“Nụ cười công chức” của Sở Tư pháp TP.HCM

29/03/2008
Sau hơn 3 năm phát động phong trào “nụ cười công chức”, Sở Tư pháp TP.HM đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía người dân. “Hàng năm Sở Tư pháp đều phát phiếu thăm dò sự hài lòng của người dân. Tỷ lệ năm sau đều cao hơn năm trước, những lời kêu ca đã giảm đi rất nhiều”- anh Nguyễn Quốc Thắng, bí thư Đoàn Sở hồ hởi.

Nằm trong khuôn khổ mà TP phát động “năm cải cách hành chính”, Nghị quyết đại hội đoàn sở nhiệm kỳ II (2005-2007) đã thực hiện phong trào “nụ cười công chức”. Mục đích của phong trào nhằm nâng cao mức độ hài lòng của công dân đối với thái độ phục vụ của cán bộ công chức khi tham gia giải quyết công việc, qua đó xây dựng thái độ tiếp công dân hoà nhã, vui vẻ, nhiệt tình chu đáo và chuyên nghiệp… Đoàn viên, thanh niên được đề cử đi “tiên phong” với phương châm “nụ cười luôn nở trên môi”. Đoàn sở đưa ra cả một quy trình, thủ tục : hướng dẫn tận tình, chính xác và đầy đủ, không gây phiền hà, sách nhiễu; đồng cảm, chia sẻ và tư vấn, giải thích kịp thời những yêu cầu cho dân rõ, thuận tiện và đúng quy định pháp luật; không để cho dân đi lại nhiều lần vì hướng dẫn không đầy đủ, không chính xác… 

Theo anh Nguyễn Quốc Thắng, Bí thư đoàn Sở, những năm trước đây, người dân còn kêu ca thái độ phục vụ của một số cán bộ công chức, nhưng từ khi phát động phong trào “nụ cười công chức”, thì mỗi đoàn viên phải phấn đấu “nụ cười trên môi” cho dù đang gặp phải những buồn phiền.  Sau khi phát động, 9 chi đoàn thuộc Đoàn Sở Tư pháp còn ký hẳn một giao ước thi đua “nụ cười công chức trẻ”, để cải tiến lề lối, tác phong, tinh thần làm việc; xây dựng đoàn kết nội bộ, thực hành tiết kiệm, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tệ quan liêu, cửa quyền, lãng phí, tiêu cực tham nhũng…Theo anh Thắng, hàng năm Sở Tư pháp đều phát ra những phiếu thăm dò, thì tỷ lệ hài lòng của công dân đối với thái độ phục vụ của cán bộ công chức năm sau đều cao hơn năm trước “Đó là hiệu quả của phong trào “nụ cười công chức” mà Sở Tư pháp phát động”- anh Thắng hồ hởi.

Để có được những “nụ cười trên môi”, Sở Tư pháp còn “thuê” cả trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật TP.HCM đến “huấn luyện” cho gần 1.000 cán bộ công chức với những chương trình “văn hoá ứng xử nơi công sở” (phối hợp với một công ty của Singapho giảng dạy) như định hướng giao tiếp; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng kiềm chế cảm xúc và vượt qua áp lực công việc; nghi thức xã giao…Chưa hết, Sở Tư pháp còn phối hợp với Trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật TP.HCM biên soạn cả một cuốn sách “văn hoá giao tiếp trong hoạt động tư pháp” để phát cho mỗi cán bộ công chức như một kim chỉ nam. 

Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, ngoài việc thực hiện cải cách hành chính như “một cửa”, niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, biểu mẫu… Sở Tư pháp thường xuyên thực hiện khảo sát ý kiến người dân về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ liên quan đến công chứng, hộ tịch, lý lịch tư pháp, quốc tịch, luật sư…Thái độ phục vụ của cán bộ công chức tại các đơn vị trực thuộc. Kết quả về sự hài lòng trong năm 2007 đối với các đơn vị đạt trung bình từ 84 đến 90%.  Chẳng hạn như Phòng công chứng số 1 88%; số 2: 90%;  số 3, 5, 6: 86%; Hộ tịch 87%... 

Năm 2008 là năm mà Thành phố phát động “văn minh đô thị”, Đoàn Sở tiếp tục nhắc lại khẩu hiệu “nụ cười công chức” để đoàn viên  thực hiện. Tại lễ hội “Đêm văn hoá” chào mừng ngày thành lập đoàn 26/3 Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo phát huy hơn nữa “nụ cười công chức” trong đoàn viên. Với những cơ quan tư pháp, nơi đâu cũng phát động phong trào như Sở Tư pháp, thì người dân vui sướng biết chừng nào. 

Hoàng Tuấn