Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Hạn chế hình phạt tử hình?

16/03/2012
Tiếp tục hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, bổ sung một số tội mới phát sinh… là những vấn đề dự kiến sẽ được đưa ra trong sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS).

Hôm qua 15/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung BLHS.  Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Lê Hồng Sơn cùng tham dự.

BLHS năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 01/7/2000. Từ đó đến nay, BLHS đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, qua 11 năm thi hành BLHS cũng bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đáng lưu ý là BLHS năm 1999 chưa thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị. Trong khi sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đặt ra cho hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng phải thực sự là công cụ pháp lý nhằm thúc đẩy và bảo vệ các thành phần kinh tế phát triển.

Tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình

Báo cáo về những định hướng sửa đổi BLHS, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, một trong những nội dung lớn là hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Theo ông Hoàn, hiện nay mặc dù đã có những bước đổi mới cơ bản, song BLHS hiện hành vẫn còn 22 điều luật quy định hình phạt tử hình. Trong tương lai, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội là một xu hướng tất yếu. Trong điều kiện hiện nay thì chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít các tội phạm thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, giết người, cướp của làm chết người… còn đối với các loại tội phạm khác thì mức hình phạt cao nhất - chung thân cũng là thích đáng.

Hiện nay, ở những nước còn duy trì hình phạt tử hình như Cộng hòa Liên bang Nga cũng chỉ quy định hình phạt tử hình đối với 3 tội: khủng bố, giết người có chủ mưu và diệt chủng.

Để thực hiện chủ trương giảm hình phạt tử hình, theo ông Hoàn, một mặt cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS nhằm xác định rõ tiêu chí áp dụng hình phạt tử hình theo hướng hình phạt này chỉ được áp dụng đối với người phạm một số ít các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất dã man, tàn bạo, mất nhân tính hoặc việc phạm tội cũng như người phạm tội là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, mặt khác đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cụ thể.

GS-TSKH Lê Cảm, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội ủng hộ chủ trương nói trên. Ông Cảm cho rằng, với trên 20 điều luật hiện nay có quy định hình phạt tử hình là nhiều, “nên rút xuống chỉ còn 5 cấu thành có hình phạt tử hình (ví dụ: ma túy, giết người có tình tiết tăng nặng, tham nhũng…) là đủ”.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên trong lần tham vấn chuyên gia về sửa đổi BLHS cũng cho rằng, cần tiếp tục thể hiện chính sách nhân đạo (trong đó có vấn đề về hình phạt tử hình, phi hình sự hóa và các biện pháp tư pháp…).

Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến băn khoăn trong bối cảnh hiện nay nên bỏ tử hình với tội nào, giữ với tội nào…. Các vấn đề này phải được nghiên cứu, xem xét thật kỹ. Kinh nghiệm từ sửa đổi lần trước cho thấy, khi đề xuất là nhiều tội nhưng khi Quốc hội quyết chỉ còn lại một số. Do đó, đã đưa vấn đề ra là phải có cơ sở khoa học và thực tiễn chắc chắn.

Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS và là một trong những yêu cầu của các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền. Thực tiễn cho thấy, hiện nay không ít tổ chức kinh tế (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ mà thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm. Trong khi đó, chính sách hình sự của ta hiện nay mới chỉ xử lý đối với cá nhân phạm tội, còn tổ chức (pháp nhân) thì không hề bị xử lý hình sự mà chỉ bị áp dụng các chế tài xử phạt khác (hành chính, kinh tế, dân sự). Việc xử lý như vậy là chưa thỏa đáng, chưa truy xét đến cùng trách nhiệm đối với hành vi phạm tội. Pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định vấn đề này, đặc biệt đối với pháp nhân kinh tế.

Trong lần tham vấn được tổ chức hồi tháng 2/2012 vừa qua, khi đưa ra vấn đề này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia pháp luật hình sự. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc xử lý đối với tổ chức rất khó khăn vì chưa có chế tài, điều đó dẫn đến “bỏ lọt” tội phạm. Tuy nhiên, TS Lê Cảm rất băn khoăn vì “đưa pháp nhân vào là rất phức tạp”. Còn TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho rằng “hiện đã có nhiều biện pháp xử lý đối với pháp nhân rồi”.

Bên cạnh sự đồng tình, cũng có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Thu Hằng