Huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình): Nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở

03/04/2008
Hoà giải cơ sở là hoạt động mang tính tự nguyện, tự quản, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hoà giải cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Xác định được điều này, những năm qua huỵện Yên Khánh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải cơ sở.

Hiện nay toàn huyện Yên Khánh có 20/20 xã, thị trấn, 267 thôn, xóm, phố đã kiện toàn tổ chức hoà giải cơ sở. Mạng lưới hoà giải viên được phân bố đều khắp ở các khu dân cư với tổng số 1869 thành viên. Mỗi thôn, xóm, phố có ít nhất 1 tổ hoà giải, thường từ 7-10 hoà giải viên là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (xóm), Trưởng Ban mặt trận tổ quốc cùng với sự tham gia của đại diện các ban ngành, đoàn thể (Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh). Trong cộng đồng dân cư họ là những người có uy tín, gương mẫu, có hiểu biết pháp luật tham gia công tác hoà giải bằng sự nhiệt tình tâm huyết của  mình với mong muốn mang lại sự bình yên cho thôn, xóm, phố.

Phòng Tư pháp Yên Khánh với tư cách là cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện quản lý Nhà nước về công tác hoà giải ở cơ sở. Định kỳ hàng năm Phòng xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác tư pháp tại các xã, thị trấn qua đó thực hiện việc rà soát thống kê số liệu về công tác tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở, kịp thời có những đề xuất hướng dẫn, có biện pháp củng cố kiện toàn phát triển nâng cao chất lượng các tổ hoà giải và tổ viên tổ hoà giải. Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Phòng Tư pháp huyện Yên Khánh cho biết: Hiệu quả của công tác hoà giải mang lại là sự bền vững trong các mối quan hệ xóm làng, gia đình, vợ cồng. Phát huy được hiệu quả công tác hoà giải sẽ góp phần hạn chế được đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, ổn định tình hình trật tự xã hội tại thôn, xóm. Những năm qua Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát và kiện toàn về tổ chức hoạt động hoà giải cơ sở. Mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho hoà giải viên. Đến nay hoạt động hoà giải đã và đang phát huy được hiệu quả trong cộng đồng dân cư.

Mặc dù còn khó khăn về kinh phí, tài liệu nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác hoà giải cơ sở. Song những năm qua Phòng Tư pháp huyện Yên Khánh, Ban Tư pháp các xã, thị trấn đã từng bước khắc phục đưa công tác hoà giải đi vào nề nếp, tạo được niềm tin cho nhân dân khuyến khích hoà giải viên tích cực tham gia bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm của mình. Trong năm 2007, các tổ hoà giải đã được  cấp phát miễn phí tài liệu chuyên đề  về công tác hoà giải, nội dung  là những tình huống hoà giải cụ thể thuộc các lĩnh vực trong đời sống dân cư như đất đai, hôn nhân gia đình, các quan hệ dân sự khác, các bước tiến hành hoà giải thành từng vụ việc. Ngoài ra hoà giải viên còn tự nâng cao kiến thức kỹ năng của mình thông qua việc tiếp nhận những thông tin pháp luật trên hệ thống Đài truyền thanh 3 cấp, các buổi sinh hoạt chi hội, đoàn thể…

Xã Khánh Cường hiện có 21 tổ hoà giải tương ứng với 21 thôn là 1 trong 10 đơn vị trong tỉnh được thực hiện thí điểm thành lập Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, Định kỳ hàng tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 1 lần nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cần thiết đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân tại địa phương, đồng thời tổ chức tư vấn giải đáp vướng mắc pháp luật phát sinh ngay tại các khu dân cư. Thành viên Câu lạc bộ đa số cũng là các hoà giải viên cơ sở do vậy trong quá trình tham gia hoà giải đã tạo được niềm tin  cho nhân dân đồng thời cũng tạo được uy tín khi vận động dân cư nơi mình cư trú cùng thực hiện pháp luật. Trong năm 2007 xã Khánh Cường đã quan tâm chỉ đạo công tác hoà giải do vậy đơn thư khiếu kiện vượt cấp không có, xã đã tiếp nhận 8 lượt đơn về tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, Ban hoà giải của xã đã tiến hành hoà giải thành đạt tỷ lệ 100%.

Xóm 5 xã Khánh Cường nhiều năm qua được công nhận là khu dân cư tiên tiến cấp tỉnh và cấp huyện, kết quả trên có một phần đóng góp không nhỏ của những người làm công tác hoà giải tại xóm. Nhà văn hoá xóm là nơi thường diễn ra các buổi bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm cũng như đưa ra quan điểm cá nhân của các hoà giải viên khi có vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp ở mức độ nhỏ, nhẹ phát sinh tại xóm. Trưởng xóm và phó Công an xóm được xem là lực lượng nòng cốt giúp tổ hoà giải xóm hoàn thành trách nhiệm của mình thông qua việc phản ánh, phát hiện kịp thời những vụ việc xảy ra taị khu dân phảnVvới mục tiêu làm thế nào để chuyện to trở thành chuyện bé, các vụ việc hoà giải thành đều dựa trên tinh thần động viên, thuyết phục, lấy tình làng nghĩa xóm, đạo vợ nghĩa chồng phân tích cho các bên thấy được đúng sai, được mất từ đó những bất hoà, hiểu lầm được giải quyết mang lại niềm tin cho người dân.

 Là một trong những công dân trong xóm được tổ hoà giải động viên giải thích trên cơ sở các quy định của pháp luật về đất đai, ông Nguyễn Văn Nhàn đã nhận ra  sai, đúng của gia đình mình khi tranh chấp với gia đình kế bên về danh giới cổng ngõ khiến hai gia đình mất đoàn kết trong một thời gian dài. ông nói: gia đình tôi rất cảm ơn tổ hoà giải của thôn đã giúp cho 2 gia đình hiểu và giải quyết được tranh chấp một cách thoả đáng, củng cố được tình cảm láng giềng giữa 2 bên.

Được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hoà giải ngay sau khi Pháp lệnh hoà giải  triển khai thực hiện vào năm 1998.; Được mệnh danh là người đa hệ bởi vừa là Bí thư chi bộ, vừa là trưởng Ban mặt trận lại kiêm tổ trưởng tổ hoà giải, gần 10 năm qua, tham gia công tác hoà giải với tâm niệm tự nguyện mang chút khả năng, nhiệt huyết của mình giữ gìn sự bình yên cho thôn xóm, Bác Phạm Quang Minh - tổ trưởng tổ hoà giải xóm 5 xã Khánh Cường đã hàn gắn rạn nứt cho hàng chục gia đình, Bác tâm sự: 10 năm qua tham gia công tác hoà giải tôi đã hoà giải thành 21 vụ việc tranh chấp mâu thuẫn nhỏ trong dân cư. Để làm tốt công tác này hoà giả viên phải là người gương mẫu trong cuộc sống, gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Là trung tâm kinh tế của huyện dễ phát sinh nhiều vụ việc nổi cộm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, kết quả công tác tiếp dân thời gian quan tại Thị trấn Yên Ninh cho thấy nơi nào làm tốt công tác hoà giải nơi ấy đơn thư sẽ giảm. Chính vì vậy UBND Thị trấn đã chỉ đạo Ban Tư pháp thường xuyên phối hợp với Mặt trận tổ quốc rà soát, củng cố kiện toàn đội ngũ hoà giải viên cơ sở tại các thôn, phố.  Có những biện pháp thiết thực như cấp phát tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải, có hình thức động viên khuyến khích đối với hoà giải viên tham gia hoà giải thành các vụ việc.

Thị trấn Yên Ninh có 8 tổ hoà giải tại 8 tổ dân phố với 64 hoà giải viên. Trong năm 2007 thị trấn tiếp nhận 4 đơn đề nghị của công dân, sau khi xem xét mức độ và tính chất vụ việc 4 đơn đều chuyển về cho tổ hoà giải các thôn, phố giải quyết. Kết quả ghi nhận về sự thành công của các tổ hoà giải phải kể đến công sức tâm huyết của các hoà giải viên Thôn Khu Đông của Thị trấn khi tiến hành hoà giải thành công đơn ly hôn của vợ chồng anh Long người cùng thôn. Mới cưới nhau được 3 năm, nhưng do hiểu nhầm giữa 2 vợ chồng dẫn đến tình cảm vợ chồng bị rạn nứt, anh chị đem đơn ra UBND Thị trấn xin ly hôn. Được giao nhiệm vụ, thành viên tổ hoà giải thôn Khu Đông đã không quản đêm ngày đến động viên thuyết phục anh chị, Sau gần một tháng tiến hành gặp gỡ trao đổi với bè bạn, gia tộc, làng xóm đôi bên vợ chồng anh Long nhận ra sai sót của mỗi người đã xin rút đơn về, đến nay 2 vợ chồng lại hoà thuận, vui vẻ. Ngoài ra một số mâu thuẫn trong dân cư được phát hiện và giải quyết kịp thời nên tình hình đơn thư của công dân ở thị trấn giảm nhiều so với những năm trước.

Chỉ trong năm 2007, các tổ hoà giải của huyện Yên Khánh đã tiếp nhận 197 việc, thụ lý 172 việc đạt tỷ lệ 87,3%. Trong đó hoà giải thành 143 việc đạt 83%. Do phát huy được hiệu quả công tác hoà giải nên tình hình an ninh nông thôn trên địa bàn tương đối ổn định, hạn chế được khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, đông người, trái pháp luật của công dân, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, công tác hoà giải cơ sở đã góp phần mang lại thành tích đáng ghi nhận. Toàn huyện hiện có 106/267 thôn được công nhận là khu dân cư tiên tiến cấp tỉnh và huyện, 29470 gia đình được công nhận là gia đình văn hoá.

 Với kết quả trên, trong thời gian tới mong rằng các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ  huyện tới  xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn tổ chức và hoạt động công tác hoà giải cơ sở, từng bước đưa công tác này đi vào nề nếp góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội huyện nhà phát triển.

Thiều Thị Tú