Công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2012: Dự kiến đưa 5 lĩnh vực “nóng” vào “tầm ngắm”

21/03/2012
Theo dự thảo Kế hoạch triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2012, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật đối với 5 lĩnh vực pháp luật đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, bao gồm lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngân hàng và chứng khoán, an toàn giao thông, phòng chống tham nhũng và chứng thực. Bên cạnh đó, Bộ cũng dự kiến sẽ điều tra, khảo sát tình hình thi hành 2 bộ luật lớn là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự.

Căn cứ vào Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Bộ Tư pháp được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật, với hai nhiệm vụ cụ thể là theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Triển khai nhiệm vụ này, trong thời gian qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã dần dần đi vào nền nếp, đã phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật với những đề xuất, kiến nghị xử lý, góp phần vào việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và địa phương.

Tiếp tục phát huy những kết quả trên và thực hiện Quyết định số 172/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp năm 2012. Dự kiến 5 lĩnh vực pháp luật gồm bảo vệ môi trường, ngân hàng và chứng khoán, an toàn giao thông, phòng chống tham nhũng và chứng thực sẽ được Bộ Tư pháp tiến hành điều tra, khảo sát nhằm xem xét, đánh giá thực trạng tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những vấn đề gây bức xúc, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Từ đó, kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Qua đây, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật cũng như sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức liên quan, các cơ quan báo chí, truyền thông và toàn thể nhân dân vào quá trình này. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự kiến sẽ thực hiện tại khá nhiều địa bàn khác nhau như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, TP. HCM, Đắk Lắk, Đắk Nông thì ngoài sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, rất cần sự hợp tác của Vụ Pháp chế các Bộ Công an, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an.

Ngoài ra, để phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự, Bộ Tư pháp còn dự kiến điều tra, khảo sát tình hình thi hành 2 Bộ luật này. Không những thế, Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm kịp thời thu thập và phản ánh thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

Mới đây, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Thành Long, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp góp ý về dự thảo Kế hoạch trên. Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Kế hoạch nhưng cũng thẳng thắn nêu lên một số khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình triển khai Kế hoạch nếu được lãnh đạo Bộ phê duyệt. Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Long bày tỏ sự đồng tình với những khó khăn này bởi đa số lĩnh vực pháp luật dự định điều tra, khảo sát không nằm trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (trừ chứng thực). Tuy nhiên, “chính vì vậy mới cần sự hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức liên quan” - Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Cẩm Vân