Nam Định đã ban hành kế hoạch số 10/KH-UBND tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoà giải ở cơ sở.

28/03/2008
Ngày 20/3/2008, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch số 10/KH-UBND tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoà giải ở cơ sở.

Việc tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoà giải ở cơ sở ở Nam Định nhằm đánh giá tổng quát kết quả tổ chức và hoạt động hoà giải trên tất cả các mặt: Tổ chức tổ hoà giải, hoà giải viên, số vụ việc hoà giải và kết quả hoà giải thành, hoà giải chưa thành qua đó rút ra nguyên nhân kết quả đạt được và những tồn tại cần khắc phục. Vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương (đặc biệt của cấp xã), sự tham gia phối hợp của các tổ chức, đoàn thể đối với hoạt động hoà giải. Trên cơ sở đó cần bổ sung cơ chế phối hợp, chế độ trách nhiệm cho các ngành, các cấp có liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải trong thời gian tới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải cơ sở. Tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ hoà giải viên có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Theo kế hoạch, việc tổng kết được tiến hành ở cả 3 cấp: cấp xã, cấp huyện, và cấp tỉnh.

Đối với cấp xã, phường, thị trấn: Việc tổng kết nhấn mạnh tập trung vào các vấn đề sau: Vai trò của công tác hoà giải trong công tác xây dựng phát triển bền vững ở khu dân cư, ảnh hưởng và tác động của hoạt động hoà giải đối với an ninh, trật tự ở thôn, xóm, địa phương. Sự chỉ đạo của cấp uỷ,  công tác quản lý, tổ chức thực hiện của chính quyền xã và các thôn (xóm), tổ dân phố, sự tham gia phối hợp của tổ chức, đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng kiện toàn tổ chức hoà giải, hoà giải viên. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, cung cấp thông tin pháp luật, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ hoà giải, hoà giải viên

 Đối với cấp huyện, thành phố: Làm nổi bật sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, cơ quan Tư pháp đối với hoạt động hoà giải cơ sở thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Việc triển khai và hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác hoà giải ở địa phương và những biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở địa phương và kết quả phối hợp của các tổ chức, đoàn thể ở cấp huyện đối với việc chỉ đạo công tác hoà giải cơ sở. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở địa phương theo nhiệm vụ và sự hướng dẫn của cấp trên, đồng thời đánh giá kết quả về tổ chức và hoạt động hoà giải 10 nằm ở địa phương.

 Đối với cấp tỉnh: Việc tổng kết nhấn mạnh vào những vấn đề như:Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên đối với công tác hoà giải cơ sở; Sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên ở cấp tỉnh trong công tác hoà giải ở cơ sở; Sự chỉ đạo, quản lý, trách nhiệm của ngành Tư pháp trong công tác hoà giải ở địa phương. Đánh giá kết quả hoạt động hoà giải ở phạm vi toàn tỉnh 10 năm qua cũng như những hạn chế, khó khăn trong chỉ đạo hoạt động hoà giải hiện nay. Những chủ trương, giải pháp cần tập trung thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải trong thời gian tới.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan Tư pháp ở các cấp chủ trì phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp, các cơ quan có liên quan giúp UBND cùng cấp triển khai thực hiện kế hoạch và tổ chức thực hiện ở cấp mình.

          Mỗi huyện, thành phố tổ chức ở một xã, phường, thị trấn hội nghị điểm để rút kinh nghiệm triển khai ở các xã, phường, thị trấn;  Tổ chức hội nghị điểm ở một đơn vị cấp huyện để rút kinh nghiệm triển khai ở tất cả các huyện, thành phố. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả việc triển khai việc tổng kết tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoà giải ở cơ sở.

Trần Thị Hồng Nhung