Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch

30/12/2011
Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch
Sáng 29/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức “Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch”. Sau khi công bố quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật, các đại biểu tập trung thảo luận thống nhất về Quy chế làm việc, Kế hoạch soạn thảo Dự án Luật và thảo luận những định hướng lớn xây dựng Luật.

Đến dự và chỉ đạo buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phó Trưởng ban; ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên; ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên và các đồng chí khác là thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập đã báo cáo dự kiến những nội dung chủ yếu của dự án Luật Hộ tịch và kế hoạch xây dựng Luật. Theo đó, việc xây dựng Luật Hộ tịch thể hiện những quan điểm, mục đích chủ yếu như sau: Xây dựng Luật Hộ tịch thành đạo luật chung, được áp dụng thống nhất về hộ tịch trong toàn quốc và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; theo hướng đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện với người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền của mình trong lĩnh vực hộ tịch; Coi công tác hộ tịch là một hoạt động chuyên môn mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, được thực hiện chủ yếu bởi các công chức chuyên môn; Đẩy mạnh tin học hóa trong đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Xác định công tác quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của chính quyền các cấp, nhằm theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, trên cơ sở đó bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, đồng thời góp phần vào việc xây dựng và hoạch định các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng,

Theo báo cáo, dự án Luật Hộ tịch sẽ hướng tới việc giải quyết những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong đăng ký và quản lý hộ tịch hiện hành, tập trung xây dựng một số chính sách mới, những chính sách này sẽ tạo bước đột phá trong quản lý và đăng ký hộ tịch như: về mô hình phân cấp các cơ quan đăng ký quản lý hộ tịch; về chế định Hộ tịch viên; về xây dựng mô hình quản lý cơ sở dữ liệu về hộ tịch; về xây dựng thống nhất một loại Sổ hộ tịch; về xây dựng mã số cá nhân. 

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi ý kiến về những định hướng lớn nêu trên và tán thành với nội dung những định hướng lớn mà thường trực Ban soạn thảo đã nêu.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh “Hộ tịch phải là gốc của mọi vấn đề”, đây là dự án Luật liên quan đến các bộ, ngành, đóng vai trò quan trọng và gắn với sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, phải đảm bảo cải cách căn bản thủ tục hành chính và sớm đi vào chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác hộ tịch... Bộ trưởng tán thành, đánh giá cao những ý kiến trao đổi, đóng góp tại buổi làm việc và mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu để hoàn thành việc xây dựng dự án Luật.

NQA