Kinh nghiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho nông dân nghèo và đối tượng chính sách ở Bình Định

10/04/2008
UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức đánh giá 6 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa ngành tư pháp và Hội nông dân về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nông dân. Qua thực tiễn triển khai phối hợp thực hiện TGPL, bước đầu đã đem lại một số kinh nghiệm trong việc phối hợp thực hiện TGPL cho nông dân…

Trên cơ sở Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để hội nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đã hình thành cơ chế phối hợp giữa các ngành tư pháp và hội nông dân các cấp trong nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân. Qua 6 năm triển khai và thực hiện theo cơ chế  phối hợp giữa ngành tư pháp và Hội nông dân về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL cho nông dân đã khẳng định vai trò, ý nghĩa qua trọng của công tác này trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân nghèo và đối tượng chính sách.

Thực hiện Chương trình phối hợp số 02/2002/CTPH-TP-ND ngày 01.02.2002 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL cho nông dân,  Sở Tư pháp và Hội nông dân tỉnh Bình Định đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện tuyên truyền pháp luật và TGPL cho nông dân, đồng thời hướng dẫn các ngành, các cấp trong tỉnh phối hợp tuyên truyền Luật TGPL cho nông dân; như quyền và nghĩa vụ của người được TGPL; trình tự thủ tục TGPL, Người được TGPL.. và các kiến thức pháp luật hình sự, dân sự, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình…

Kết quả, qua 6 năm thực hiện, đã tổ chức tư vấn pháp luật, thực hiện TGPL miễn phí tại 300 điểm là làng, thôn, xóm, khu dân cư, với 4.654 đối tượng là nông dân thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách... Tham gia hoà giải thành gần 8.000 vụ việc tranh chấp nhỏ liên quan đến đối tượng là nông dân, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân nghèo và đối tượng chính sách; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật 839 buổi cho trên 123.000 hội viên, nông dân tham dự; …Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ hội nông dân các cấp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước phối hợp Hội nông dân tỉnh cử cán hộ Hội nông dân các cấp tham gia làm công tác viên TGPL, đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý, hoà giải, nhất là trang bị cho cán bộ hội nông dân kỹ năng TGPL cho nông dân. Ngoài ra, Trung tâm TGPL nhà nước còn tổ chức và xây dựng 12 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý điểm để kịp thời tư vấn, hướng dẫn pháp luật cho nông dân nghèo và đối tượng chính sách từ cơ sở, định kỳ hằng tháng, thông qua câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, nông dân sẽ có dịp được nghe phổ biến các chuyên đề pháp luật, trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý….Có được kết quả nêu trên là nhờ sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa Trung tâm TGPL Nhà nước và Hội nông dân các cấp trong việc đổi mới về biện pháp phối hợp, chọn lựa những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, nơi người nông dân đang cần TGPL, tuyên truyền pháp luật để thực hiện TGPL lưu động, đáp ứng nhu cầu giải đáp thắc mắc pháp luật, kịp thời đại diện, bào chữa quyền và hợp pháp cho nông dân.

Kết quả 6 năm thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện TGPL, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nông dân các cấp tham gia thực hiện TGPL của nông dân từ cơ sở. Mục đích của hoạt động TGPL lưu động là làm sao cho nông dân hiểu được pháp luật, thực hiện đúng pháp luật, mà thực tế bà con nông dân am hiểu đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thì tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân nông thôn giảm hẳn. Do vậy, những kết quả của sự phối hợp trong việc phổ biến pháp luật, thực hiện TGPL hoà giải những xích mích nhỏ trong nông thôn Bình Định đã, đang và sẽ từng bước làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc thực hiện và tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu nại vượt cấp và khiếu nại kéo dài; góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên,  qua đánh giá cơ chế hoạt động và phối hợp thực hiện TGPL giữa Trung tâm TGPL và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh chưa được chặt chẽ, thiếu đồng bộ, thiếu sự gắn kết giữa các cấp, các ngành. Từng lúc, từng nơi việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, TGPL cho nông dân nghèo và đối tượng chính sách chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, có lúc còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết vai trò của từng cơ quan trong việc phối hợp thực hiện. Việc tổ chức TGPL còn chung chung, chưa thực hiện khảo sát nhu cầu từng vùng, từng nơi để thực hiện TGPL hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đối tượng. Hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về pháp luật TGPL tuy được tổ chức tương đối đa dạng, nhưng thời lượng còn ít, và còn xơ cứng, ít gây sự chú ý của nông dân…Nguyên nhân của những hạn chế trên, do các cấp, các ngành chưa thấy hết được vai trò, ý nghĩa của công tác TGPL trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cho nông dân; chưa tạo ra cơ chế đồng thuận giữa các ngành, các cấp trong việc đưa pháp luật TGPL đến với người nông dân; kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL của đội ngũ chuyên viên, công tác viên TGPL còn hạn chế.

Qua kết quả phối hợp thực hiện phối hợp trợ giúp pháp lý cho nông dân nghèo và đối tượng chính sách, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện: Thực tế triển khai và thực hiện cơ chế phối hợp TGPL cho thấy, nơi nào cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, có chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm rõ ràng thì việc phối hợp thực hiện TGPL lưu động cho nông dân nghèo, gia đình chính sách hiệu quả. Nhất là sự quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện pháp luật TGPL, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TGPL.

- Kinh nghiệm về biện pháp thực hiện: Đó là chủ trương xuyên suốt hướng mạnh mọi hoạt động công tác TGPL về cơ sở, mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy trên thực tế hay không tuỳ thuộc vào mức độ thực thi pháp luật về TGPL ở cơ sở, coi cơ sở là trọng tâm, trọng điểm để thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp TGPL cho nông dân. Đặc biệt, chú trọng TGPL lưu động, Câu lạc bộ TGPL, vai trò cán bộ-tư pháp hộ tịch cơ sở.

- Xây dựng cơ chế phối hợp TGPL giữa Trung tâm TGPL nhà nước với Hội nông dân các cấp theo từng nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp từng đối tượng của nông dân, phù hợp từng vùng, từng địa phương:Kinh nghiệm cho thấy, giữa Trung tâm TGPL nhà nước và hội nông dân các cấp nếu xây dựng cơ chế phối hợp bằng văn bản, có kế hoạch cụ thể, phân công thực hiện chi tiết thì thực hiện công tác TGPL lưu động tại cơ sở. Qua đó phát huy và vận dụng phù hợp những hình thức TGPL, lựa chọn kỹ năng TGPL phù hợp nông dân; phổ biến những cách làm hay, hiệu quả trong việc thực hiện Luật TGPL, nhất là chú trọng xây dựng và phát huy lực lượng Cộng tác viên TGPL là cán bộ xã, làng, thôn tham gia làm nồng cốt trong sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, tham gia trực tiếp hoà giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân.

- Phối hợp TGPL giữa Trung tâm TGPL và Hội nông dân các cấp phải được thực hiện thường xuyên, lấy hội viên nông dân làm lực lượng chủ yếu để thực hiện TGPL: Do những nguyên nhân khách quan, chủ quan một bộ phận nông dân lâm vào tình cảnh đặc biệt như: nghèo khó, thất học, nhận thức pháp luật thấp. Do vậy, TGPL phải kịp thời tư vấn, hướng dẫn về những chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến nông dân, giúp nông dân nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật. Bảo đảm định hướng TGPL góp phần thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đó chẳng những thể hiện bản chất, tính ưu việt của xã hội mà còn thể hiện truyền thống quí báu của dân tộc ta : “lá lành đùm lá rách”. Quan tâm giúp đỡ người nghèo là chủ trương lớn của Đảng, đã và đang được Nhà nước và nhân dân thực hiện trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện TGPL, Tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với việc phối hợp giữa Trung tâm TGPL với Hội nông dân các cấp trong việc thực hiện TGPL cho nông dân: Sự lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết trong điều kiện, xây dựng nhà nước pháp quyền của nước ta hiện nay. Pháp luật là sự cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng, là phương tiện để nhà nước quản lý xã hội. Do vậy, trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng cần quán triệt và xác định vai trò công tác TGPL là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong biện pháp thiết thực, hiệu quả trong  việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nông dân.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức và cơ chế phối hợp giữa Trung tâm TGPL và Hội Nông dân các cấp trong việc thực hiện Luật TGPL: Tăng cường hơn nữa vai trò của Sở Tư pháp và Hội Nông dân tỉnh trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện TGPL ở cơ sở. Đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và Hội Nông dân cấp cơ sở, các tổ hoà giải nhằm giải quyết kịp thời các khiếu kiện của nông dân, kịp thời phản ảnh đến các tổ chức TGPL để có các hình thức tư vấn, hướng dẫn, đại diện, giải thích cho họ hiểu. Tiếp tục xây dựng và củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, hoà giải viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cơ sở, chú trọng tăng cường thành viên Hội Nông dân tham gia làm tuyên truyền viên, hoà giải viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

- Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội nông dân các cấp làm công tác TGPLt: Để tạo điều kiện hơn nữa cho các cấp hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, trong thời gian tới cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ các bộ hội nông dân làm công tác TGPL.

Nguyễn Huỳnh Huyện