Bắc Giang: Phương hướng, nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2008

29/01/2008
Năm 2008 là năm có ý nghĩa quan trọng- kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Sở Tư pháp Bắc Giang, đồng thời cũng là năm bản lề trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, triển khai sâu rộng các văn bản pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của ngành.

1. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và kiểm tra  văn bản quy phạm pháp luật

Nâng cao chất lượng và  bảo đảm đúng thời gian trong việc soạn thảo, tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến và thẩm định văn bản QPPL. Thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND, 100% văn bản QPPL của HĐND và UBND trước khi ban hành đều được ngành Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến, thống nhất và khả thi của văn bản khi được ban hành. 

 

Tăng cường công tác rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL theo thẩm quyền. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Năm 2008, ngành Tư pháp giúp HĐND và UBND tự kiểm tra 100% VBQPPL đã ban hành. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi quá trình xử lý các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện. Tiến hành củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL của tỉnh. Tiến hành việc rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL do HĐND và UBND ban hành năm 2007 và triển khai công tác tổng rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các quy định hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp.

2. Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân  dân

 Đổi mới nội dung, làm phong phú hình thức phổ biến giáo dục pháp luật  ( PBGDPL ) nhằm đưa pháp luật đến với đông đảo người dân; chú trọng công tác PBGDPL tại cơ sở, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức của cấp uỷ và chính quyền cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 61 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008-2012 sau khi được ban hành; tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn;

 Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan thực hiện có kết quả các chương trình phối hợp PB GDPL đã ký kết, trong đó nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh. Tiếp tục củng cố kiện toàn đội ngũ làm công tác PB GDPL. Tiến hành rà soát lại đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở cấp tỉnh, cấp huyện để có biện pháp kiện toàn và tăng cường tập huấn nghiệp vụ nhằm đưa hoạt động vào nề nếp, thiết thực.

Chủ động, tham gia tích cực vào hoạt động PB GDPL theo các chương trình: quốc gia phòng chống tội phạm, chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, đấu tranh phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm, an toàn giao thông...

Đổi mới nội dung và nâng cao số lượng, chất lượng Bản tin Tư pháp nhằm thông tin kịp thời những văn bản mới ban hành và hoạt động của toàn ngành, nhất là tư pháp cơ sở. Đẩy mạnh việc giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong ngành nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Sở Tư pháp. Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức các tài liệu hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp để nhân dân dễ đọc, dễ hiểu. Tổ chức biên soạn các đề cương tuyên truyền pháp luật cung cấp cho cơ sở để làm tài liệu tuyên truyền.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở cơ sở, xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học; bổ sung sách pháp luật, nhất là những văn bản luật mới ban hành cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc luân chuyển sách pháp luật từ tủ sách đặt tại trụ sở UBND đến điểm Bưu  điện  văn  hoá  xã  theo kế hoạch đã ký kết giữa Sở Tư pháp và Bưu điện tỉnh.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở, phấn đấu toàn tỉnh tỷ lệ hoà giải thành đạt 85% trở lên. Tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

3. Tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác Thi hành án   dân sự; thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp cán bộ Thi hành án

Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự. Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và có điều kiện thi hành thuộc thẩm quyền. Tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh những biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án ở địa phương. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Kế hoạch liên ngành về xét, miễn, giảm án phí, tiền phạt trong thi hành án dân sự.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án, chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm minh những sai phạm trong hoạt động thi hành án và đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Thi hành án.

Năm 2008, toàn ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thi hành án dân sự, phấn đấu đạt tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc đạt 80%, về tiền đạt 60% trong số việc có điều kiện thi hành, đối với vụ việc chuyển giao cho cấp xã thi hành xong đạt tỷ lệ 90% về việc, 75% về tiền  nhằm làm chuyển biến căn bản công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đề cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ trong lĩnh vực Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục giải quyết công việc trong hoạt động hành chính tư pháp, hoạt động công chứng, chứng thực.    Tăng cường kiểm tra, đôn đốc họat động chứng thực ở cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Tiến hành chuyển đổi hoạt động của các Phòng Công chứng sang loại hình đơn vị sự nghiệp.

Thường xuyên kiểm tra thực hiện Nghị định số 158/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn; hướng mạnh công tác hành chính tư pháp về cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động hành chính tư pháp ở cấp tỉnh theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế  “một cửa” trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

5. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Tư pháp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh

Sở Tư pháp  tiếp tục kiện toàn các phòng, đơn vị trực thuộc; điều động, bố trí sắp xếp lại tổ chức cán bộ các đơn vị nhằm phát huy năng lực, sở trường của  từng cán bộ, công chức; thực hiện công tác luân chuyển cán bộ đối với một số lĩnh vực theo quy định. Phối hợp với các cơ quan hữu quan củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ngành, tổ chức giám định tư pháp. Đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh và Thi hành án dân sự các huyện, thành phố; bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý.

6. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh

Tiếp tục thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý , Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Tư pháp, của UBND tỉnh về thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý tại trụ sở cũng như lưu động. Tăng cường hoạt động tư vấn, đại diện bào chữa theo yêu cầu của các đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, bảo đảm việc trợ giúp được thực hiện kịp thời, chính xác và đúng pháp luật. Tiến hành kiện toàn tổ chức Trung tâm trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 60/QĐ-UBND ngày 11/7/2007 của UBND tỉnh. Triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình 135 giai đoạn II tại các xã đặc biệt khó khăn.

Năm 2008, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tổ chức mỗi tháng 6 - 8 đợt lưu động; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các Chi nhánh trợ giúp pháp lý ở cơ sở tăng cường trợ giúp lưu động ở cơ sở.

7. Chú trọng công tác Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu  nại, tố cáo của công dân

Thực hiện tốt Nghị định số 74/NĐ-CP ngày 01/8/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra tư pháp. Tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác thanh tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện những nhân tố tích cực để kịp thời động viên, nhân rộng và  những biểu hiện tiêu cực, vi phạm để kịp thời xử lý, uốn nắn, nhằm làm trong sạch, lành mạnh cơ quan tư pháp, Thi hành án dân sự. 

8. Đẩy mạnh hoạt động tham mưu của Văn phòng, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và các công tác khác

 Văn phòng Sở thường xuyên nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp, chế độ thông tin báo cáo; kịp thời đề xuất những biện pháp tích cực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở, lãnh đạo đơn vị. Duy trì việc thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị, Quy chế chi tiêu nội bộ và sử dụng tài sản công; thực hiện tốt Quy chế văn hoá công sở trong cơ quan. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Sở sau khi có Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 62/2003/NĐ- CP của Chính phủ.

 Thực hiện tốt công tác hành chính quản trị. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tăng cường trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức.

 Phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành lập thành tích chào mừng những ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2008, kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, kỷ niệm 25 ngày thành  lập Sở Tư pháp Bắc Giang; chú trọng xây dựng và bồi dưỡng nhân tố điển hình tiên tiến. Thực hiện nghiêm Luật Thi đua khen thưởng, các hướng dẫn của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh về công tác thi đua khen thưởng.

Phối hợp và tạo mọi điều kiện cho Chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của cơ quan hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành. Đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức.

9. Công tác chỉ đạo, điều hành

Đổi mới việc xây dựng kế hoạch công tác năm 2008 của ngành, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết các nhiệm vụ công tác tư pháp có tính cấp thiết, còn nhiều hạn chế ở địa phương. Trên cơ sở kế hoạch công tác của Sở, các đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị sát với tình hình thực tế, chú trọng tới các nội dung, giải pháp có tính hiệu quả.

Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ ngay từ đầu năm, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở tỉnh trong việc xây dựng cơ chế phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp.

Tăng cường làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác tư pháp cơ sở;  phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan tư pháp trong các Hội đồng, Ban chỉ đạo để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác tư pháp./.

Hoàng Giang