Quãng Ngãi: Hoàn thiện các quy định pháp luật là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động bán đấu giá trên địa bàn tỉnh

08/01/2008
Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và thủ tục quy định của pháp luật. Năm 1999 thực hiện Nghị định 86 của Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Trung tâm bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp, là đơn vị sự nghiệp hạch toán lấy thu bù chi, được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất phương tiện làm việc và kinh phí hoạt động.

Mặc dù năm 2002 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính và Chính phủ ban hành Nghị định 134 quy định tài sản xử phạt hành hành chính trên 10 triệu đồng phải được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của tỉnh bán, nhưng vào thời điểm này Uỷ ban nhân dân tỉnh lại thành lập một Hội đồng định giá và bán tài sản của tỉnh và giao nhiệm vụ thường trực cho cơ quan tài chính, do có chồng chéo về chức năng nhiệm vụ chính vì vậy việc chuyển giao tài sản không được thực hiện, nhiều tài sản bán đấu giá không đúng thẩm quyền. Đầu năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 về bán đấu giá tài sản, nhưng việc thực hiện quy định này cũng chưa được tốt vì vẫn còn tồn tại Hội đồng bán đấu giá; sự phối hợp của các cơ quan chưa đồng bộ; cơ chế hoạt động và kiểm tra thực hiện công tác đấu giá ở cấp tỉnh chưa được ban hành nên từ năm 1999 đến năm 2005 kết quả hoạt đồng bán đấu giá trên địa bàn tỉnh đạt được còn hạn chế, chỉ có 150 hợp đồng được ký uỷ quyền (bình quân đạt 25 hợp đồng trong một năm), thu phí trong mỗi năm bình quân chỉ đạt khoảng trên 29 triệu đồng, sự phối hợp thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn; phương tiện, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa được sự quan tâm của tỉnh, ngân sách hỗ trợ hầu như không có.

           

          Để khắc phục tình trạng trên, căn cứ các quy định của Nghị định 05 năm 2005 của Chính phủ, Chủ thị số 18 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 03 năm 2005 của Bộ Tư pháp và Thông tư 96 năm 2006 của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2006 đến nay Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành toàn diện đầy dủ hệ thống văn bản quy định về công tác bán đấu giá để từ đó đẩy mạnh hoạt động bán đấu giá trên địa bàn tỉnh đúng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của hoạt động này.

 

            Trước hết, để tránh tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ, Sở đã tham mưu trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định huỷ bỏ Hội đồng định giá, bán đấu giá tài sản cấp tỉnh; sau đó Chủ tịch tỉnh có văn bản chỉ đạo về tổ chức hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện thống nhất theo quy định tại Nghị định 05 của Chính phủ; theo đó tất cả các loại tài sản theo quy định tại điều 5 của Nghị định 05 đều phải tổ chức bán đấu giá thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản của tỉnh. Đồng thời, để tăng cường cơ sở cán bộ, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động bán đấu giá tài sản trong giai đoạn hiện nay của Trung tâm, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ bán đấu giá, tạo được sự chuyển biến căn bản trong quan hệ bán đấu giá tài sản giữa Trung tâm với các cơ quan, tổ chức, cá nhân uỷ quyền bán đấu giá, từ đầu năm 2006 đến nay Sở Tư pháp Quảng Ngãi đã tham mưu xây dựng Đề án trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện. Theo đó, Trung tâm được bổ sung thêm biên chế, được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Để thực hiện tốt chủ trương của tỉnh theo đề án được duyệt, đồng thời triển khai đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn là đơn vị tự chủ về tài chính, bộ máy, biên chế theo Nghị định 43 của Chính phủ, Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Chủ tịch Uỷ ban nhân  dân tỉnh quyết định bổ sung biên chế năm 2007 cho Trung tâm, nâng tổng số biên chế từ 02 lên 06 biên chế; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình Chủ tịch quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với Trung tâm. Cụ thể Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá được phân loại đơn vị là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và ổn định trong 03 năm từ 2007 đến 2009; mức ngân sách Nhà nước cấp bảo đảm chi hoạt động thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định là 60 triệu đồng. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chi ngân sách bổ sung năm 2007 và giao dự toán chi ngân sách năm 2008 là 87 triệu đồng cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá để chi cho hoạt động thường xuyên năm đầu ổn định và thuê trụ sở làm việc. Ngoài ra Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã có quyết định giao nhiệm vụ làm các thủ tục để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm vào năm 2008. Việc hỗ trợ tuy không lớn nhưng đây là cơ sở nền tảng tạo tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của Trung tâm đối với công tác bán đấu giá. Hiện nay Sở đang chỉ đạo Trung tâm xây dựng các văn bản để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động bán đấu giá đúng pháp luật, công khai, dân chủ, minh bạch, rõ ràng: Quy chế về tổ chức và hoạt động để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành; Quy chế để đấu giá tài sản thi hành án; Quy chế chi tiêu nội bộ; định kỳ xây dựng kế hoạch và báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ cơ quan của Trung tâm.

 

          Để thống nhất trong việc áp dụng đúng pháp luật về bán đấu giá đem lại kết quả cao, đặc biệt là trong vấn đề xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản để đấu giá, Sở đã tham mưu trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng về bán đấu giá tài sản. Kế hoạch này đã chỉ rõ các loại tài sản phải chuyển giao cho Trung tâm để bán đấu giá bao gồm: Tài sản kê biên để thi hành án có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; tài sản Nhà nước khi thực hiện bán thanh lý có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hàng hoá lưu giữ do người vận chuyển đường biển, hàng không, đường bộ lưu giữ trên địa bàn tỉnh và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá tài sản. Kế hoạch còn nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định giá khởi điểm để chuyển giao, đây là vấn đề rất quan trọng để tháo gỡ vấn đề vướng mắc khi triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua. Ngoài ra, trong Kế hoạch còn nêu rõ trách nhiệm chung, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện, việc kiểm tra, giám sát kiểm tra việc thực hiện. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch này vẫn còn những bất cập đó là: Ý thức của một số cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền thực hiện chưa tốt; việc chuyển giao tài sản chưa thực hiện đúng quy định của Điều 31,32,33 của Nghị định 134 về xử phạt hành chính và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Ngoài ra, việc đấu giá tài sản là cổ phần của các doanh nghiệp, công ty là vấn đề còn vướng mắc hiện nay; nguyên nhân là do pháp luật có quy định nhưng chưa rõ ràng, việc triển khai áp dụng chưa thống nhất và ở tỉnh cũng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, Sở đang chỉ đạo Trung tâm nghiên cứu về cơ chế này để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành để thực hiện một cách thống nhất, đúng pháp luật.

         

Thực hiện Thông tư 96 của Bộ Tài chính, Sở đã chỉ đạo xây dựng Đề án về phí bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cho ý kiến để trình Hội đồng nhân dân thông qua làm cơ sở thực hiện. Kết quả, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định ban hành phí bán đấu giá tài sản trên địa ban tỉnh làm cơ sở thực hiện. Theo đó, đối tượng nộp phí là người có tài sản bán đấu giá khi hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản cho các cơ quan có chức năng làm dịch vụ bán đấu giá tài sản và tổ chức, cá nhân được phép tham gia đấu giá để mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật; cơ quan thu phí đấu giá là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh và Hội đồng bán đấu giá tài sản các huyện, thành phố. Đây là cơ sở rất quan trọng cho hoạt động bán đấu giá và người tham gia bán đấu giá thực hiện công khai, đúng các văn bản pháp luật về phí và lệ phí.

         

Chính vì việc tham mưu ban hành văn bản một cách kịp thời các quy định về đấu giá tài sản đã góp phần đưa hoạt động đấu giá ngày càng đi vào nề nếp và nó tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động. Cụ thể việc bán đấu giá đã thực hiện đúng theo thẩm quyền quy định của pháp luật; tài sản xử phạt hành chính và tài sản nhà nước khi thanh lý trên 10 triệu đồng đã được chuyển về cho Trung tâm; năm 2006 có 42 hợp đồng uỷ quyền được ký với Trung tâm, thu phí đạt 147 triệu đồng; năm 2007 đã có 54 hợp đồng được ký kết, với tổng giá trị 30.615.990.700 đồng, thu phí đạt trên 180 triệu đồng. Đặc biệt là các tài sản của nhà nước đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh tỉnh chỉ đạo giao cho Trung tâm và của các cơ quan Nhà nước uỷ quyền cho Trung tâm bán theo quy định, góp phần tăng thu rất lớn cho ngân sách nhà nước như đấu giá Nhà sách Trung tâm số 449 Quang Trung, thành phố Quảng Ngãi với giá khởi điểm 7,5 tỷ đồng, đấu giá thành 9 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm 1,5 tỷ đồng; đấu giá Trụ sở Nhà làm việc của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi với giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng, đấu giá thành 5,38 tỷ đồng, tăng 1,91 tỷ đồng so với giá khởi điểm.   

 

Kết quả chỉ mới là bước đầu, là tiền đề cho những năm tiếp theo, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách, pháp luật của Trung ương để tham mưu ban hành văn bản một cách kịp thời và có biện pháp áp dụng thực hiện có hiệu quả, đưa công tác bán đấu giá tài sản của tỉnh Quảng Ngãi ngày càng vững mạnh, mở rộng quy mô, chất lượng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực tiễn đặt ra đối với hoạt động bán đấu giá các loại tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

                                                                       

Hữu Duy