Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hòa giải cơ sở

27/12/2011
Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hòa giải cơ sở
Thực hiện Quyết định số 4504/QĐ-BTP ngày 20/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sáng 27/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức “Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Hòa giải cơ sở”.

Đến dự và chỉ đạo buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Phó Trưởng ban; ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên.

Hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng con người Việt Nam sống có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, quan hệ hài hòa trong gia đình và xã hội. Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở nên Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hòa giải là một chủ trương nhất quán trong quản lý xã hội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 khẳng định: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và những tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”. Trên cơ sở này, ngày 25/12/1998, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, và tiếp đó ngày 18/10/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh. Hai văn bản trên được ban hành đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của công tác hòa giải trong đời sống xã hội.

   

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Lãm, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Tổ trưởng Tổ biên tập đã báo cáo dự kiến những nội dung chủ yếu của dự án Luật Hòa giải cơ sở và kế hoạch xây dựng Luật. Theo đó, việc xây dựng Luật Hòa giải cơ sở thể hiện những quan điểm chủ yếu sau: Quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Các quy định cuả Luật Hòa giải cơ sở phải phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam; Quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác hòa giải cơ sở phát triển là nhiệm vụ của Nhà nước, của chung toàn xã hội; Điều chỉnh toàn diện công tác hòa giải cơ sở, quy định cụ thể về nguyên tắc, phạm vi hòa giải cơ sở, tổ chức, người thực hiện, phương thức hòa giải cơ sở; Kế thừa những quy định đã phát huy hiệu quả của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm hòa giải cơ sở của các nước trong khu vực và trên thế giới…

Theo báo cáo, dự án Luật Hòa giải sẽ hướng tới việc giải quyết những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong quy định của pháp luật hòa giải hiện hành về phạm vi điều chỉnh, đối tượng hòa giải, nguyên tắc hòa giải, hòa giải viên, tổ chức hòa giải, mô hình tổ chức, thủ tục, trình tự hòa giải và cơ chế phát hiện vụ việc, quản lý nhà nước và một số nội dung khác để hoàn thiện hơn công tác hòa giải cơ sở.

   

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã trao đổi ý kiến về những vấn đề như: tên gọi, sự cần thiết của Luật Hòa giải khi tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều; ai là người làm công tác hòa giải; góp phần như thế nào trong việc giải quyết các tranh chấp đó; mô hình hòa giải tại Tòa án và hòa giải kết nối với tòa án; tính ưu việt của hoạt động hòa giải; nguyên tắc cơ sở hòa giải; các giai đoạn, tăng cường cơ chế để thu hút các chuyên gia làm công tác hòa giải, lộ trình thực hiện của dự án như thế nào,…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, xây dựng Luật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bền vững cho công tác hòa giải cơ sở, giảm tải số lượng vụ việc tranh chấp đưa ra tòa án. Bộ trưởng tán thành, đánh giá cao những ý kiến trao đổi, đóng góp tại buổi làm việc và khẳng định, hòa giải viên cần có trình độ chuyên môn thích hợp; khi thành lập các trung tâm hòa giải cần phải có quy trình và thủ tục cụ thể. Phải có sự liên thông giữa hoạt động hòa giải với việc thông báo kết quả hòa giải cho cộng đồng, gia đình tạo “áp lực” để các bên thực hiện; các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cũng cần có trách nhiệm trong hoạt động hòa giải. Bộ trưởng mong rằng vẫn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu để hoàn thành việc xây dựng dự án Luật.

T/N