Hà Nam triển khai chương trình phối hợp liên ngành về PBGDPL năm 2008 - 2009

28/03/2008
Nhằm tăng cường phổ biến giáo dục các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương có liên quan đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức và các đối tượng thuộc diện quản lý có liên quan. Giáo dục cán bộ, nhân dân nề nếp “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Thực hiện Quyết định số 1628/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2008-2012 và Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2008, phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp, Sở Tư pháp Hà Nam cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật phối hợp với một số cơ quan, Ban, Ngành của tỉnh gồm: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn lao động tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh Hà Nam, Sở Giáo dục và Đào, Báo Hà Nam, Đài phát thanh truyền hình, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch và Hội Nông dân tỉnh xây dựng chương trình phối hợp liên ngành về phổ biến giáo dục pháp luật năm 2008 - 2009 như sau:

* Sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở Giáo dục - Đào tạo

+ Tiếp tục phổ cập kiến thức pháp luật phổ thông đã có trong chương trình (từ lớp 6 - 9, 10 - 12), môn học pháp luật hiện có cho học sinh trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

+ Khảo sát điều tra cơ bản thực trạng đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật trong các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

+ Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức theo chuyên đề về các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với việc dạy - học môn học giáo dục công dân và môn pháp luật trong nhà trường như: Bộ luật Hình sự, Luật phòng chống ma tuý, Luật an toàn giao thông…

+ Tổ chức các hoạt động pháp luật ngoại khoá: Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt tập thể truyền thống trong các câu lạc bộ học sinh, sinh viên với pháp luật; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật theo trường lớp, báo cáo chuyên đề về pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh - sinh viên.

* Sở Tư pháp - Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Cần tập trung phổ biến kiến thức về: Luật nghĩa vụ quân sự, Luật hôn nhân gia đình, một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, về phòng chống các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, trách nhiệm hành chính, biện pháp phòng ngừa vi phạm hành chính, đấu tranh với các tệ nạn xã hội như việc cưới, lễ hội, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm.

- Biện pháp thực hiện:

- Phối hợp biên soạn tài liệu, nội dung tuyên truyền để đăng trên “Bản tin Tư pháp” của Sở Tư pháp và “Thông tin Thanh niên” của Tỉnh đoàn.

- Củng cố duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”, lồng ghép các nội dung pháp luật vào các buổi sinh hoạt của Chi đoàn và các hoạt động ngoại khoá khác.

- Tổ chức các buổi nói chuyện theo chuyên đề pháp luật, phối hợp tổ chức tập huấn báo cáo viên pháp luật cho cán bộ đoàn chủ chốt của các huyện, thị xã và cơ sở đoàn trực thuộc.

- Xây dựng và trang bị các đầu sách pháp luật có nội dung liên quan trong các tủ sách thanh niên măng non.

* Sở Tư pháp - Liên đoàn lao động tỉnh Hà Nam

Ngoài việc phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động còn phải chú trọng phổ biến các kiến thức pháp luật chuyên ngành sau:

- Đối với doanh nghiệp Nhà nước: phổ biến về sở hữu Nhà nước và quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư nước ngoài, hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, xử phạt hành chính, xử lý hình sự trong các hoạt động kinh doanh, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.

- Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh: phổ biến về thủ tục thành lập đăng ký doanh nghiệp, thuế tài chính, ngân hàng, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, tội phạm kinh tế, biện pháp phòng ngừa, xử phạt hành chính và xử lý hình sự trong hoạt động kinh doanh.

+ Biện pháp, phân công thực hiện:

- Sở Tư pháp chuẩn bị nội dung pháp luật có liên quan, chuẩn bị báo cáo viên để tuyên truyền trực tiếp qua hội nghị; đăng tải nội dung có liên quan trên Bản tin Tư pháp, viết bài gửi cho Báo Hà Nam và các báo Trung ương, địa phương khác.

- Liên đoàn lao động tỉnh có trách nhiệm mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn ngày, đăng tải trên Bản tin lao động và công đoàn của Liên đoàn lao động; xây dựng tủ sách pháp luật trong công đoàn cơ sở, trực thuộc.

* Sở Tư pháp - Báo Hà Nam:

Phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ, của tỉnh. Tập trung tuyên truyền các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, quyết định mới được ban hành thiết thực với quần chúng nhân dân như: Bộ luật hình sự, Luật hôn nhân gia đình, Luật lệ an toàn giao thông, Luật phòng chống ma tuý, Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các nghị định về xử lý vi phạm hành chính đối với từng lĩnh vực, các luật thuế…

- Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các sự kiện quan trọng hàng tháng như:

+ Tháng 5: Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em.

+ Tháng 7: Ngày thương binh liệt sỹ 27/7

+ Tháng 9: Tháng an toàn giao thông

+ Tháng 11: Thực hiện nghĩa vụ quân sự

- Nêu gương người tốt, việc tốt trong phong trào phòng, chống tội phạm, đăng tải các sự việc vi phạm pháp luật nêu cao ý thức nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giáo dục các tầng lớp nhân dân ý thức chấp hành pháp luật.

- Sở Tư pháp phối hợp cùng Báo Hà Nam biên soạn tin, bài viết có liên quan để phổ biến trên Báo Hà Nam, Bản tin Tư pháp Hà Nam.

+ Thời lượng: Một tháng ít nhất đăng 2 kỳ trên báo Hà Nam, mỗi kỳ ít nhất dành 1/2 trang báo.

* Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình

Tên của chuyên mục là “Pháp luật với đời sống nhân dân”, được xây dựng và phát sóng mỗi tháng một kỳ vào thứ 5 của tuần cuối tháng.

Hàng tháng hai cơ quan thống nhất về chương trình phát trên sóng, cụ thể:

- Trên sóng phát thanh là 15 phút một chương trình.

- Trên sóng phát hình là 10 phút một chương trình.

- Giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật được Nhà nước ban hành, có trọng tâm phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tích cực đưa pháp luật vào cuộc sống.

- Tuyên truyền những gương điển hình, nhân tố mới thực hiện tốt chính sách, pháp luật. Đồng thời phê phán những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống hàng ngày.

- Phối hợp với các ngành liên quan tiến hành việc giải đáp pháp luật, tư vấn pháp luật đối với bạn nghe đài và bạn xem truyền hình.

+ Biện pháp và phân công thực hiện:

- Đài phát thanh truyền hình tỉnh: Có trách nhiệm sắp xếp chương trình phát trên sóng (đài phát thanh, đài phát hình) đúng theo kế hoạch đã được hai Ngành thống nhất, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên khai thác tin, bài và các kỹ thuật khác đảm bảo chương trình phát sóng thông suốt, thuận tiện.

- Đối với Sở Tư pháp: Chịu trách nhiệm về nội dung của chương trình phát sóng, sử dụng lực lượng cán bộ của Ngành báo cáo viên pháp luật, đảm bảo đủ nội dung cho một thường lượng phát sóng.

* Sở Tư pháp - Hội nông dân - Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh - Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch

Tập trung phổ biến trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện quyền, nghĩa vụ về đóng thuế, lao động công ích, hôn nhân gia đình, quyền sử dụng đất, chống tệ nạn hủ tục lạc hậu, đăng ký hộ tịch, Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường thị trấn, , pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Pháp luật về Hôn nhân và gia đình, Luật khiếu nại tố cáo, Luật Lao động, Luật bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em. Một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật bình đẳng giới.

- Sở Tư pháp chuẩn bị nội dung văn bản pháp luật có liên quan để tuyên truyền, chuẩn bị báo cáo viên để truyền đạt tại hội nghị, đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách.

- Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật theo chuyên đề cho đội ngũ cán bộ hội các cấp và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền của hội ở các cấp cơ sở.

- Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch: Phổ biến pháp luật bằng các hình thức sau:

+ Tuyên truyền nội dung pháp luật qua hoạt động của các đội thông tin lưu động từ tỉnh tới cơ sở qua các đội chiếu bóng hoặc các đoàn văn công khi về phục vụ tại cơ sở.

+ Vận động nhân dân thực hiện pháp luật bằng khẩu hiệu, cụm cổ động, tranh, áp phích và bằng mọi phương tiện tuyên truyền trực quan.

+ Đưa nội dung tuyên truyền pháp luật làm tiêu chuẩn xét công nhận làng văn hoá, đơn vị văn hoá.

+ Thư viện có đủ sách pháp luật phục vụ bạn đọc và nhân dân đến tìm hiểu nghiên cứu.

+ Đăng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật trên “tập san văn hoá thông tin”.

- Sở Tư pháp - Uỷ ban mặt trận Tổ quốc - Hội nông dân:

Phối hợp tuyên truyền các văn bản về quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, vận động nhân dân, tham gia phong trào “phòng ngừa phát hiện, tố giác tội phạm cảm hoá giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng”.

 Sở Tư pháp, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc, Sở Giáo dục đào tạo, Báo Hà Nam, Đài phát thanh truyền hình, Uỷ ban bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, Hội nông dân, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng tạo ra cơ chế phối hợp hoạt động thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

Mỗi cơ quan tuỳ theo đặc điểm tình hình mà giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban của mình theo dõi, triển khai, chỉ đạo cấp huyện cùng phối hợp hoạt động, kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Hàng quý tổng hợp báo cáo về Sở Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng) để theo dõi chỉ đạo cụ thể, đơn vị nào thực hiện tốt sẽ được xét tính điểm thi đua trong từng ngành.

Cẩm Tú