Kết luận tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 diễn ra chiều 14/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều thể hiện sự đồng thuận rất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tạo cơ sở hiến định cho cuộc cải cách toàn diện bộ máy hệ thống chính trị
Việc sửa đổi lần này nhằm tạo cơ sở hiến định cho cuộc cải cách toàn diện bộ máy hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào việc sắp xếp tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Về kỹ thuật lập hiến, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục rà soát để bảo đảm dự thảo Nghị quyết vừa thể chế hóa đúng các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Theo đó, Hiến pháp và các đạo luật cần tập trung quy định những nội dung cơ bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2045 xây dựng được một hệ thống pháp luật chất lượng cao, tiệm cận các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phân tích, qua quá trình so sánh, đánh giá, có thể thấy rằng tuổi thọ và mức độ ổn định của một bản Hiến pháp phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật lập hiến. Càng quy định chi tiết, cụ thể quá nhiều nội dung trong Hiến pháp thì bản Hiến pháp đó càng dễ phải sửa đổi, bổ sung để thích ứng với những biến động nhanh chóng của thực tiễn. Ngược lại, những bản Hiến pháp ngắn gọn, chỉ quy định các nguyên tắc, vấn đề cốt lõi mang tính nền tảng thì thường có tuổi thọ lâu dài, bảo đảm được tính ổn định cần thiết cho hệ thống pháp luật.
Vì vậy, mặc dù phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này không phải sửa đổi toàn diện, nhưng theo Bộ trưởng, vẫn cần có tư duy tiếp cận một cách nghiêm túc và ý thức rõ ràng trong việc rà soát, chỉnh lý để bảo đảm kỹ thuật lập hiến hiện đại, khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề xuất tại Hội nghị.
Về nội dung sửa đổi cụ thể, Bộ trưởng ghi nhận một số vấn đề nổi lên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Thứ nhất, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung từ “thành viên” trước cụm “trực thuộc” trong khoản 2 Điều 9 và Điều 10 để làm rõ hơn vị thế tổ chức và mức độ độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam… Cách thức diễn đạt này tuy không khác nhau nhiều về câu chữ, song lại chứa đựng những nội hàm pháp lý khác nhau.
Theo Bộ trưởng, nếu giữ cụm “trực thuộc” như dự thảo hiện hành thì có thể được hiểu rằng các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ về mặt tổ chức, mà cả hoạt động cũng nằm trong hệ thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong khi đó, cách diễn đạt “thành viên trực thuộc” thể hiện rõ hơn vai trò tham gia của các tổ chức này với tư cách là thành viên, có thể sắp xếp tổ chức trong Mặt trận nhưng vẫn giữ được một mức độ độc lập tương đối về cơ chế hoạt động.
Đây không chỉ là vấn đề câu chữ, mà là vấn đề có ý nghĩa căn bản, liên quan trực tiếp đến tổ chức, chức năng và mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị nội dung này cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, định hướng của Đảng, đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp, thống nhất quan điểm để kiến nghị phương án phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh kết luận Hội nghị.
Thứ hai, về chính quyền địa phương, có ý kiến đề xuất nên thể hiện rõ cơ cấu tổ chức hành chính địa phương theo mô hình hai cấp, tránh diễn đạt gây hiểu nhầm về số lượng cấp hành chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo cũng đã có ý kiến phản hồi rằng cách diễn đạt như hiện tại nhằm bảo đảm tính dự báo lâu dài, tạo dư địa linh hoạt cho những điều chỉnh thể chế có thể phát sinh trong tương lai. Vì vậy, vấn đề này sẽ tiếp tục được nghiên cứu kỹ hơn, sao cho vừa bảo đảm tính chính xác về mặt pháp lý, vừa bảo đảm tính khái quát và ổn định trong thiết kế hiến định.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị giữ lại khoản 2 Điều 110 của Hiến pháp hiện hành, quy định việc chia, tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ. Đây là nội dung thể hiện nguyên tắc dân chủ và quyền tham gia của người dân - những đối tượng trực tiếp bị tác động khi có thay đổi về tổ chức hành chính. Bộ trưởng ghi nhận nội dung này là đáng lưu tâm trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định về đơn vị hành chính chuyên biệt - bên cạnh các loại hình đơn vị hành chính thông thường - để phù hợp với những khu vực có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, mật độ dân cư hoặc không gian phát triển. Những đề xuất này, theo Bộ trưởng, sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ trong báo cáo để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung trình cấp có thẩm quyền.
Thứ ba, liên quan đến nội dung về quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tại địa phương, Bộ trưởng cho biết các ý kiến tại Hội nghị vẫn còn nhiều chiều. Một số đại biểu đề nghị nên bỏ quy định này, vì trong bối cảnh hiện nay không còn tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát cấp huyện, việc duy trì quyền chất vấn đối với các chức danh nói trên không còn phù hợp với cơ cấu tổ chức thực tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn duy trì hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và đây là những thiết chế quan trọng của quyền tư pháp.
Việc đại biểu Hội đồng nhân dân được quyền chất vấn các chức danh tư pháp này không chỉ mang ý nghĩa về trách nhiệm giải trình, mà còn là một cơ chế giám sát quyền lực, góp phần tăng cường tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng nội dung này trước khi đưa ra phương án cụ thể trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Bộ trưởng cho biết, ngoài 8 điều dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu còn đề nghị xem xét thể hiện rõ hơn chủ trương phân cấp, phân quyền, nhất là trong các vấn đề liên quan đến ngân sách. Những góp ý này đã được Bộ ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét…
Đối với các nội dung kỹ thuật lập hiến còn lại, Bộ trưởng giao Vụ Pháp luật hình sự - hành chính ghi nhận đầy đủ, tổng hợp và báo cáo kết quả với lãnh đạo Bộ, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện dự thảo.
Riêng về điều khoản chuyển tiếp, một số ý kiến đề nghị không nên quy định quá chi tiết tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết - cụ thể là liên quan đến việc chỉ định các chức danh trong năm 2025 khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Thay vào đó, nên quy định theo hướng nguyên tắc, để Quốc hội quyết định trong Nghị quyết thi hành Hiến pháp hoặc thể hiện tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về nội dung này, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm kỹ thuật lập hiến, lập pháp hợp lý, nhất quán và phù hợp với thực tiễn.
Bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp
Để bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong việc tổng hợp chung kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức lấy ý kiến tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
Đồng thời tập trung nguồn lực thích đáng để tổ chức tốt công tác lấy ý kiến; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao; kiên quyết đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
Các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương bám sát các yêu cầu về đối tượng lấy ý kiến, hình thức lấy ý kiến và tiến độ thực hiện theo Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó lưu ý tập trung góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung 08 điều khoản của Hiến pháp năm 2013, bám sát chủ trương và định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bên cạnh đó, các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết. Chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân tham gia góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân nêu tại mục III của Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP.
Đồng thời, thực hiện tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến theo các hướng dẫn của Bộ Tư pháp, bảo đảm tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan. Trong quá trình thực hiện tổng hợp ý kiến, nếu các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương có vướng mắc hoặc có nội dung cần giải đáp thì liên hệ trực tiếp đến Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể (số điện thoại liên hệ đã được cung cấp tại Công văn 2441 của Bộ Tư pháp).
Cuối cùng, để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cấp có thẩm quyền, đề nghị các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến và gửi về Bộ Tư pháp chậm nhất là ngày 30/5/2025.
Phương Mai