Xã Nguyễn Việt Khái - Phú Tân – Cà Mau: Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư

28/03/2008
Xã Nguyễn Việt Khái nằm hướng Tây Nam của huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có chiều dài ven biển là 17 Km; diện tích tự nhiên 10.838 ha, được chia thành 14 ấp với gần 15.900 nhân khẩu sinh sống trong 3.132 hộ. Với đặc thù vùng sông nước, dân cư phân bố không đồng điều đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PB,GDPL). Năm 2007, cấp uỷ xã chọn làm là năm tăng cường công tác PB,GDPL cho nhân dân để từng bước xoá hẳn tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài tại địa phương.

Do nhận thức và hiểu biết về pháp luật có nhiều hạn chế nên tình trạng khiếu kiện kéo dài và vượt cấp xảy ra trong một thời gian dài, đã làm đau đầu các cấp lãnh đạo địa phương. Để khắc phục tình trạng trên, cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đã bằng nhiều biện pháp nâng cao công tác PB,GDPL. Thực hiện Quyết định 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng chính phủ; Chỉ thị 32/CT-TƯ ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư; đồng thời thực hiện Chương trình 212 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân xã, phường, thị trấn từ 2005 – 2010. bằng nhiều hình thức tuyên truyền, trong năm 2007 Hội đồng PB,GDPL của xã đã tổ chức được 23 cuộc tuyên truyền pháp luật thu hút được hơn 1.017 người tham dự với các nội dung tuyên truyền gồm: Luật Hình sự, Luật dân sự, Luật hôn nhân gia đình, Luật đất đai và Luật nghĩa vụ quân sự và nhiều văn bản pháp luật khác.

Bên cạnh đó, công tác PB,GDPL còn được lồng ghép trong hoạt động hoà giải cơ sở tại các tổ hoà giải. Toàn xã hiện có 14 tổ hoà giải với 98 hoà giải viên mỗi năm tổ chức hoà giải được gần 100 cuộc hoà giải. Qua đó đã góp phần đáng kể vào việc hạn chế, không để xảy ra các vụ khiếu kiện vượt cấp. Nếu có những vụ việc yêu cầu khiếu nại sẽ được cán bộ tư pháp hướng dẫn đúng chỗ giải quyết và kịp thời cử cán bộ đi xác minh làm rõ các vụ việc và đề xuất với các cơ quan có liên quan nhằm đề ra biện pháp giải quyết hợp lý.

Ngoài ra, việc quản lý và khai thác tủ sách pháp luật cũng đã góp phần trong việc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Trao đổi với chúng tôi Anh Phan Minh Chiến cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã cho biết:

Hiện nay, tại UBND xã có 1 tủ sách pháp luật có từ 80 đến 90 đầu sách do cán bộ tư pháp quản lý và phục vụ bạn đọc trong giờ hành chính. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy Tủ sách pháp luật đã giúp cho cán bộ xã, ấp và nhân dân có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao trình độ kiến thức hiểu biết về pháp luật, làm tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó giúp cho lãnh đạo địa phương điều hành công việc đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình xử lý công việc ở cơ sở.

Tuy nhiên, công tác PB,GDPL tại xã vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục như: công tác tuyên truyền PB,GDPL chưa sâu, rộng trong quần chúng nhân dân. Trình độ dân trí thấp cũng đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Mặt khác do tủ sách pháp luật được đặt tại UBND xã nên rất ít người dân đến để mượn đọc hay tra cứu văn bản pháp luật.

Để công tác PB,GDPL mang lại hiệu quả, cần nâng cao sự hiểu biết và kiến thức pháp luật cho lực lượng nồng cốt trong của các đoàn thể ở địa phương. Nhằm thông qua các cuộc hop tổ, họp nhóm và sinh hoạt của các đoàn thể là điều kiện để lực lượng này tuyên truyền pháp luật có hiệu quả tại cơ sở. Đồng thời nâng cao trình độ và cập nhật pháp luật mới cho đội ngũ làm công tác hòa giải tại tại địa phương giúp họ nâng cao chất lượng hoà giải cơ sở và hiệu quả cao trong công tác PB,GDPL.

Thuỳ Trang