Thái Nguyên: Chú trọng giáo dục pháp luật học đường

20/02/2008
Là một tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trình độ dân trí chưa cao, trên địa bàn lại tập trung khá nhiều trường đại học, cao đẳng nên công tác GDPL học đường ở Thái Nguyên gặp phải nhiều khó khăn. Xác định công tác GDPL trong nhà trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngành giáo dục Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai kế hoạch GDPL sâu rộng trong toàn ngành và từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Công tác GDPL trong nhà trường ở Thái Nguyên đã phát huy mọi nguồn lực, tận dụng tối đa các điều kiện về vật chất và tinh thần, mở rộng phạm vi, đối tượng tuyên truyền để hoạt động này trở thành thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành. Với nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của Luật giáo dục đối với đời sống xã hội, Sở Giáo dục đã chỉ đạo tiếp tục triển khai phổ biến Luật Giáo dục tới cán bộ, nhà giáo và người học trên địa bàn toàn tỉnh. Cho đến nay, 100%  nhà trường và cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã thực hiện có chất lượng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục đối với người học và cán bộ, giáo viên. Nhờ vậy, hiểu biết về Luật Giáo dục, đặc biệt là những điểm mới của Luật Giáo dục trong cán bộ, giáo viên và người học được nâng cao. Ngoài ra, Sở Giáo dục còn kết hợp với Đài truyền hình tỉnh tổ chức một chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật giáo dục trên truyền hình do đồng chí phó giám đốc Sở trực tiếp báo cáo, chương trình đã được đông đảo người xem truyền hình theo dõi, có tác dụng tích cực trong cộng đồng dân cư.

Nội dung của nhiều bộ luật quan trọng khác như: Luật an toàn giao thông đường bộ, Luật phòng chống ma tuý, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em... cũng được tổ chức tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức phong phú như tổ chức hội thi, nói chuyện chuyên đề… Quá trình thực hiện, các cơ sở đã có nhiều sáng tạo, đa dạng hoá trong nội dung và hình thức tuyên truyền nên đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt ở cấp học tiểu học và trung học cơ sở. Có thể kể tên nhiều “điểm sáng” trong công tác này như Phòng giáo dục Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ, Phổ Yên..., các trường THPT như Sông Công, Ngô Quyền, Lương Ngọc Quyến... Các luật mới được ban hành như Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng cũng được triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn ngành. Cụ thể, Sở Giáo dục đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành chương trình hành động thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng để có tổ chức thống nhất và chương trình hành động cụ thể.

Công tác xây dựng và triển khai tủ sách pháp luật (TSPL) cũng được ngành giáo dục Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Đây chính là cơ sở tạo ra nguồn tài liệu chính thống, phục vụ cho công tác tìm hiểu, tra cứu của cán bộ, giáo viên, tạo thuận lợi cho công tác GDPL chính khoá và ngoại khoá. Từ cơ quan văn phòng sở, các đơn vị trực thuộc cho tới các nhà trường thuộc mọi cấp học đều đã xây dựng được TSPL và khai thác hiệu quả phục vụ cho công tác chuyên môn và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cơ quan, đơn vị, trường học. Các TSPL này không ngừng được cập nhật và “làm giàu” để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác của thầy và trò. Đặc biệt, trong năm 2007, ngành giáo dục Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho đội ngũ cán bộ pháp chế cơ sở và giáo viên thu hút 27/29 trường THPT với 237 giáo viên dự thi, hơn 23 nghìn lượt cán bộ, giáo viên và học sinh tham dự. Cuộc thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi ngành Giáo dục là một hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao với số lượng văn bản pháp luật tuyên truyền nhiều (10 văn bản luật trong đó có những văn bản luật rất quan trọng đối với nhà trường như Luật giáo dục, Luật An toàn GTĐB, Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Phòng, chống tham nhũng…), đối tượng tuyên truyền, giáo dục rộng. Qua cuộc thi, trình độ hiểu biết pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ cán bộ chuyên môn được nâng cao, đáp ứng yêu cầu công tác, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên cũng có những tiến bộ rõ rệt.

 Chính nhờ sự nỗ lực trong công tác PBGDPL trong trường học ở Thái Nguyên mà ý thức pháp luật của cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn ngày càng được nâng cao, tình hình trật tự, kỷ cương trong nhà trường được giữ vững. Mục tiêu của ngành giáo dục Thái Nguyên là sau khi tốt nghiệp, người học có kiến thức pháp luật tương đương ở từng cấp học, có ý thức chấp hành pháp luật tốt, được xã hội thừa nhận đang từng bước thành hiện thực.

Quỳnh Lưu – Báo Pháp luật VN