Sở Tư pháp Đà Nẵng ban hành Kế hoạch công tác năm 2008.

30/01/2008
Căn cứ Chương trình công tác trọng tâm năm 2008 của Bộ Tư pháp, căn cứ các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp UBND thành phố Đà Nẵng giao cho ngành Tư pháp Đà Nẵng trong năm 2008, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-STP ban hành Kế hoạch công tác năm 2008 của ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng với các nội dung trọng tâm sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành     

- Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp ngay từ đầu năm; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Tiếp tục hướng mạnh về cơ sở; tiếp tục đề cao trách nhiệm của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong việc giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác tư pháp, cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động chỉ đạo điều hành, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn.   

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác, cung cấp, cập nhật, quản lý và sử dụng thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành; sử dụng văn bản điện tử để từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin.

        - Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc tập thể; cải tiến mạnh mẽ lề lối, tác phong làm việc; xây dựng, áp dụng các quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của Sở và các đơn vị thuộc ngành Tư pháp Đà Nẵng với sự phân công trách nhiệm, sự phối hợp công tác cụ thể, rõ ràng.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nhằm hoàn thành tốt  nhiệm vụ được giao; kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

          2. Công tác xây dựng văn bản

- Hoàn thành với chất lượng cao và đúng tiến độ việc thẩm định và góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, đảm bảo ý kiến thẩm định có giá trị thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dự thảo văn bản.

- Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực công tác soạn thảo, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật cho cán bộ tư pháp trên địa bàn thành phố”.

- Chủ động và tích cực trong việc tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành và địa phương; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức thực hiện trong phạm vi thẩm quyền của mình.

 

- Tập trung kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Ngành Tư pháp, nhất là những lĩnh vực liên quan nhiều đến doanh nghiệp, tổ chức và công dân trên địa bàn thành phố; phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp địa phương trong việc giúp UBND cùng cấp tự kiểm tra văn bản; đẩy mạnh việc tự kiểm tra văn bản quy phạm đồng thời với việc tập trung củng cố bộ phận chuyên trách kiểm tra văn bản ở các cấp.     

- Tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản; biên soạn, phát hành các tài liệu nghiệp vụ phục vụ công tác văn bản.      

- Phối hợp với Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức tốt Hội thảo khoa học - thực tiễn về thực trạng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp địa phương.

- Chuẩn bị tốt cho việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành.

          3. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

- Tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật; nghiên cứu giải pháp đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2012. Xây dựng nội dung của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng được tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là những lĩnh vực có khiếu kiện nhiều, gây bức xúc trong xã hội.

- Tham mưu, đề xuất UBND thành phố tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi năm 2008” toàn thành phố nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các cấp có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tuyên truyền pháp luật.

- Nâng cao hiệu quả xây dựng, hoạt động Tủ sách pháp luật ở cơ sở, nhất là ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn.

- Tăng cường năng lực, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ và nhiệt tình với công tác. Quan tâm phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm để nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

          - Có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

- Tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường từ năm 2005 đến 2010.

- Tiếp tục triển khai Dự án VIE/02/015 do Bộ Tư pháp tài trợ và đề tài khoa học về giám định tư pháp.

- Nghiên cứu, đầu tư nâng cao chất lượng và tăng số lượng phát hành Bản tin Tư pháp trên địa bàn thành phố.

+ Công tác hòa giải cơ sở:

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn địa phương nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở; tích cực, chủ động tham mưu UBND các cấp bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL và hòa giải cơ sở.

- Chuẩn bị nội dung, điều kiện để tổ chức tổng kết 10 năm Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở vào năm 2008.

- Nâng cao chất lượng tổ chức hòa giải ở cơ sở,  phấn đấu hòa giải thành đạt tỷ lệ bình quân từ 90% trở lên.

- Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ Hòa giải viên cơ sở.

4. Công tác hành chính tư pháp      

- Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến việc phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp dễ dàng, thuận lợi khi có nhu cầu giải quyết công việc liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực hành chính tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” trên lĩnh vực chứng thực và hộ tịch; đấu tranh phòng chống các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong lĩnh vực này; tăng cường ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính tư pháp.

- Sơ kết, đánh giá 01 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hành chính tư pháp, đặc biệt là cán bộ tư pháp xã, phường; tăng cường năng lực, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, phường đủ sức thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

- Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, phường và nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chứng thực ở xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

5. Công tác Bổ trợ tư pháp

- Phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý, trọng tài thương mại, đấu giá tài sản, giám định tư pháp..., nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân có cơ hội sử dụng các dịch vụ pháp lý có chất lượng cao.

- Tăng cường quản lý nhà nước về luật sư, sớm phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của đội ngũ luật sư cũng như trình độ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của Luật sư.

- Phối hợp với ngành chủ quản tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho Giám định viên các tổ chức Giám định để nâng cao năng lực của Giám định viên tư pháp trong quá trình tố tụng. Tiếp tục đề xuất chính sách, chế độ hợp lý để khuyến khích vật chất và tinh thần đối với đội ngũ tham gia hoạt động giám định tư pháp; phối hợp xây dựng đề án thành lập Trung tâm pháp y tâm thần trình UBND thành phố ban hành. 

- Tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản; tích cực tham mưu giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực bán đấu giá tài sản, đưa công tác này hoạt động ngày càng hiệu quả.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò của trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

6. Công tác trợ giúp pháp lý

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý; Chỉ thị số 35/2007/CT-TTg ngày 13/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.

- Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở, vùng sâu, vùng xa bảo đảm mọi người đều được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý; quan tâm mở rộng mạng lưới cộng tác viên ở cấp huyện và cấp xã đồng thời tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ này.

- Kiện toàn tổ chức, biên chế cán bộ, trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ này.  

- Phối hợp công tác trợ giúp pháp lý với cơ quan, đơn vị liên quan để nâng cao hiệu quả trong công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong hoạt động TGPL lưu động và đại diện, bào chữa cho đối tượng.

- Củng cố nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

- Tiếp tục thực hiện chương trình cung cấp văn bản pháp luật miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách.

          7. Công tác Thi hành án dân sự     

          - Tập trung rà soát lại các vụ việc tồn đọng, phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được. Kiểm tra kết quả phân loại án. Nếu phát hiện trường hợp cán bộ thi hành án vì lý do tiêu cực mà cố tình báo cáo sai kết quả xác minh điều kiện thi hành án hoặc không tổ chức thi hành những vụ việc có điều kiện thi hành thì cần xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm chung.

- Giải quyết một bước căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng, chỉ đạo áp dụng các biện pháp giải quyết cơ bản các việc thi hành án tồn đọng, phấn đấu giảm 10 đến 15% số lượng việc thi hành án tồn đọng so với năm 2007; tiếp tục phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về thi hành án, nhất là đối với những nơi có đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thi hành án ngay từ cơ sở. Phát huy tác dụng của “Đường dây nóng” về công tác thi hành án dân sự, đáp ứng sự tin tưởng của người dân khi phản ánh sự việc qua phương tiện này, góp phần giải quyết, hạn chế tiêu cực, trì trệ trong công tác thi hành án dân sự.

- Thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Thi hành án, trong đó tập trung vào việc bổ sung biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc; đẩy mạnh việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thi hành án; thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi hành án dân sự. Rà soát, phát hiện loại bỏ những thủ tục rườm rà, không thuận tiện cho công dân, tổ chức. Xây dựng và hoàn thiện các quy trình giải quyết công việc hợp lý, khoa học gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan thi hành án dân sự.

- Đánh giá hiệu quả của việc chuyển giao loại vụ việc thi hành án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp xã trực tiếp đôn đốc thi hành để đề xuất phương án thực hiện chủ trương này trong thời gian tới.

        - Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án các địa phương nhằm tăng cường sự phối kết hợp trong công tác thi hành án dân sự.

8. Công tác tổ chức xây dựng ngành

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và vai trò của Sở Tư pháp đối với công tác tư pháp ở địa phương; kiện toàn bộ máy tổ chức của cơ quan Thi hành án dân sự; quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp cấp xã và cấp huyện để đội ngũ này có đủ năng lực giải quyết công việc theo thẩm quyền.

- Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển. Đổi mới cơ chế tuyển dụng nhằm thu hút những cán bộ có năng lực, trình độ phù hợp với chức trách và yêu cầu nhiệm vụ được giao; gắn đào tạo chuyên môn với bồi dưỡng đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, tình cảm, lòng tự hào nghề nghiệp, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ tư pháp vừa có tâm, vừa có tầm, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

- Siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; cải tiến mạnh mẽ lề lối, tác phong làm việc; chú trọng việc xây dựng, áp dụng các quy trình giải quyết công việc khoa học, hợp lý với sự phân công trách nhiệm, sự phối hợp công tác cụ thể, rõ ràng; chú trọng ứng dụng tin học trong thực hiện nhiệm vụ. 

          9. Công tác Thanh tra

          - Đẩy mạnh hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ chuyên môn của tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của ngành, kết hợp với thanh tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị được thanh tra. Chú trọng những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các công việc của tổ chức và công dân như: Thi hành án dân sự, công chứng, hộ tịch…

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

- Kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý hoặc xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

- Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng đơn vị trực thuộc.

- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện những nhiệm vụ đột xuất khác.

Căn cứ Kế hoạch công tác của ngành, Thi hành án dân sự thành phố, các tổ chức giúp việc, các đơn vị trực thuộc Sở, các Phòng Tư pháp quận, huyện xây dựng Kế hoạch công tác cụ thể của đơn vị và tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị thực hiện Kế hoạch công tác Tư pháp năm 2008 của ngành ở từng đơn vị. Văn phòng Sở giúp Giám đốc Sở theo dõi việc triển khai Kế hoạch công tác năm 2008 của Ngành và có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch công tác năm 2008 để báo cáo Giám đốc Sở. Trong quá trình triển khai Kế hoạch công tác Tư pháp năm 2008, nếu có vướng mắc, phát sinh các đơn vị gửi văn bản về Văn phòng Sở để Văn phòng tổng hợp, báo cáo Giám đốc Sở quyết định./. 

Thu Hường