Thái Bình: Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 4

08/01/2008
Ngày 4/1/2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch thực hiện đề án 4 về \"phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ Tư pháp trong phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn\" trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2010.

Mục đích của Kế hoạch nhằm phát huy vai trò của cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Nâng cao nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ các cơ quan Tư pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Tư pháp; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

 Nội dung của Kế hoạch nhằm bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức pháp luật và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn: Tập huấn nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật: tập trung hướng dẫn kỹ năng thực hiện nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp ở cấp xã như: tuyên truyền miệng, biên soạn tài liệu pháp luật; hướng dẫn hoạt động và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hoà giải viên, tuyên truyền viên pháp luật; khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn thông qua trợ giúp pháp lý; đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt của các câu lạc bộ ở xã, phường, thị trấn…

Tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành tài liêu phục vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương, qua các phiên toà xét xử lưu động.

 Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, trung tâm học tập cộng đồng, các cuộc họp của thôn, tổ dân phố để kết hợp giới thiệu, tuyên truyền những quy định của pháp luật.

Kế hoạch thực hiện Đề án được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn I(Từ tháng 12 năm 2007 đến hết năm 2009): Từ tháng 12/2007 đến tháng 6 / 2008: Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện đề án 4. Các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện những nội dung thuộc ngành mình; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh; lập danh sách cán bộ chưa được tập huấn nghiệp vụ PBGDPL để xây dựng kế hoạch mở lớp.

Từ tháng 7/2008 đến tháng 11/2008. chuẩn bị tài liệu, xây dựng chương trình và các điều kiện cần thiết mở các lớp tập huấn theo từng nội dung, chuyên đề; thực hiện lồng ghép PBGDPL.

Giai đoạn 2(Từ tháng 12/2009 đến tháng 10/2010): Tổ chức cuộc thi công chức Tư pháp-hộ tịch với công tác PBGDPL. Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực của cán bộ tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đánh giá hiệu quả, tác động của Chương trình trong thực tế thông qua năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp. Xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện chương trình.

Theo Kế hoạch này, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan thành viên xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đề án của Chính phủ theo từng giai đoạn. Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc, thực hiện, theo dõi tổng hợp báo cáo việc triển khai kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết cho cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn; Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí, định kỳ cho nhân dân trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật thiết thực đến cuộc sống của người dân; Tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; hướng dẫn chỉ đạo Phòng Tư pháp cấp huyện tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở;  Phát huy tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác giáo dục pháp luật cấp xã (hoặc Ban Tư pháp) và thực hiện việc thi hành án dân sự cấp xã.

 Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực hoạt động và phát huy vai trò tham mưu của công an xã với UBND cùng cấp trong thi hành nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; Hướng dẫn công an xã, phường, thị trấn kết hợp lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật khi tiến hành công tác quản lý, giáo dục đối tượng và trong việc tổ chức vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quản lý;  Hướng dẫn công an xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động thi hành án hình sự ở địa bàn cơ sở.

Toà án nhân dân tỉnh chỉ đạo hướng dẫn toà án cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên toà xét xử lưu động, tập trung vào những vụ án điểm xảy ra tại địa bàn cơ sở; Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các phiên toà xét xử lưu động nơi xảy ra vụ án, đánh giá hiệu quả việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng và nhân dân thông qua các phiên toà xét xử; Tổ chức bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức phối hợp giữa tuyên truyền với công tác xét xử cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân.

 Trường chính trị tỉnh không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cho giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Chủ trì phối hợp với các cơ quan thành viên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động, lý luận chính trị, kiến thức pháp lý cho cán bộ tư pháp, công an xã, phường, thị trấn; Lồng ghép bổ sung kiến thức pháp luật vào các chương trình đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị – quản lý nhà nước do trường Chính trị thực hiện mà đối tượng là cán bộ cấp xã./.

Nguyễn Ngọc Hiển