Phát triển đội ngũ luật sư ở Lào Cai và các tỉnh miền núi khó khăn - bài toán khó đòi hỏi phải có lời giải từ chính sách hỗ trợ rõ ràng

08/01/2008
Phát triển đủ số lượng luật sư để tham gia tranh tụng tại các phiên toà và giúp đỡ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là yêu cầu cấp thiết của chiến lược cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Xuất phát từ tính chất của nghề luật sư là nghề tự do, các luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng để nhận thù lao từ khách hàng, do vậy sự phát triển về số lượng luật sư trước hết phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Việc phát triển số lượng luật sư phải được thực hiện trong tổng thể các giải pháp không chỉ mang tính nghề nghiệp mà còn giải pháp kinh tế và giải pháp mang tính xã hội.

Từ khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực thi hành đến nay, số lượng luật sư trong cả nước đã phát triển khá nhanh, nhưng tỷ lệ luật sư so với số dân cả nước vẫn còn rất thấp. Đặc biệt số lượng luật sư phân bố không đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Hiện nay số lượng luật sư của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm hơn 50% tổng số luật sư trong cả nước, trong khi đó Đoàn Luật sư Lào Cai được thành lập từ 03/11/1992 với 02 luật sư kiêm nhiệm. Đến nay tổng số Luật sư của Đoàn Luật sư Lào Cai có 06 Luật sư, trong đó có 05 Luật sư chính thức; 01 Luật sư tập sự; về trình độ có 02 Luật sư chính thức đã qua khoá đào tạo nghề Luật sư; về độ tuổi có 03 Luật sư trên 50 tuổi; 03 Luật sư dưới 40 tuổi. Trong những năm qua luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lào Cai đã thực hiện đúng quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, các luật sư đều có đạo đức tốt, yêu nghề và có tâm trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy số lượng luật sư ít nhưng Ban chủ nhiệm Đoàn đã rất nhiệt tình, có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy định, tham gia tích cực trong việc thực hiện cải cách tư pháp. Phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo  100% vụ việc. Tuy nhiên hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư tại Lào Cai mới chỉ đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương còn các yêu cầu của khách hàng mới chỉ thực hiện được số lượng rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Năm 2006 Đoàn Luật sư tỉnh Lào Cai đã thực hiện được 15  việc  tư vấn pháp luật và 72 vụ tranh tụng tại phiên toà, trong đó có 07 vụ do khách hàng mời còn lại do cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm trợ giúp pháp lý yêu cầu; Năm 2007 đã tham gia bào chữa tại phiên toà đ­ược 37 vụ theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.  Số lượng việc ít nên thu nhập của các luật sư rất hạn hẹp. Từ khi thành lập đến nay, Đoàn Luật sư  tỉnh Lào Cai chưa có trụ sở làm việc riêng mà vẫn đang ở nhờ một phòng làm việc của Sở Tư pháp. Trang thiết bị làm việc của Đoàn Luật sư được UBND tỉnh hỗ trợ mua từ năm 1997 đến nay tất cả đều đã cũ, một số thiết bị như máy Photocopy, máy Fax, tủ sách pháp luật …. hiện nay chưa có. Kinh phí để đảm bảo hoạt động của Đoàn Luật sư chủ yếu là nguồn thu từ phí thành viên 30.000đ/tháng/1 luật sư và khoản đóng góp của người gia nhập Đoàn theo Nghị quyết của Hội nghị toàn thể luật sư 500.000đ/người. Ngoài ra Đoàn Luật sư Lào Cai không có nguồn thu nào khác.

Luật Luật sư có hiệu lực thi hành đã được 01 năm, công tác kiện toàn đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp Lào Cai. Đến nay đã có 01 Công ty Luật hợp danh với 04 thành viên được cấp giấy phép hoạt động.Tuy nhiên từ năm 2005 đến nay Đoàn Luật sư Lào Cai đã không kết nạp thêm được Luật sư nào mặc dù thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc hỗ trợ đào tạo nghề luật sư, Sở Tư pháp Lào Cai đã phối hợp với Đoàn Luật sư triển khai thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương nội dung chiêu sinh, thời hạn đăng ký,  các chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề luật sư cho đối tượng là nguồn luật sư bổ sung cho Đoàn Luật sư Lào Cai song thực tế trên địa bàn tỉnh không có nguồn để bổ sung cho đội ngũ luật sư vì các lý do sau:

Thứ nhất: Do đặc thù Lào Cai là tỉnh mới được tái thành lập do vậy đội ngũ cán bộ công tác trong ngành Tư pháp, Toà án, Kiểm sát …. đã nghỉ hưu đủ điều kiện gia nhập Đoàn Luật sư theo quy định là rất ít. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên đã nghỉ hưu chủ yếu mới có trình độ Cao đẳng Toà án, Cao đẳng Kiểm sát hoặc qua chương trình luân huấn luật do vậy không đủ tiêu chuẩn để trở trành luật sư theo quy định của luật Luật sư.

Thứ hai: Theo quy định của Luật luật sư thì muốn trở thành luật sư một người có trình độ đại học luật và đủ các tiêu chuẩn để trở thành luật sư phải đăng ký  tham dự khoá đào tạo nghề luật sư và học trong thời gian 6 tháng sau đó lại phải đăng ký tập sự hành nghề luật sư trong thời hạn 18 tháng thì mới đủ điều kiện để được kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và nếu đạt yêu cầu thì được Bộ Trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, sau đó mới được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong thời gian tập sự hành nghề luật sư, người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Như vậy một sinh viên trẻ mới ra trường muốn trở thành luật sư phải mất ít nhất 02 năm đi học và học việc không có thu nhập mới có đủ điều kiện để được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay thì mức thù lao luật sư được tính căn cứ vào nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; thời gian, công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; kinh nghiệm và uy tín của luật sư. Như vậy đối với tỉnh miền núi khó khăn như Lào Cai đã rất ít việc, mức thù lao được trả căn cứ vào kinh nghiệm và uy tín của luật sư thì các luật sư trẻ mới hành nghề sẽ có rất ít cơ hội để tìm được việc làm có thu nhập cao. Do những khó khăn này mà trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua không thu hút được các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học luật trở thành luật sư. Hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai có rất nhiều sinh viên trẻ tốt nghiệp đại học luật ra trường, có nhiều trường hợp ra trường không tìm được việc làm nhưng họ cũng không lựa chọn nghề luật sư.

Luật luật sư cũng đã dự liệu được những khó khăn trong việc phát triển đội ngũ luật sư ở các tỉnh miền núi nên đã có quy định giao cho Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc Hội về việc thi hành Luật luật sư đã quy định rõ “Chính phủ quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn để phát triển đội ngũ luật sư và bảo đảm hoạt động của Đoàn luật sư”. Thực hiện Luật luật sư và Nghị quyết số 65 của Quốc Hội, ngày 26/02/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư và tại Khoản 2 - Điều 24 Nghị định này đã quy định “Hàng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm lập dự toán ngân sách hỗ trợ cho việc bồi dưỡng luật sư, đào tạo nghề luật sư  và hoạt động của Đoàn luật sư các tỉnh đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước” và tại điểm g khoản 2 - Điều 25 Nghị định này cũng quy định Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư tại địa phương. Đây là quy định mở nhưng không rõ ràng, quy định này được hiểu là Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ việc bồi dưỡng luật sư, đào tạo nghề luật sư và hoạt động của Đoàn luật sư còn UBND tỉnh cũng có thể hỗ trợ để phát triển đội ngũ luật sư nhưng hình thức hỗ trợ cụ thể thế nào thì không được quy đinh rõ. Từ các phân tích ở trên có thể thấy rằng đối với các tỉnh miền núi khó khăn như Lào Cai thì để trở thành một luật sư có thu nhập ổn định để có thể sống được bằng nghề như luật sư ở các thành phố lớn là rất khó khăn. Do vậy để khuyến khích các sinh viên trẻ lựa chọn nghề luật sư rất cần một chính sách khuyến khích rõ ràng từ Chính phủ, nên chăng cần quy định rõ khi có cam kết trở thành luật sư tại các tỉnh miền núi khó khăn thì sẽ được miễn phí đào tạo nghề luật sư, trong thời gian tập sự hành nghề luật sư được hỗ trợ kinh phí để đảm bảo có thu nhập để duy trì cuộc sống, và nên có sự hỗ trợ kinh phí cho các luật sư trẻ mới hành nghề trong thời gian ít nhất là 05 năm kể từ khi được cấp chứng chỉ. Đối với hoạt động của Đoàn luật sư cũng cần quy định rõ UBND tỉnh hỗ trợ bố trí đất, xây dựng trụ sở và Bộ Tư pháp hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động hoạt động thường xuyên như tiền điện, tiền nước, tiền văn phòng phẩm, sách, báo .... Phải có một chính sách hỗ trợ rõ ràng, giúp Đoàn Luật sư ở các tỉnh miền núi khó khăn như Lào Cai xây dựng và duy trì uy tín, danh dự nghề nghiệp thì mới thu hút được người lựa chọn nghề luật sư. Như vậy mới có thể phát triển đủ số lượng luật sư đề ra trong chiến lược cải cách tư pháp; Thực hiện được mực tiêu của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương phấn đấu đến năm 2010 cả nước có 18.000 luật sư và rút ngắn khoảng cách về sự phân bố  luật sư giữa các tỉnh miền núi khó khăn và các thành phố lớn.

Lê Thị La