Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

29/12/2011
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Thực hiện Kế hoạch số 1732/KH-HĐPH ngày 01/4/2011 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, từ ngày 20/12 đến ngày 23/12/2011, Đoàn Kiểm tra của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Thúy Hiền – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và thành viên là đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều quan tâm quán triệt, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL của Đảng, Chính phủ như: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PBGDPL từ năm 2008 đến năm 2012; triển khai mô hình Ngày Pháp luật… Công tác PBGDPL đã gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, trong đó năm 2011 tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Các địa phương đều lựa chọn nhiều hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, chú trọng PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như: nông dân; người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp; thanh thiếu niên tự do lao động, cư trú tại cơ sở… với nội dung pháp luật được lựa chọn cơ bản phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

 

 

Qua kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố đã tổ chức kiện toàn tổ chức và cán bộ làm công tác PBGDL với 24/24 đơn vị cấp huyện và 317/317 đơn vị cấp xã thành lập Hội đồng; 108 báo cáo viên pháp luật thành phố, 369 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.451 tuyên truyền viên pháp luật; 16.722 tổ hòa giải với 46.221 hòa giải viên. Các sở, ban, ngành của thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong công tác PBGDPL; chú trọng biên soạn, phát hành nhiều tài liệu pháp luật dưới hình thức tờ gấp, sách hỏi - đáp; tăng cường phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều chuyên mục như: “Công dân với Luật bầu cử” , “Công dân và pháp luật”, “Chương trình 10 phút tiếp dân” trên HTV7 và HTV9. Điểm mới trong hoạt động tuyên truyền miệng pháp luật là trước khi tập huấn pháp luật, Hội đồng phối hợp thành phố đã dành 15 phút để giới thiệu các thông tin về tình hình thực thi pháp luật, sau khi tập huấn có bài thu hoạch nhằm kiểm tra nhận thức, kiến thức pháp luật đã được tập huấn. Thành phố hiện có 1.309 Tủ sách pháp luật, mỗi xã, phường, thị trấn đều có từ 01 đến 02 Tủ sách, định kỳ hàng năm hỗ trợ mỗi Tủ sách ít nhất 2 triệu đồng; gần 500 khu phố, ấp nhân dân có Tủ sách hoặc túi sách pháp luật. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm bố trí. Hiện thành phố có 37 sở, ngành, quận, huyện đã triển khai “Ngày Pháp luật”. Tại quận Bình Thạnh, do có Quy chế phối hợp giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận nên giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác PBGDPL, đền bù giải phóng mặt bằng. Do vậy, an ninh trật tự trong quận được bảo đảm, giảm khiếu kiện trên địa bàn.

 

 

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quan tâm triển khai thực hiện các đề án trong Chương trình PBGDPL của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012: Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước”, Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” và Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”. Một số tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò của mình trong công tác PBGDPL như Hội Nông dân các cấp đã thành lập Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật và huy động sự đóng góp của các hội viên để xây dựng Tủ sách pháp luật đặt tại Câu lạc bộ phục vụ sinh hoạt hàng tháng. Hội Phụ nữ xây dựng các Câu lạc bộ: Phụ nữ với pháp luật, Phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội, Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình để phổ biến pháp luật cho hội viên. Tỉnh hiện có 716 Tổ hòa giải với 5.084 hòa giải viên; 185 Tủ sách pháp luật/82 xã, phường, thị trấn. Huyện Đất Đỏ là địa phương làm tốt công tác phổ biến pháp luật, vận động nhân dân trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng nên không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn Kiểm tra Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã chỉ rõ với các địa phương những tồn tại, khó khăn trong công tác PBGDPL để tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Trước đó, trong hai ngày 16 và 19/12/2011, Hội đồng phối hợp của Chính phủ đã kiểm tra công tác PBGDPL tại Thông tấn xã Việt Nam và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

Phan Hồng Nguyên