Tư pháp Quảng Ngãi với phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

12/12/2007
Vừa qua Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Nhìn chung 10 năm qua công tác này luôn được lãnh đạo Sở Tư pháp quan tâm, đã tổ chức quán triệt cho 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan các quy định về thực hiện nếp sống văn minh như Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Công văn số 1546/CP-VX ngày 30/11/2002 của Văn phòng Chính phủ về việc cưới trong cán bộ, công chức; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…Vì vậy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của Sở Tư pháp về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhìn chung là khá đầy đủ và toàn diện.

Đối với Sở Tư pháp, là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp tổ chức từ 4 đến 5 Hội nghị triển khai luật, trung bình mỗi Hội nghị có gần 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt của các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố tham dự, mỗi Hội nghị triển khai từ 4 đến 5 văn bản luật trong đó có nhiều văn bản liên quan đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội như: Luật Hôn nhân và gia đình, Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/06/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số 03 ngày 31/03/2000 của Bộ Tư pháp-Bộ Văn hoá-Thông tin-Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, đăng ký hộ tịch; Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tinSau Hội nghị cấp tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ngành và địa phương.

Đối với cơ sở, những năm qua Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; bên cạnh việc thực hiện tư vấn pháp luật còn tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh, từ đó vận động bà con từ bỏ các tập tục lạc hậu. Từ năm 1998 đến nay Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện trên 100 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, qua đó cấp phát hơn 50.000 tờ gấp pháp luật về Hôn nhân và gia đình và các quy định về đời sống văn hóa mới. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Hội viên của các tổ chức này. Riêng trong năm 2007, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thông tin phổ biến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, công chức, đồng thời tập huấn nghiệp vụ hòa giải, xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ cấp xã 07 huyện miền núi, hải đảo; Phối hợp với Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em tỉnh, UBND huyện Sơn Tịnh và UBND huyện Tư Nghĩa khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn 02 huyện, qua đó trực tiếp giúp trên 30 thôn thuộc 02 huyện này ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung hương ước đã ban hành.

Đối Tư pháp cấp huyện và cấp xã, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Tư pháp cấp huyện và Ban Tư pháp cấp xã phải thực hiện đăng ký và trao Giấy chứng nhận kết hôn theo đúng qui định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Khi trao Giấy Chứng nhận kết hôn đề nghị hai bên nam nữ cần tổ chức đám cưới trang trọng, vui tươi, lành mạnh, gọn nhẹ và phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tổ chức cưới và đưa đón dâu phải tuân thủ theo qui định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng. Trong việc tang, khi cấp Giấy chứng tử đề nghị người nhà tổ chức chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ và tiết kiệm, khi đưa tang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng, hạn chế tối đa việc rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường.

Đối với các ngày lễ hội, kỷ niệm thành lập ngành, hàng năm Sở Tư pháp đều có văn bản chỉ đạo toàn ngành tổ chức với tinh thần vui tươi nhưng đảm bảo an toàn, tiết kiệm, gắn việc tổ chức lễ hội với việc thi đua hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Đối với Sở Tư pháp, ngay từ khi phát động phong trào thi đua vào đầu năm Sở Tư pháp đều phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn Sở tổ chức cho các cá nhân, các phòng, đơn vị thuộc sở đăng ký giao ước thi đua. Bên cạnh đăng ký chỉ tiêu về nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ, công chức, viên chức của Sở còn đăng ký cả chỉ tiêu về gia đình văn hoá. Nhờ vậy mà năm nào Sở Tư pháp cũng được cơ quan có thẩm quyền công nhận là cơ quan văn hóa. Trong việc tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn, trung bình hàng năm Sở Tư pháp thụ lý giải quyết kết hôn có yếu tố nước ngoài cho gần 50 trường hợp. Các buổi lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp đều diễn ra trong không khí trang nghiêm, nhiều ý nghĩa thiết thực đồng thời cũng tiết kiệm tối đa theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn được Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Tư pháp cấp huyện khi thẩm định hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư nhất thiết phải đưa các nội dung này vào trong hương ước, quy ước để tổ chức thực hiện. Vì vậy mà hầu hết các hương ước, quy ước đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đều có các nội dung về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những khó khăn, tồn tại như trong việc cưới tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ, việc việc tổ chức đám cưới theo nếp sống mới chưa được các ngành liên quan tổ chức thực hiện nên chưa tạo được điển hình trong xã hội để từ đó vận động nhân dân thực hiện theo; Các phong tục, tập quán về việc cưới, việc tang là những lĩnh vực đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, trong đó có những phong tục tập quán lâu đời của cộng đồng dân cư vì vậy việc từ bỏ thói quen cũ để hình thành nên một thói quen mới là một việc làm rất khó khăn, đòi hỏi phải có một quá trình tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Để xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp như tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác xây dựng đời sống văn hoá mới. Ngành Văn hoá thông tin chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho chính quyền và làm trung tâm cho quan hệ phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, đồng thời giữ vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Xem đây là cuộc vận động lâu dài, phức tạp nhằm làm chuyển biến nhận thức và hành động từ mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng xã hội, vì vậy cần phải xây dựng những mô hình, những điển hình mới tiến bộ, phù hợp, đặc biệt là xây dựng những nghi thức mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhưng không xa lạ với truyền thống dân tộc. Những mô hình mới phải đủ sức khẳng định, đứng vững chắc, thật sự ưu việt, đồng thời giữ lại những phong tục, tập quán tốt đẹp, xoá bỏ những phong tục, tập quán đã lỗi thời, không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng các nội quy, quy chế, quy định cụ thể có liên quan đến các lĩnh vực việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... để đưa các hoạt động này vào nề nếp. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu trong thực hiện việc cưới, việc tang; việc tổ chức lễ kỷ niệm, lễ hội, hội thi, hội nghị phải thiết thực và triệt để tiết kiệm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân với việc thực hiện nếp sống văn minh. Biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, phê phán thích đáng những biểu hiện tiêu cực để bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, bài trừ cái sai trái, cổ hủ. Định hướng dư luận, đề cao sự tự trọng và ý thức thực hiện pháp luật và nếp sống văn minh trong nhân dân. Trong công tác tuyên truyền, cần tận dụng các hoạt động liên quan để lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng đời sống văn hoá nói chung. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư để phát huy tính dân chủ, tinh thần tự quản, tham gia quản lý trật tự trị an, xoá bỏ hủ tục, xây dựng phong tục tập quán mới trong cộng đồng dân cư. Có thể nói đây được xem là biện pháp hiệu quả nhất.

Những kết quả đạt được của Sở Tư pháp ở trên đã tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng phát triển mạnh mẽ trong cả nước, thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành./.

Cao Nguyên