Ninh thuận: Ban hành Kế hoạch liên ngành Phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; hôn nhân và gia đình; tệ nạn xã hội khác.

03/04/2008
Thực hiện Quyết định số 416/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng đầu năm 2008 và Kế hoạch số 144/KH-HĐPBGDPL ngày 22/02/2008 của Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của HĐPHCT-PBGDPL tỉnh Ninh Thuận năm 2008.

Ngày 18/3/2008 Sở Tư pháp Ninh Thuận phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh ban hành Kế hoạch liên ngành số 229/KHLN/STP- HLHPN-ĐPTTH. Phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; hôn nhân và gia đình; tệ nạn xã hội khác với những nội dung sau:

1. Nội dung

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; hôn nhân gia đình; pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; các tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức sinh động, gần gũi với phụ nữ như tổ chức các cuộc thi hái hoa dân chủ, xây dựng thành các tiểu phẩm kịch sân khấu, hùng biện theo chủ đề…Trong đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới làm trọng tâm.

b) Sở Tư pháp phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Đài Phát thanh – Truyền hình Ninh Thuận xây dựng chương trình phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với những vấn đề cơ bản của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; hôn nhân gia đình; pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; các tệ nạn xã hội cho phụ nữ.

c) Việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương, cơ sở và phát huy được những gương điển hình (người tốt, việc tốt), đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật những hành vi vi phạm xảy ra trong lĩnh vực bạo lực gia đình, bình đẳng giới và các tệ nạn xã hội khác.

2. Hình thức:

a) Phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; hôn nhân và gia đình; phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; các tệ nạn xã hội khác. Tập trung các lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình (quý I/2008); bình đẳng giới (quý II/2008); phòng chống các loại tội phạm  buôn bán phụ nữ và trẻ em; các tệ nạn xã hội khác (quý III).  

- Sở Tư pháp chịu trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp hội phụ nữ;

- Liên ngành phối hợp phát hành Phiếu khảo sát về tình trạng bạo lực gia đình; bất bình đẳng giới và các loại tệ nạn xã hội khác để nghiên cứu phục vụ cho công tác tuyên truyền và việc phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm;

- Xây dựng các chuyên mục để tăng cường cho chuyên đề phát thanh, truyền hình “Pháp luật và cuộc sống” phản ảnh các hình thức phối hợp và kết quả thực hiện kế hoạch liên ngành;

- Xây dựng chuyên trang “Phụ nữ” trong Bản tin Tư pháp quý III/2008.

b) Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật trong giới phụ nữ theo hướng phục vụ đúng đối tượng (đặc biệt quan tâm đến diện phụ nữ nghèo; đối tượng chính sách và những đối tượng có nhiều nguy cơ bị đe doạ về bạo lực gia đình; bất bình đẳng giới; buôn bán phụ nữ và trẻ em; các tệ nạn xã hội khác).

c) Tổ chức các cuộc thi theo thể loại hái hoa dân chủ, biểu diễn tiểu phẩm kịch trên sân khấu và hùng biện (thuyết trình về một đề tài); cụ thể:

- Cấp xã: tổ chức cuộc thi về thể loại hái hoa dân chủ;

- Cấp huyện: tổ chức cuộc thi về thể loại hái hoa dân chủ; biểu diễn tiểu phẩm kịch trên sân khấu (và các thể loại khác do cấp huyện tổ chức). Mỗi huyện, thành phố thành lập 01 Đội tham gia cuộc thi cấp tỉnh gồm từ 07 đến 10 người. 

- Cấp tỉnh: tổ chức cuộc thi bao gồm các thể loại hái hoa dân chủ; biểu diễn tiểu phẩm kịch trên sân khấu và hùng biện (có thể lệ cuộc thi riêng).

3. Biện pháp và tổ chức thực hiện:

a. Tổ chức Đoàn công tác liên ngành để triển khai thực hiện kế hoạch. Thành phần gồm Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn; Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh làm Phó Trưởng đoàn; Trưởng phòng PBGDPL của Sở Tư pháp làm Uỷ viên thường trực và các uỷ viên là chuyên viên của Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp); Ban tuyên giáo (Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh); phóng viên của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh.

b. Sở Tư pháp có trách nhiệm soạn thảo các văn bản phối hợp liên ngành để triển khai và tổng hợp, dự thảo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch; cử báo cáo viên phục vụ các lớp tập huấn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các cấp Hội liên hiệp phụ nữ, cung cấp một số tài liệu (sách pháp luật) cho Hội liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp tỉnh để phục vụ triển khai kế hoạch.

c. Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh có trách nhiệm phối hợp, chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch ngành; cùng Sở Tư pháp chỉ đạo, kiểm tra và trực tiếp triển khai các biện pháp thực hiện kế hoạch.

d. Đài Phát thanh-Truyền hình Ninh Thuận có trách nhiệm xây dựng chương trình, kịch bản để tổ chức phát sóng truyền thanh, truyền hình thông tin những hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch.

đ. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch ở cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn được triển khai theo phương pháp tự chủ về kinh phí; bảo đảm nội dung và hình thức phối hợp liên tịch.

e. Sau khi được Tỉnh uỷ; Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép thực hiện kế hoạch liên ngành; Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp cùng Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đài Phát thanh-Truyền hình tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai kế hoạch này đến các cơ quan, đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Trên cơ sở nội dung kế hoạch liên ngành, mỗi bên tham gia liên tịch có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện đúng nội dung phối hợp và xây dựng chương trình công tác cụ thể để triển khai cho đơn vị cấp dưới thuộc thẩm quyền quản lý cùng phối hợp tổ chức thực hiện; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch liên ngành.

f. Kết thúc mỗi đợt triển khai thực hiện kế hoạch, các bên liên tịch tổ chức họp giao ban để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch nhằm rút kinh nghiệm để chỉ đạo tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; hôn nhân gia đình; pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; các tệ nạn xã hội khác cho phụ nữ./.

Ngọc Hùng