, giải đáp những vướng mắc  pháp luật miễn phí. Đặc biệt, trong các đợt TGPL lưu động còn tổ chức tuyên truyền và thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn miễn phí cho công dân theo Nghị định 158/NĐ-CP. Chính vì vậy, TGPL về cơ sở là hoạt động được đông đảo nhân dân đồng tình, các cấp các ngành khuyến khích, ủng hộ.

Hoạt động TGPL đã đưa pháp luật đến các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng không có khả năng về kinh tế, phương tiện đi lại được tiếp xúc với Trung tâm TGPL Nhà nước, giảm được thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân và tăng cường hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Thông qua TGPL lưu động, người dân được cung cấp thông tin pháp luật, được giải toả vướng mắc, được tư vấn để hiểu biết đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình. Phối hợp với chính quyền cơ sở, đoàn TGPL còn đứng ra giải quyết những bất cập giữa chính quyền với người dân, góp phần giảm bớt khiếu kiện. Đồng thời qua công tác TGPL lưu động cũng nắm bắt được những bức xúc, những tâm tư nguyện vọng của người dân để phản ánh với chính quyền và cơ quan chức năng cùng chung tay tìm biện pháp tháo gỡ. Qua theo dõi các địa phương đã được TGPL lưu động, trình độ nhận thức pháp luật của người dân được nâng cao rõ rệt, những mâu thuẫn phát sinh thường được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, tuyệt đối không có tình trạng “cái sảy nảy cái ung”. Đặc biệt, năm 2007 ở Quảng Ninh không còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, không còn những “điểm nóng” ở địa bàn dân cư, mối quan hệ trong cộng đồng làng xóm cũng vì thế mà trở lên gắn bó hơn để cùng nhau xây dựng cuộc sống dân chủ, văn minh.

Quỳnh Lưu – Báo Pháp Luật VN