Tỉnh Ninh Bình: Thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác TTPBGDPL về An toàn giao thông

03/04/2008
Nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội các cơ quan đơn vị doanh nghiệp trường học trong công tác tuyên truyền PBGDPL các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, giáo dục cán bộ, công nhân viên chức, học sinh các tầng lớp nhân dân nắm vững và tự giác chấp hành các quy định về ATGT; Không để xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên cả 3 tuyến: đường sắt, đường thuỷ, đường bộ tiến tới giảm thiểu tối đa các vụ TNGT, thiệt hại do TNGT trong những năm tới, phấn đấu làm giảm các vụ TNGT mà nguyên nhân trực tiếp là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.

 Ngày 17/3/2008 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Đề án “nâng cao hiệu quả của công tác TTPBGDPL về an toàn giao thông”.Việc thực hiện Đề án này được tiến hành trong 5 năm (2008-2012) với nguồn kinh phí 1.071.200.000đ (một tỷ không trăm bảy mốt triệu hai trăm nghìn đồng) được lấy từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt  được Quy định tại Thông tư số 89/TT-BTC ngày 12/7/2007 của Bộ tài chính.

Nội dung và biện pháp thực hiện:

- Biên soạn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng để mọi người nắm vững quan điểm, chủ trương đường lối chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo TTATG. Tài liệu biên soạn nội dung tuyên truyền là những văn bản pháp luật của Trung ương, của địa phương chỉ đạo về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua.

- Các cấp, các ngành các tổ chức chính trị xã hội, doanh nhgiệp, cơ quan đơn vị đề ra quy định và yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức đội ngũ lái xe, lái tàu, học sinh, sinh viên nghiên cứu học tập các quy định ATGT, tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn giao thông mà nếu vi phạm sẽ là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: chạy quá tốc độ quy định, không có giấy phép lái xe, lái tàu, chứng chỉ chuyên môn, lái xe trong tình trạng uống rượư bia say, sử dụng ma tuý,  quá tải, chở quá số người quy định, tránh vượt không đúng quy định, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường, đua xe trái phép, điều khiển sử dụng phương tiện tự dựng, tự chế, không đảm bảo an toàn, lái xe liên tục quá 4h, lái xe quá 12h trong 1 ngày…

- Tuyên truyền vận động cho mọi người trong cơ quan đơn vị tự giác chấp hành  quy định đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy để giảm thiểu thiệt hại nhất là chấn thương sọ não nếu xảy ra tai nạn giao thông, tuyên truyền cho mọi người hiểu và tự giác chấp hành quy định khi điều khiển phương tiện giao thông phải có đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật, coi đây vừa là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân để bảo vệ an toàn chính bản thân mình, cho người thân và cho những người khác khi tham gia giao thông.

- Từng chi bộ, từng đường phố, cụm dân cư phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho Đảng viên, nhân dân biết và tự giác chấp hành các quy định về ATGT, gia đình nào có người vi phạm về ATGT bị xử lý thì không được xét gia đình văn hoá, phố văn hoá. Các thôn xóm đưa qui định về TTATGT vào hương ước qui ước để vận động nhân dân tự giác chấp hành.

- Đối với các hộ ở ven các tuyến đường giao thông, các đường phố có hoạt động kinh doanh, phải tổ chức tuyên truyền, vận động, ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Triển khai xây dựng tuyến phố, đoạn đường tự quản về ATGT và không xảy ra tai nạn giao thông.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATGT ở tất cả các ngành, các cấp. Có hình thức khen thưởng động viên kịp thời những tập thể cá nhân lập thành tích xuất sắc  trong công tác đảm bảo TTATGT và những gương người tốt việc tốt trong chấp hành các quy định về ATGT. Đồng thời đấu tranh phê phán đối với các trường hợp vi phạm luật ATGT.

Hình thức biện pháp tổ chức tuyên truyền:

- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục ATGT trên Đài PTTH tỉnh và Báo Ninh Bình, mở chuyên mục hàng ngày để tuyên truyền hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT trên Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, Đài truyền thanh các phường, xã thị, trấn.

- Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên có kiến thức và khả năng tuyên truyền về an toàn giao thông để trực tiếp tuyên truyền tại các cơ quan đơn vị trường học, cho đội ngũ lái xe, lái tàu trong các doanh nghiệp vận tải. Tổ chức chiếu phim về an toàn giao thông trong các trường học phổ thông, dạy nghề, tại tổ dân phố, cụm dân cư và các thôn xóm.

- Các cơ quan, đơn vị trường học doanh nghiệp xây dựng chương trình tuyên truyền hướng dẫn về an toàn giao thông xây dựng quy định cụ thể bắt buộc mọi người trong cơ quan đơn vị khi tham gia giao thông phải chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, thông qua các cuộc họp, giao ban thông báo, nhắc nhở đến cán bộ công nhân viên chức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy…đưa nội dung chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông làm tiêu chí bình xét thi đua hàng năm của cán bộ, công nhân viên chức, nếu bị xử lý vi phạm về an toàn giao thông thì không bình xét các danh hiệu thi đua.

- Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quy định việc phổ biến nội dung pháp luật về TTATGT trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, biểu dương người tốt việc tốt, phê phán các cá nhân vi phạm, nêu cao hơn nữa vai trò của tổ chức đoàn thể trong việc giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

- Tổ chức in các tờ rơi, kẻ vẽ panô, áp phích, khẩu hiệu để tuyên truyền tại các tuyến đường chính, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp và các địa bàn công cộng.

- Hàng năm tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATGT giữa các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lựa chọn các đội tuyển để tham gia thi cấp tỉnh vào tháng 9 hàng năm (tháng ATGT). Chọn điển hình tiên tiến và tổ chức các hội nghị nhân điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo TTATGT.

- Tổ chức sử dụng xe ôtô gắn loa, khẩu hiệu hình ảnh tuyên truyền trên các trục đường chính, địa bàn phức tạp về an toàn giao thông. Xây dựng các panô hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đặt ở nơi công cộng có nhiều người  qua lại để giáo dục, cảnh báo, nhắc nhở chung. Tổ chức các buổi giao lưu toạ đàm về an toàn giao thông, nhất là tại các doanh nghiệp vận tải, các trường học, trường dạy nghề.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện Đề án được tiến hành làm 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1: đến tháng 7/2008

- Thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo để theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nội dung Đề án của các cấp các ngành.

- Rà soát biên soạn nội dung tuyên truyền quy định của pháp luật về TTATGT phù hợp với từng đối tượng, tưng ngành từng cấp.

- Tổ chức in tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền

- Tổ chức triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp trong thực hiện nội dung của Đề án.

- Chọn 1 cơ quan hoặc 1 phường xã, đường phố làm thí điểm để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án tiến tới nhân ra diện rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

- Lựa chọn tổ chức và tổ chức tập huấn đội ngũ  báo cáo viên, tuyên truyền viên của  các cơ quan, đơn vị trường học.

Giai đoạn 2: Từ tháng 7/2008 đến hết năm 2012.

- Sơ kết thực hiện Đề án giai đoạn 1; tổ chức hội nghị nhân điển hình tiên tiến công tác đảm bảo TTATGT, trong đó có công tác giáo dục phổ biến tuyên truyền về an toàn giao thông; Thường xuyên thực hiện các nội dung hình thức tuyên truyền tại các cơ quan đơn vị trường học xã, phường, thị trấn; Tổng  kết toàn diện việc thực hiện Đề án.

Để việc triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp: Sở Văn hoá thể thao thể dục, Sở giao thông vận tải, Công an tỉnh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Sở Giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể (Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHTN tỉnh) trong phạm vi chức năng của mình tổ chức thực hiện Đề án.

 Đối với Sở Tư pháp Ninh Bình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải  soạn thảo tài liệu tuyên truyền về an toàn giao thông (đề cương tuyên truyền, tờ rơi tờ gấp, sách pháp luật, băng đĩa tuyên truyền..), xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các văn bản liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Tổ chức phổ biến tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trên Chuyên mục Pháp luật và đời sống của Đài PTTH tỉnh, Bản tin Tư pháp, chuyên trang trên Báo Ninh Bình. 

Thiều Thị Tú