Bình Định: Đánh giá thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý

20/02/2008
Thực hiện Công văn số 24/BTP-TGPL ngày 04 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, ngày 14.2.2008, UBND tỉnh Bình Định có báo cáo số báo cáo 15/BC-UBND về kết quả triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý như sau:

          1. Việc tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý: Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, ngày 08 tháng 01 năm 2007 Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 44/QĐ-CTUBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Giám đốc Sở Tư pháp biên soạn tài liệu pháp luật về trợ giúp pháp lý, phát hành tờ gấp pháp luật miễn phí đến tận các đối tượng được trợ giúp pháp lý và nhân dân ở một số vùng, tổ chức quán triệt các nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng và lãnh đạo HĐND, UBND các cấp; tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật về những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn để nhân dân và các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Nhà nước.

          Kết quả trong năm 2007 đã phát hành 2.000 tập tuyên truyền một số nội dung về Luật TGPL và một số nội dung của các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động TGPL; Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh biên soạn và phát hành 200 băng cát-sét với các nội dung về tổ chức TGPL và hoạt động TGPL bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Ba-na; Biên soạn nội dung và lắp đặt 30 bảng thông báo về TGPL tại UBND, Toà án nhân dân và Công an của 11 huyện, thành phố; thực hiện chuyên trang và chuyên mục về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung về TGPL trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh và Báo Bình Định; tổ chức cho báo cáo viên pháp luật của tỉnh thực hiện 28 buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật ở 28 xã, thị trấn cho các đối tượng là lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể cấp xã và nhân dân. Tổ chức tại tỉnh 2 lớp tập huấn chuyên đề về phổ biến pháp luật và kỹ năng TGPL cho Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ TGPL, chuyên viên, cộng tác viên TGPL có gấn 200 người dự. Tổ chức 3 Hội  nghị tập huấn các văn bản pháp luật ban hành trong năm 2007 có nội dung của Luật TGPL cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Trong đó một lớp tại huyện Hoài Nhơn cho cán bộ trong Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và cán bộ Đài Truyền thanh huyện của 4 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân và huyện An Lão, một lớp cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trong toàn tỉnh, một lớp riêng cho huyện An Lão với 120 người tham dự là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch và cán bộ hoà giải cấp cơ sở của huyện. Ngoài ra, trong năm 2007 tại các phiên họp của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức họp 6 tháng, năm để phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý cho các thành viên của Hội đồng. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng đã phân công cụ thể cho các thành viên Hội đồng phải có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền trong cán bộ, nhân viên của đơn vị mình biết để thực hiện.

          Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tổ chức các lớp tập huấn các nội dung của các văn bản luật năm 2007, trong đó có Luật Trợ giúp pháp lý nên đến nay, nhận thức trong cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh về hoạt động trợ giúp pháp lý đã có sự chuyển biến tích cực.

          2. Kết quả rà soát các quy định của địa phương về trợ giúp  pháp lý để sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định không còn phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Văn bản pháp quy và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tổ chức rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý của cấp tỉnh và cấp huyện ban hành, qua đó rà soát các quy định còn hiệu lực, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đối với văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ, ban hành mới cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý.

          Qua rà soát, các văn bản có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của cấp huyện, trước khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực chưa có văn bản nào. Đối với cấp tỉnh, trên cơ sở thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp và ban hành Quyết định số 69/1999/QĐ-UB ngày 28/5/1999 V/v ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bình Định. Theo quyết định này, UBND tỉnh đã thành lập tổ chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp và bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2000. Bước đầu Trung tâm được giao 6 biên chế và tổ chức hoạt động của Trung tâm từng bước đi vào nề nếp.

          Hiện nay, đối chiếu với các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Quyết định của UBND tỉnh về Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Định chưa có gì trái với các quy định của Luật. UBND tỉnh chờ Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước do Bộ Tư pháp ban hành, để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đảm bảo hoạt động.

          3. Kết quả rà soát và định hướng củng cố, kiện toàn mạng lưới các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước và của tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức hành nghề luật sư, cụ thể các mục sau:

          a) Về tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước:

          + Hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh trực thuộc Sở Tư pháp. Có 06 biên chế được giao. Trong đó có 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 03 chuyên viên và 01 kế toán ( để đảm bảo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm TGPLNN đã hợp đồng 01 cử nhân luật tham gia trực tư vấn). Số cán bộ, chuyên viên công tác tại Trung tâm đều có trình độ Đại học Luật; Giám đốc và Phó Giám đốc có trình độ lý luận chính trị Cao cấp; Có 01 cán bộ ngạch Chuyên viên chính và 05 cán bộ ngạch Chuyên viên.

          + Thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp lập Đề án củng cố tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định giai đoạn từ 2007 - 2010. Hiện nay, Đề án này đã được Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh thông qua, đang hoàn chỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến để UBND tỉnh quyết định ban hành.

          Theo Đề án năm 2008 sẽ tổ chức hoàn chỉnh bộ máy làm việc của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, trong đó có 14 biên chế, bao gồm 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, thành lập 02 Phòng chuyên môn: Phòng Nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý và Phòng Tổng hợp-Hành chính.

          Về tổ chức Chi nhánh Trợ giúp pháp lý, theo quy hoạch từ nay đến năm 2010 toàn tỉnh có 05 Chi nhánh, chia theo địa bàn liên huyện, mỗi Chi nhánh thực hiện Trợ giúp pháp lý ở 02 huyện. Năm 2008 thành lập 02 Chi nhánh, năm 2009 thành lập mới 02 Chi nhánh và năm 2010 thành lập 01 Chi nhánh, với số lượng biên chế của mỗi Chi nhánh có từ 3-4 cán bộ, chuyên viên, Trợ giúp viên. Tổng biên chế cho các Chi nhánh là 17 người.

          Về nguồn cán bộ để bổ nhiệm Trợ giúp viên và thành lập Chi nhánh. Hiện nay toàn tỉnh đã có 07 chuyên viên được cử đi dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp tổ chức trong năm 2006 và 2007. Trong đó đang công tác tại Trung tâm TGPL 05 cán bộ và công tác tại các huyện 02 cán bộ (số cán bộ đang công tác tại huyện được cử đi dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL đã được UBND huyện thống nhất cử làm Trợ giúp viên pháp lý và chuẩn bị nguồn để thành lập Chi nhánh trong năm 2008). Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, sau  khi 05 cán bộ, chuyên viên dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý năm 2007 được cấp Chứng chỉ (đã có 02 cán bộ, chuyên viên tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý năm 2006 được cấp Chứng chỉ), Giám đốc Sở Tư pháp đang lập thủ tục trình UBND tỉnh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

          b) Về tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức hành nghề luật sư: Toàn tỉnh Bình Định hiện có 02 Trung tâm tư vấn pháp luật: 01 Trung tâm trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, 01 Trung tâm trực thuộc Hội Luật gia tỉnh và có 17 Văn phòng Luật sư (không có Công ty Luật  tại địa phương). Các Trung tâm tư vấn pháp luật và các Văn phòng Luật sư trong tỉnh đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp và Hợp đồng cộng tác với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh.

          Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 02 Trường Đại học (Đại học Quy Nhơn và Đại học Quang Trung), 03 Trường Cao đẳng (Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Y tế ). Các trường Đại học và Cao đẳng ở tỉnh chưa thành lập tổ chức tư vấn pháp luật.

          - Kết quả bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: Hiện tại UBND tỉnh chưa bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo của Giám đốc Sở Tư pháp; lý do: số cán bộ, chuyên viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp chưa gửi kết quả bồi dưỡng và Chứng chỉ bồi dưỡng về cho tỉnh. Khi có kết quả bồi dưỡng năm 2007 Giám đốc Sở Tư pháp sẽ xem xét kết hợp giữa hai đợt bồi dưỡng (7/2006 và 12/2007) để đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý làm việc tại Trung tâm và các Chi nhánh.

          Căn cứ theo Đề án về củng cố tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thì từ nay đến nay 2010 toàn tỉnh có 05 Chi nhánh, với tổng số cán bộ, chuyên viên công tác trợ giúp pháp lý khoảng 31 người, thì cần ít nhất khoảng 20 cán bộ được bổ nhiệm làm Trợ giúp viên (tại Trung tâm có ít nhất là 10 Trợ giúp viên, mỗi Chi nhánh có ít nhất là 02 Trợ giúp viên). Do vậy, từ nay đến năm 2010 mỗi năm tỉnh sẽ cử khoảng từ 8-10 cán bộ chuyên viên đi dự bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đề tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên.

          - Kết quả rà soát chất lượng đội ngũ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý:

          + Về đội ngũ Cộng tác viên: Đội ngũ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý của tỉnh hiện có là 100 người, bao gồm các cán bộ, chuyên viên và các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, cán bộ lãnh đạo và chuyên viên các Phòng Tư pháp, cán bộ UBND các xã, thị trấn trong tỉnh. Hầu hết các ngành có liên quan đến các lĩnh vực trợ giúp pháp lý của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã  đều có Cộng tác viên. Số cộng tác viên trợ giúp pháp lý đều có trình độ đại học luật, chỉ có một số ít Cộng tác viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác như: nông nghiệp, kinh tế. Nhiều Cộng tác viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Về cơ bản số Cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong thời gian qua đều thực hiện tốt nhiệm vụ và nhiệt tình trong công việc.

          + Về định hướng phát triển mạng lưới Cộng tác viên cấp huyện, cấp xã trong năm 2008 và đến năm 2010: Để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý, đảm bảo cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý trên tất cả các lĩnh vực và hình thức trợ giúp pháp lý, tất cả các ngành ở cấp huyện như: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tổ chức - Lao động và Xã hội, Phòng Tư pháp, Phòng Dân tộc, Phòng Giáo dục - Đào tạo, các ngành trong khối nội chính… đều có Cộng tác viên. Mỗi huyện, thành phố phải có từ 10 - 15 Cộng tác viên. Đối với cấp xã, mỗi xã, phường, thị trấn phải có từ 3-5 Cộng tác viên công tác ở các ngành: tư pháp, địa chính, khối Dân vận, Mặt trận…

          5. Tổng kinh phí cấp cho công tác trợ giúp pháp lý trong năm 2007:

          a) Về kinh phí: Năm 2008, kinh phí cấp cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Định có 2 nguồn:

          - Nguồn kinh phí chi cho con người: bình quân 28.000.000 đồng/người/ năm (kinh phí chi cho con người của các đơn vị sự nghiệp chung của tỉnh)

          - Nguồn kinh phí chi cho hoạt động sự nghiệp: 100.000.000 đồng/năm

          ( Số kinh phí được cấp trên chưa tính trừ 10% tiết kiệm chi)

          b) Về trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại:

          - Về trụ sở: Hiện nay trụ sở làm việc của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cùng chung với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản nhà nước của tỉnh, đặt tại số nhà 37 đường Phan Đình Phùng, thành phố Quy Nhơn. UBND tỉnh dự kiến sẽ bố trí trụ sở làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh ở một địa điểm khác thuận tiện hơn trong hoạt động Trợ giúp pháp lý, sau khi Đề án củng cố tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh được thông qua.

          - Về cơ sở vật chất: Trung tâm TGPL đã mua được 01 bộ máy vi tính (từ nguồn kinh phí tỉnh cấp); Cục Trợ giúp pháp lý cấp: 01 bộ máy vi tính và 01 máy phô tô copy.

          - Về phương tiện đi lại: Hiện Trung tâm có 03 chiếc xe mô tô, trong đó 02 chiếc do Cục Trợ giúp pháp lý cấp. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm thuê xe tư nhân phục vụ (Trung tâm chưa có xe ô tô).

          6. Những vấn đề Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thực hiện việc phân cấp quản lý về trợ giúp pháp lý (tổ chức bộ máy, cán bộ, tài chính…) cho Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

Hiện nay công tác tổ chức cán  bộ, tài chính giao Giám đốc Sở Tư pháp trực tiếp chỉ đạo và giao kế hoạch. Sau khi Đề án củng cố tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh được UBND tỉnh ban hành Quyết định chính thức thì việc phân cấp tổ chức bộ máy, cán bộ, tài chính sẽ được phân cấp cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

          7. Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành:

          - Trong những năm qua, công tác TGPL đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp quan tâm tăng cường, tuy nhiên nhu cầu trợ giúp pháp lý trong các đối tượng nhân dân là rất lớn, do vậy đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính có hướng dẫn việc thực hiện phần chi của ngân sách cho công tác TGPL theo như các quy định tại Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định. Đồng thời hỗ trợ kinh phí tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TGPL, qua đó các đối tượng được TGPL biết được quyền lợi của mình, để yêu cầu được TGPL. 

          - Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để đảm bảo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên. Theo quy định của Luật TGPL thì Trợ giúp viên phải có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, được tham quan, nghiên cứu học tập, trao đổi kinh nghiệm về TGPL.

          - Theo quy định của Luật TGPL, thì Trợ giúp viên pháp lý được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính  cho người được TGPL (theo Điều 21 Luật TGPL), do vậy sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sang đơn vị sự nghiệp hoặc đơn vị kinh tế khác (không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) thì có được trở thành Luật sư và thành lập Văn phòng Luật sư, Công ty Luật như những Luật sư khác và thực hiện theo quy định của Luật Luật sư.

Huỳnh Huyện