Nam Định chỉ đạo thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012

08/04/2008
Ngày 02 tháng 4 năm 2008, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008-2012.

Theo đó, trong thời gian từ năm 2008-2012, Nam Định sẽ tập trung tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức; người dân thành phố, người dân nông thôn; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; thanh thiếu niên; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp; người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài); Tập trung tuyên truyền văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống cán bộ, nhân dân (phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở...) và những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Ngoài ra, củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, cán bộ pháp chế, cán bộ, công chức các cơ quan thực thi pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên pháp luật trong các cơ quan báo chí, xuất bản, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật; phát huy vai trò của các luật gia, cán bộ công đoàn, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đội thanh niên tình nguyện, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó định kỳ tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, cuộc thi người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giỏi; cung cấp tài liệu pháp luật và các điều kiện hỗ trợ cần thiết khác nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật: như tổ chức tập huấn, giới thiệu văn bản pháp luật mới và những văn bản pháp luật liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ và cuộc sống của nhân dân, đổi mới phương pháp giới thiệu văn bản pháp luật theo hướng tăng cường trao đổi; đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền nhằm nâng cao tính chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức pháp luật; Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục pháp luật chính khoá phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia các đợt sinh hoạt chính trị pháp lý, tiếp cận các hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật; ứng dụng các công cụ hỗ trợ dạy và học môn giáo dục công dân, pháp luật, như: sách, tài liệu tham khảo, đĩa hình, giáo cụ trực quan khác... ; Huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện thông tin đại chúng, mở chuyên mục mới, tăng thời lượng, bảo đảm chính xác về nội dung, hình thức thể hiện phong phú, hấp dẫn; tăng số lượng và chất lượng các loại tài liệu pháp luật khác để hỗ trợ cho việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; Biên soạn các loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, như: sách, tờ gấp, băng, đĩa hình, đĩa tiếng, lịch, pa nô, áp phích; Đa dạng hoá các loại hình tủ sách pháp luật, kết hợp mô hình tủ sách pháp luật truyền thống với tủ sách pháp luật điện tử; bổ sung sách pháp luật mới phù hợp với yêu cầu sử dụng của cán bộ và nhân dân, chú trọng sách pháp luật phổ thông, sách hỏi đáp pháp luật; khai thác có hiệu quả Công báo; đẩy mạnh việc luân chuyển sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và điểm bưu điện văn hoá xã, nhà văn hoá khu phố, thôn, xóm, tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xây dựng phong trào đọc sách pháp luật trong nhân dân; đổi mới công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở; định kỳ cung cấp tài liệu, tổ chức giao lưu, hội thi tạo điều kiện thuận lợi cho các hoà giải viên gặp gỡ, trao đổi và học tập kinh nghiệm....

          Việc thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008-2012 ở Nam Định sẽ tập trung thực hiện  4 đề án trọng tâm, đó là:

Đề án thứ nhất: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Đề án thứ hai: Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do Sở Tư pháp chủ trì;

Đề án thứ ba: Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì;

Đề án thứ tư: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  chủ trì;

UBND tỉnh Nam Định yêu cầu việc thực hiện các Đề án nói trên phải gắn với các Đề án thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ) và lồng ghép với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương.

UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Sở, Ngành, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm để triển khai ở ngành mình; chịu trách nhiệm chính trong việc phổ biến, thông tin, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật do Bộ, ngành mình ban hành hoặc chủ trì dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; phối hợp với Sở Tư pháp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và chính quyền các cấp triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân, hội viên, đoàn viên; bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật để theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các sở, ngành;

Uỷ ban nhân dân cấp huyện và thành phố căn cứ vào kế hoạch của tỉnh và thực tế ở địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, biện pháp của Quyết định 37/2008/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; Chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh phù hợp với tình hình, đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng khu vực, địa bàn.

Sở Tư pháp Nam Định chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND giúp UBND tỉnh Nam Định đôn đốc, kiểm tra, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện, hàng quý báo cáo kết quả về UBND tỉnh./. 

Trần Hồng Nhung