Khảo sát tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 và công tác pháp chế tại Cà Mau

20/12/2011
Khảo sát tình hình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 và công tác pháp chế tại Cà Mau
Thực hiện Quyết định số 4018/QĐ-BTP ngày 12/10/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành kế hoạch tổng kết Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Kế hoạch triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, ngày 19/12, Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh và Sở Tư pháp Cà Mau.

Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Reo và đại diện lãnh đạo, cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác pháp chế và tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004.

Đối với công tác pháp chế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 27/02/2010 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2010-2015”; ban hành Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 phê duyệt kế hoạch triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Tính đến ngày 30/11/2011, tỉnh Cà Mau có 26 cơ quan, doanh nghiệp thành lập Phòng pháp chế, Tổ pháp chế hoặc cán bộ phụ trách với 87 cán bộ. Tuy nhiên, khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP đó là: chưa có thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, biên chế; đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động… 

Đối với việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004, tỉnh đã ban hành 50 văn bản chỉ đạo triển khai; tổ chức 1.394 cuộc triển khai cho 83.711 lượt người; tập huấn 114 lớp cho hơn 9.000 cán bộ. Từ năm 2005 đến nay, HĐND, UBND các cấp trong tỉnh ban hành 1.748 văn bản QPPL các loại. Nhìn chung, công tác ban hành QPPL được thực hiện đúng quy trình, từ khâu lập dự kiến chương trình đến soạn thảo, góp ý, thẩm định, tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá. Tuy nhiên, khó khăn trong thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND,UBND đó là: Việc ban hành chương trình lập quy và thực hiện chương trình chưa chặt chẽ; một số đơn vị được giao thực hiện chưa đảm bảo thời gian, chất lượng soạn thảo; khâu lấy ý kiến đối tượng tác động chưa tốt; công tác thẩm định còn nhiều bất cập; kinh phí chi xây dựng văn bản thấp…

 Trong đợt khảo sát này, tỉnh Cà Mau phản ảnh, đề nghị với Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004. Thay mặt Đoàn khảo sát, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác pháp chế và thi hành Luật trong thời gian qua. Đối với những khó khăn, tồn tại thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, Đoàn đề nghị đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương phối hợp với Sở Tư pháp để tháo gỡ; đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành Trung ương, Đoàn sẽ ghi nhận và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc triển khai thực hiện công tác pháp chế và công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.

Hoàng Lộc