Công tác Tư pháp Vĩnh phúc năm 2007

04/12/2007
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Bộ Tư pháp, Tư pháp Vĩnh Phúc đã chủ động bám sát nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007 theo tinh thần Chỉ thị số 01/2007/CT-BTP của Bộ Trưởng Bộ tư pháp để xây dựng kế hoạch công tác năm 2007 cho toàn ngành. Sở đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007, bàn biện pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Công tác thi đua- khen thưởng tiếp tục được quan tâm coi trọng, Sở đã kiện toàn Hội đồng thi đua khen thưởng của ngành, phát động phong trào thi đua và chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua và đăng ký thi đua năm 2007 theo tiêu chí mới. Thành lập Hội đồng khoa học của Sở để giúp lãnh đạo Sở triển khai thực hiện các đề tài khoa học, các chương trình công tác lớn của ngành. So với năm 2006 việc tổ chức hội họp, văn bản giấy tờ đã được giảm bớt, công tác tập huấn nghiệp vụ được đầu tư chú trọng hơn.

          Công tác tham mưu, chỉ đạo và quản lý điều hành, đã có nhiều chuyển biến sâu sắc, đồng bộ. Sở Tư pháp chủ động tham mưu giúp Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ngành và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong năm, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2007; Kế hoạch tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo; Kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp liên quan đến công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP. Bên cạnh đó Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tư vấn áp dụng pháp luật trong các dự  án đầu tư và thủ tục thu hồi đất phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Mê Linh, Lập Thạch, Vĩnh Tường, và thị xã Phúc Yên.

          100% các huyện, thị, thành đã xây dựng được kế hoạch triển khai công tác tư pháp năm 2007, hầu hết các đơn vị xây dựng được kế hoạch thực hiện chuyên đề về các lĩnh vực tư pháp; chương trình lập quy và kế hoạch tuyên truyền PBGDPL được cụ thể hoá sát với thực tế của địa phương.

          Công tác xây dựng, thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở đã tham gia đóng góp ý kiến vào 9 dự thảo văn bản Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Trung ương. Bên cạnh đó, Sở đã tham gia ý kiến vào 75 dự thảo văn bản của HĐND, UBND tỉnh trước khi ban hành; phối hợp với các sở, ban, ngành tham gia soạn thảo 21 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trong năm Sở đã thẩm định 68/68 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ban, ngành soạn thảo trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Sở đã tiến hành kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của 9 huyện, thị, thành và 27 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong 10 năm.

          Ở cấp huyện và cơ sở, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành đã từng bước đi vào nề nếp, nội dung các văn bản cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật.

          Công tác PBGDPL, tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực trong nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân. Sở đã hướng dẫn các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện kế hoạch PBGDPL. Duy trì phối hợp chặt chẽ với các ngành để thực hiện kế hoạch PBGDPL của tỉnh; xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; thành lập điểm Câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Xuất bản 8.000 tờ gấp pháp luật liên quan đến một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, 1.500 cuốn sách hỏi- đáp pháp luật về phòng chống tội phạm; xuất bản 6 số bản tin tư pháp; 06 chuyên mục băng cát sét, đĩa CD; xây dựng và phát hành 36 chuyên mục “pháp luật và đời sống” trên Đài, Báo của tỉnh…

          Các huyện, thị, thành đã chú trọng tập huấn nghiệp vụ hoà giải cho các hoà giải viên để hoà giải cho các hoà giải viên để hoà các vụ việc mâu thuẫn xích mích, vi phạm pháp luật nhỏ trong nhân dân; kết hợp hoà giải với PBGDPL giúp nhân dân tăng cường mối đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.Vì vậy chất lượng hoà giải ở cơ sở từng bước được nâng lên rõ rệt.

          Hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác quản lý Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, trường học và cơ sở tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí mua bổ sung sách pháp luật, bình quân toàn tỉnh hiện nay mỗi tủ sách có khoảng 175 đầu sách/1 tủ.

          100% phòng tư pháp cấp huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch PBGDPL năm 2007, đôn đốc cấp xã triển khai thực hiện. Một số đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL giai đoạn 2006-2010.

          Công tác Thi hành án dân sự, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sở tham mưu trình UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo THA dân sự cấp tỉnh, đồng thời chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự tỉnh tăng cường các biện pháp để giải quyết án tồn đọng kéo dài, có số tiền phải thi hành án lớn; tham mưu giúp Ban chỉ đạo công tác thi hành của tỉnh họp bàn biện pháp giải quyết vụ việc khó khăn, phức tạp. Cơ quan thi hành án tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan thi hành án cấp huyện, tổ chức tập huấn thực hiện chế độ báo cáo, thống kê mới bước đầu đi vào nề nếp. Thường xuyên chủ động rà soát phân loại án, giải quyết kịp thời những đơn thư khiếu nại của công dân trong lĩnh vực THA, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong quá trình lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án. Toàn tỉnh có số án phải thi hành là: 7.735 việc= 197.909.711.000đ trong đó án có điều kiện thi hành: 5.059 việc = 146.637.530.00 đ; án chưa có điều kiện thi hành: 2.676 việc = 52.272.181.000 đ; đã giải quyết xong: 3.103 việc = 55.098.728.000 đ; trả đơn THA: 110 việc = 6.210.000đ.

          Công tác Hành chính tư pháp,  Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp- hộ tịch cấp xã. Các việc hộ tịch được thực hiện khá kịp thời theo yêu cầu hợp pháp của công dân; đăng ký kết hôn 56 trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp 1.300 trường hợp; giao nhận con nuôi 21 trường hợp và ghi chú kết hôn 10 trường hợp; đăng ký khai sinh 13 trường hợp. Bên cạnh đó đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP; toàn tỉnh đã thực hiện 104.854 việc, thu lệ phí 782.593 triệu đồng.

          Công tác Bổ trợ tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư tiếp tục được củng cố và nâng lên, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của công dân khi cần được tư vấn pháp luật, đại diện bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng tại toà án.

          Công tác bán đầu giá tài sản, hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục được quan tâm, củng cố và tăng cường; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tiếp nhận thụ lý 24 hồ sơ vụ việc, với giá khởi điểm là 22.782.860.200 đ và 30.000USD; ký hợp đồng và triển khai việc thông báo bán đấu giá 19 hợp đồng mới; tổ chức bán đấu giá thành 15 cuộc với tổng giá trị tài sản 4.799.885.000 và 31.000USD.

          Công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tổ chức trợ giúp được 3.500 vụ, việc, với tổng số đối tượng được trợ giúp là 3.545 người; đã trợ giúp lưu động được 65 cuộc với hơn 2.600 người tham dự.

          Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2007, tư pháp Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 49/NQ-TW và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ chủ động, sáng tạo triển khai tốt các mặt công tác trong năm 2008.

Kim Yến