Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW

13/05/2025
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW
​Sáng 13/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú làm việc với các bộ, ngành về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Chương trình hành động).
Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành nhất trí đánh giá dự thảo Chương trình hành động đã được xây dựng một cách công phu, bài bản, phù hợp với Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Các đại biểu cũng thống nhất với những nội dung được nêu tại dự thảo Chương trình hành động; đánh giá dự thảo đã nêu bật được nhiều nội dung quan trọng, cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Dự thảo Chương trình hành động nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Bảo đảm công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được.
Các đại biểu cũng nhất trí với việc dự thảo Chương trình hành động xác định rõ nhiệm vụ tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Ưu tiên bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trong các lĩnh vực dân sinh quan trọng khác (an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng...).
Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Cùng với đó, đại diện các bộ, ngành cũng đã góp ý trực tiếp vào các nhiệm vụ triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW được nêu tại Phụ lục của dự thảo.
Cơ bản nhất trí với các nội dung này, đại biểu đánh giá, các nhiệm vụ được nêu cơ bản đã phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phải cụ thể, khả thi, triển khai được, tránh những nội dung còn mang tính chung chung, rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp.
Một số ý kiến đề nghị, cần bổ sung kết quả cụ thể của một số nhiệm vụ, ví dụ như nội dung đẩy mạnh truyền thông chính sách; rà soát, đối chiếu với các văn bản có liên quan sắp được ban hành như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để đảm bảo phù hợp, tránh trùng lặp…
Kết luận nội dung cuộc làm việc, nhấn mạnh tinh thần gấp rút, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động để trình Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo.
Nêu rõ mục tiêu triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW với các kết quả cụ thể, Thứ trưởng đề nghị rà soát lại để đảm bảo tính khả thi của các nhiệm vụ.
Cùng với đó, làm rõ một số nội dung như rà soát hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; về công tác hợp tác quốc tế; nguyên tắc cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được nêu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW tại dự thảo.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian tới; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác này trong thời gian tới.
Lưu ý sự thay đổi trong cách thức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Viện trưởng Nguyễn Văn Cương nêu rõ 3 vấn đề cần thay đổi, bao gồm tư duy trong xây dựng và thi hành pháp luật, cách làm và chất lượng, kết quả đầu ra.
“Hiện nay, tư duy của việc triển khai các Nghị quyết là phải kiểm đếm và cảm nhận sự thay đổi, thay đổi hàng ngày. Với việc tư duy, cách làm, điều kiện và nguồn lực bảo đảm thực hiện thay đổi, đòi hỏi kết quả đầu ra là chất lượng pháp luật phải khác”, ông Cương nói.
Minh Khôi