Quảng Ngãi qua 5 năm thực hiện Quyết định 13 về chương trình phổ biến giáo dục pháp luật

13/12/2007
Thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg, ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện đến tận cơ sở. Đồng thời coi công tác tuyên truyền PBGDPL là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm để nâng cao dân trí, ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật cho mọi công dân, là nền tảng để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Qua 05 năm thực hiện Chương trình PBGDPL Chính phủ cho thấy nhận thức về pháp luật và ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh được nâng lên, trình độ dân trí của nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ngăn ngừa và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Hầu hết các cấp uỷ, chính quyền đã có sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác ra văn bản, tổ chức quán triệt, hướng dẫn và triển khai thực hiện và nhất là đổi mới biện pháp tổ chức cũng như đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, nên chất lượng hoạt động được nâng cao.

Trước hết về công tác tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL các cấp: Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh được thành lập ngày 14/4/1998 tại quyết định số 911 của UBND tỉnh với 11 thành viên; ngày 15/9/2006 Hội đồng được kiện toàn bổ sung tại quyết định số 53 với 22 thành viên. 14/14 huyện, thành phố cũng đã thành lập Hội đồng PBGDPL, với 236 thành viên. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm trình UBND tỉnh ban hành và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện. Từ năm 2003 - 2007, cấp tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị triển khai gần 60 văn bản pháp luật như: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, Luật Đất đai năm 2003, Luật An ninh quốc gia, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Quốc phòng, Luật Giáo dục, Luật đường sắt, Luật Thuỷ sản, Luật Dược; Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại-Tố cáo (sửa đổi); Luật Công an Nhân dân, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường; Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội; Luật Bình đẳng giới, luật Công chứng và Luật Cư trú; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật dạy nghề; Luật công nghệ thông tin; Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và hàng chục pháp lệnh, nghị định, thông tư liên tịch… Đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật này đến tận cơ sở. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác tuyên truyền; công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong tỉnh.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh (năm 2002 là 11 báo cáo viên) đến nay được bổ sung, kiện toàn (27 báo cáo viên), là những cán bộ lãnh đạo của các sở, ban, ngành của tỉnh và những chuyên viên có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, nắm vững chủ trương đường lối chính sách của đảng và hiểu biết sâu trong lĩnh vực tư pháp tham gia. Hơn 5 năm qua, báo cáo viên pháp luật của tỉnh thực hiện hàng trăm lượt báo cáo luật tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời đến tận các xã, thôn, bản để PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật của cấp huyện tuy chỉ có 141người nhưng cơ bản đáp ứng phục vụ công tác tuyên truyền PBGDPL tại địa phương.

Đội ngũ hoà giải viên, tuyên truyền viên trong 5 năm qua đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh có 1.751 tổ hoà giải với 6.374 hoà giải viên và hơn 900 tuyên truyền viên. Các hoà giải viên, tuyên truyền viên hoạt động nhiệt tình và rất có hiệu quả, thể hiện ở số vụ hoà giải thành ngày càng cao, tỷ lệ hoà giải thành đạt từ 70-80%. Một số huyện công tác hòa giải được UBND các cấp quan tâm chỉ đạo nên chất lượng và tỷ lệ hòa giải thành đạt 90% như các huyện: Mộ Đức, Bình Sơn, Ba Tơ và thành phố Quảng Ngãi. Sự lớn mạnh của đội ngũ hoà giải viên, tuyên truyền viên trong quá trình PBGDPL góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự đoàn kết, giúp đỡ trong cộng đồng khu dân cư. Đặc biệt những tấm gương của các cựu chiến binh - một thời đã từng xông pha ngoài chiến trận - giờ đây lại cùng các hội đoàn thể đi từng xóm, từng nhà vận động, giải thích cho bà con những thắc mắc, khiếu nại trong thôn xóm, đồng thời là trung tâm hoà giải những tranh chấp trong nội bộ các gia đình, họ tộc; vận động bà con thực hiện các chủ trương chính sách. Sự nhiệt tình, năng động và tính thuyết phục của các hoà giải viên, tuyên truyền viên đã đem lại kết quả nhất định vừa làm cho tình làng nghĩa xóm ngày càng trở nên gắn bó bền chặt, mật thiết hơn, bà con hiểu nhau và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Và quan trọng hơn những khúc mắc, tranh chấp, mâu thuẫn đều được giải quyết cơ bản ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

Hình thức tuyên truyền, PBGDPL thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta được thực hiện chủ yếu: Tổ chức các hội nghị triển khai, các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức (20 hội nghị triển khai gần 60 văn bản pháp luật); Tổ chức nói chuyện tại các cơ quan, đơn vị, truờng học, các xã, khu dân cư, các Câu lạc bộ… (hơn 100 lượt cho gần 10.000 người nghe); Các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi thường xuyên tuyên truyền pháp luật trong các chuyên mục: Trả lời bạn đọc, Bạn xem truyền hình, Giới thiệu văn bản mới; hệ thống loa truyền thanh; Trang thông tin điện tử; Đặc san Tư pháp phát hành 18 số, mỗi số 1.000 cuốn cấp phát đến tận cơ sở; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi viết 5 cuộc và thi sân khấu 02 cuộc); Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải ở cơ sở đã trợ giúp pháp lý lưu động tại 79 xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; Tuyên truyền bằng xe loa cổ động, cấp phát tờ rơi, áp phích, hình ảnh, loa truyền thanh ở cơ sở... (biên soạn, phát hành 180.000 tờ gấp pháp luật); Thành lập 2 câu lạc bộ:“ Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” tại trường THPT Trần Quốc Tuấn và THPT chuyên Lê Khiết; Thành lập 15 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp xã thuộc các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Mộ Đức, Ba Tơ và Tư Nghĩa;  Xây dựng tủ sách pháp luật ở 165/180 số xã, phường, thị trấn; Cung cấp đề cương, tài liệu pháp luật cho các đội ngũ báo cáo viên, hoà giải viên, tuyên truyền viên cấp xã.

Về hiệu quả, qua 05 năm thực hiện chương trình PBGDPL của Chính phủ, công tác tuyên truyền PBGDPL đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện và thu được kết quả khả quan. Các văn bản luật mới ban hành đều được tổ chức triển khai phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ và nhân dân. Nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân được nâng lên rõ rệt, trình độ dân trí của nhân dân trong tỉnh có nhiều tiến bộ, công dân đã có sự quan tâm tìm hiểu các văn bản pháp luật mới ban hành. Tình hình an ninh chính trị - trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua khá ổn định, số vụ vi phạm pháp luật tăng không đáng kể (năm 2003 là 594 vụ, năm 2006 là 596 vụ); tình hình khiếu nại vượt cấp có chiều hướng giảm. Công tác tuyên truyền PBGDPL đã có tác động mạnh mẽ đến việc ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động PBGDPL trong 5 năm vừa qua cho thấy mặc dù đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, vai trò tư vấn, tham mưu cho UBND cùng cấp chưa thực sự rõ ràng, còn chung chung, đôi khi còn ỷ lại, dựa dẫm cấp trên. Một số địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, việc triển khai thực hiện, tổ chức kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chưa đều đặn và không kịp thời. Sự phối kết hợp, gắn kết giữa các thành viên hội đồng với các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ thường xuyên; nhiệm vụ công tác PBGDPL chủ yếu được các thành viên thực hiện đơn lẻ theo sự chỉ đạo từ cấp trên mà thiếu sự phối hợp từ các cơ quan liên quan. Sự chỉ đạo của UBND tỉnh có lúc chưa triệt để, một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chậm triển khai chương trình, kế hoạch về PBGDPL, thông tin báo cáo chưa kịp thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PBGDPL, nhưng không bị xử lý theo quy định. Một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PBGDPL, do vậy chưa quan tâm đúng mức, chậm phối hợp, triển khai phổ biến các văn bản pháp luật đến cán bộ và nhân dân. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa tạo thói quen chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản luật mới được ban hành, thờ ơ với pháp luật. Công tác PBGDPL ở một số nơi còn tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan Tư pháp hoặc coi đó là nhiệm vụ của riêng cơ quan này. Việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho báo cáo viên pháp luật chưa đầy đủ, không thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền PBGDPL. Mặt khác nguồn kinh phí ít cũng làm cho các cơ quan chuyên môn và đội ngũ những người làm công tác PBGDPL chưa thực sự tâm huyết và đầu tư chuyên sâu vào chuyên môn. Năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, chưa được cập nhật về kỹ năng, kiến thức pháp luật thường xuyên, thiếu văn bản, đề cương pháp luật… nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Hình thức PBGDPL chưa đa dạng, phong phú, chưa thực sự thu hút sự quan tâm của cán bộ và nhân dân. Việc tuyên truyền, PBGDPL còn nặng về hình thức và tập trung ở các cơ quan nhà nước, chưa thực sự hướng về cơ sở.

Đánh giá đúng và tìm ra được nguyên nhân những việc làm được, chưa làm được trong thời gian qua để có cái nhìn sâu hơn, rộng hơn về chương trình, nhiệm vụ hoạt động tuyên truyền PBGDPL trong giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do vậy đòi hỏi các cấp uỷ, chính quyền các cơ quan, hội đoàn thể và mỗi cán bộ, công chức phải là những chiến sĩ tiên phong trên lĩnh vực tuyên truyền để pháp luật đi vào cuộc sống hàng ngày của mọi công dân, góp phần đẩy lùi tệ quan liêu, cửa quyền, tệ nạn tham ô, lãng phí, sách nhiễu…. Để công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo ngay trên quê hương Núi Ấn - Sông Trà sớm trở thành hiện thực. Rồi đây trên những mảnh đất này các công trình, nhà máy, xí nghiệp sẽ mọc lên, hàng ngàn lao động là nông dân rồi sẽ trở thành công nhân thực thụ trong các nhà máy…, cuộc chiến đấu mới cho sự hưng thịnh của quê hương vẫn còn tiếp diễn, nhưng cũng không kém phần cam go, khốc liệt. Cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm trước đây chúng ta dễ nhìn nhận bộ mặt thật của kẻ thù - còn ngày nay trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội kẻ thù ít lộ diện hơn, nhưng cũng không kém phần thâm độc, nham hiểu, nhất là trong cơ chế thị trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng về quan điểm, lập trường, tư tưởng, về ý chí và hành động ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức thì rất dễ sa vào những cạm bẫy mà kẻ thù đang giăng ra. Vẫn biết để giành được thành quả trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội, chúng ta sẽ phải trải qua những gian nan thử thách, những khó khăn và cả những thách thức mới của nền kinh thế thị trường. Song với tiềm năng dồi dào, với niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, sự năng động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh càng đòi hỏi, thôi thúc sự quyết liệt hơn ở mỗi chúng ta trong tiến trình xây dựng - phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu./.

Minh Hoà