Sở Tư pháp Quảng Ngãi tham mưu tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về giáo dục”

29/01/2008
Sở Tư pháp Quảng Ngãi tham mưu tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về giáo dục”
Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về giáo dục do Sở Tư pháp Quảng Ngãi tham mưu tổ chức diễn ra trong vòng thời gian 4 tháng, thu hút 167.604 người dự thi (bao gồm học sinh sinh viên, giáo viên, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, nông dân, phụ nữ, các Hội đoàn thể từ đồng bằng đến miền núi tham gia), vừa qua, Sở đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho 124 tập thể, cá nhân đoạt giải trong cuộc thi.

Xác định giáo dục là một lĩnh vực xã hội rộng lớn, có vị trí hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bên cạnh đó, nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác đặt ra thách thức mới về chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa-dịch vụ, năng lực cạnh tranh… Với mong muốn đa dạng các hình thức tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó tạo điều kiện cho mọi công dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục, nắm bắt và tuân thủ các quy định của pháp luật về giáo dục, đồng thời có những ý kiến đóng góp để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh phát động cuộc thi: “Tìm hiểu Pháp luật về giáo dục” trên quy mô toàn tỉnh.

Khác với mọi năm, năm nay Trưởng ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về giáo dục do Giám đốc Sở Tư pháp đảm nhiệm,vì vậy mọi vấn đề phát sinh trong cuộc thi đều được giải quyết một cách linh động, kịp thời, nhanh chóng và cuộc thi được diễn ra theo đúng tiến độ mà kế hoạch đã đưa ra. Để thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh tham gia, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai sâu rộng, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi. Đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo, Liên đoàn lao động tỉnh và các ngành liên quan chỉ đạo, đôn đốc các Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện làm đầu mối để triển khai thực hiện và vận động các cơ quan, đơn vị, trường học và nhân dân trên địa bàn tham gia cuộc thi. Mặt khác, để cuộc thi đạt chất lượng cao Sở Tư pháp thường xuyên phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua Đặc san của ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, Trang thông tin điện tử của Sở, đồng thời chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước của tỉnh thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tăng cường phổ biến pháp luật về giáo dục để người dân ở các vùng sâu, vùng xa có thể tìm hiểu và tham gia dự thi với chất lượng cao nhất.

Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi viết, đối tượng tham gia là tất cả công dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc (trừ thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký, cán bộ công chức có liên quan thuộc Sở Tư pháp kể cả vợ, chồng và con của các thành viên này không được tham dự cuộc thi). Trên cơ sở 10 câu  hỏi do Ban tổ chức đưa ra, người tham dự sẽ trả lời đầy đủ các câu hỏi. Bài dự thi phải được viết tay hoặc đánh máy không chấp nhận hình thức photocopy. Các câu hỏi cuộc thi chủ yếu tập trung vào những nội dung cơ bản khái quát nhất, xoay quanh các vấn đề thiết thực và gần gũi như: quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, nhiệm vụ và quyền hạn của nhà giáo, nhà trường…, đặc biệt Ban tổ chức đã quyết định đưa 2 câu hỏi (câu 9 và câu 10) là câu hỏi mở về những vấn đề mà hiện nay xã hội đang rất quan tâm là vấn đề “dạy thêm, học thêm”, vấn đề thực hiện phong trào “Bốn không” của ngành giáo dục. Chính vì vậy, để trả lời được đầy đủ nội dung câu hỏi, người dự thi không chỉ nghiên cứu kỹ Luật Giáo dục năm 2005 mà còn phải tìm hiểu các quy định có liên quan đến lĩnh vực giáo dục do Trung ương hoặc tỉnh ban hành, đồng thời phải tìm hiểu về các vấn đề mà xã hội quan tâm, từ đó có những ý kiến đóng góp, nói lên những suy nghĩ của mình trước những vấn đề đó.  Vì câu hỏi có tính chất “mở” như vậy nên các bài dự thi được làm với nội dung rất đa dạng và phong phú, bên cạnh những nhận định và đánh giá thực trạng những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, nhiều bài dự thi đưa ra những sáng kiến, giải pháp trước thực trạng đó. Điều này cho thấy người dự thi rất có tâm huyết về các vấn đề này. Từ bài của một cụ già 86 tuổi trăn trở về việc “nặng giáo dục chữ, nhưng nhẹ về giáo dục đạo đức”, đến bài của một em học sinh cấp ba dám nói lên những suy nghĩ của mình về thực trạng “học thêm để vì điểm” mà không phải là để nâng cao kiến thức mà như em nói là “học để làm ngu cái ngu ngốc và đánh thức cái trí tuệ”. Tuy nhiên, bên cạnh những bài dự thi đạt chất lượng cao, có sự đầu tư công phu kỹ lưỡng vẫn tồn tại một số bài thi chỉ được làm mang tính chất đối phó, làm cho có như các bài được in với nội dung giống nhau, thậm chí là phôtôcopy. Điều đáng buồn là có một số tập thể (có cả trường học) lại vận dụng Luật Giáo dục năm 1998 để trả lời các câu hỏi (trong khi Luật Giáo dục năm 2005 đã có hiệu lực thi hành hơn 2 năm). Điều này cho thấy việc cập nhật thông tin pháp luật của cán bộ nhân dân ở một số địa phương vẫn còn rất hạn chế, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa trong việc phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở để nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân.

Có thể nói trong những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thì hình thức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết được xem là một trong những hình thức mang lại hiệu quả cao, thu hút mạnh mẽ người tham gia dự thi nhất, qua đó có cơ hội học hỏi nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về giáo dục nói riêng, góp phần nâng cao dân trí và ý thức pháp luật của công dân trong lĩnh vực giáo dục. Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về Giáo dục” đã kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, qua đó càng khẳng định và nâng cao vai trò, vị trí của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Mong rằng trong thời gian tới, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm nhiều hơn nữa để pháp luật nhanh chóng đi vào thực tiển cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người dân.
 

Thanh Ngọc