Ngày 02/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã cho biết về các nội dung chính của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Cụ thể, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã hoàn thiện dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), trong đó bám sát các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Dự thảo Luật dự kiến gồm 08 chương, 89 điều (giảm 09 Chương, 84 Điều) với bố cục như sau:
Chương I - Những quy định chung: tiếp tục kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đồng thời ghép nội dung Chương XIII (hiệu lực, áp dụng VBQPPL), bổ sung một số nội dung mới theo Chính sách: nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành VBQPPL, tăng cường phân quyền, phân cấp và cải cách thủ tục hành chính, Nghị quyết Chính phủ, bỏ thẩm quyền cấp xã.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc.
Chương II - Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về định hướng lập pháp nhiệm kỳ, Chương trình lập pháp hằng năm, việc xây dựng chính sách, soạn thảo luật.
Chương III. Xây dựng, ban hành VBQPPL của chủ thể khác, quy định về nội dung, nguyên tắc trình tự, thủ tục ban hành các văn bản dưới luật của các chủ thể: Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...; đồng thời giao các chủ thể đó tự mình ban hành quy định về trình tự, thủ tục để ban hành các văn bản theo thẩm quyền.
Chương IV. Xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, thủ tục đặc biệt. Trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành về trình tự, thủ tục rút gọn, dự thảo bổ sung trường hợp thủ tục đặc biệt khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị) thì được áp dụng quy định do chính cơ quan ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục.
Chương V. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và hướng dẫn áp dụng pháp luật; trong đó, hướng dẫn áp dụng pháp luật có quy định về nguyên tắc, thẩm quyền hướng dẫn và giao các chủ thể hướng dẫn tự ban hành quy định trình tự, thủ tục để hướng dẫn văn bản do mình ban hành; riêng đối với Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng hướng dẫn.
Chương VI. Giám sát, kiểm tra, xử lý, hợp nhất, pháp điển, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Chương VII. Bảo đảm nguồn lực và tổ chức thi hành. Về bảo đảm nguồn lực dự thảo quy định việc bảo đảm, chế độ chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật như: Lập đề nghị, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; soạn thảo luật, pháp lệnh nghị quyết; thời hạn Chính phủ cho ý kiến đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết không do Chính phủ trình; vấn đề xây dựng và ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục đặc biệt…
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp thu đầy đủ các ý kiến và khẩn trương chỉnh sửa dự thảo Luật, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Bộ. Về nội dung dự thảo Luật, Thứ trưởng yêu cầu Vụ bám sát các quan điểm, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, trong đó chỉ quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và giao Chính phủ quy định các nội dung chi tiết; đồng thời phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một số hình ảnh khác tại buổi làm việc:
Trung tâm Thông tin