Công tác kiểm tra, rà soát văn bản đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan cho biết, năm 2024, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác tại Chương trình công tác năm 2024 của Ban Cán sự Đảng, Kế hoạch công tác năm 2024 của Cục; tổ chức triển khai hoàn thành có chất lượng, hiệu quả công tác theo Kế hoạch đã đề ra và các nhiệm vụ phát sinh, đột xuất được giao, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan.
Công tác tự kiểm tra văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ; công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền được tiến hành hiệu quả, đúng quy định. Cục đã chủ động trong việc tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ thực hiện đầy đủ, kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ về rà soát văn bản QPPL được giao, đặc biệt là nhiệm vụ tập trung, khẩn trương nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản QPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản QPPL tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh, tháo gỡ các “rào cản” gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL được Lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; được các cơ quan, tổ chức, nhân dân hoan nghênh và đánh giá tích cực. Đồng thời, tham mưu triển khai rất khẩn trương, hiệu quả nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản QPPL chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, đảm bảo đúng tiến độ, thời hạn báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW…
Công tác hệ thống hóa văn bản QPPL được triển khai bài bản, hiệu quả, đúng tiến độ. Cục đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 trên cả nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Công tác pháp điển, hợp nhất tiếp tục được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Kịp thời tham mưu Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển” để nâng cao giá trị sử dụng Bộ Pháp điển; tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam, tích cực đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống, giúp các cơ quan, tổ chức và cá nhân dễ dàng, thuận tiện trong việc quản lý, tiếp cận, tra cứu, tìm kiếm, áp dụng quy định của pháp luật, góp phần tích cực truyền thông chính sách, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của xã hội. Công tác quản lý, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được tiếp nhận bàn giao từ Cục Công nghệ thông tin, thời gian qua đã được Cục Kiểm tra văn bản QPPL triển khai thực hiện kịp thời, sâu sát, hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực.
Triển khai đồng bộ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Thị Minh Phương cũng báo cáo về kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của Cục. Theo đó, trong năm 2024, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác và Kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với việc nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều và phức tạp hơn, Cục cũng đã chủ động giải quyết kịp thời các công việc phát sinh.
Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn.
Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Thị Minh Phương.
Cụ thể, trong năm 2024, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 09 văn bản, đề án; phối hợp chặt chẽ với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trong việc tham gia soạn thảo một Chương về “tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật” trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và đã được phê duyệt Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đồng thời, Cục chủ trì tổ chức thẩm định đối với 12 dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định phân công các đơn vị thẩm định, góp ý, tham gia xây dựng đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2024; góp ý 167 văn bản do các cơ quan trong và ngoài Bộ gửi lấy ý kiến.
Nhìn chung, các nhiệm vụ đã được Cục QLXLVPHC&TDTHPL triển khai, thực hiện đồng bộ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Các đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị.
Trao đổi và cho ý kiến tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đều nhất trí cao với kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2025 của Cục Kiểm tra văn bản QPPL và Cục QLXLVPHC và TDTHPL; đồng thời ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của hai đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao với những kết quả tích cực.
Đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm 2025 - năm tăng tốc, bứt phá
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của 02 đơn vị trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng tăng, đa dạng, nhiều việc khó, phức tạp, yêu cầu về chất lượng, tiến độ ngày càng cao. Trong đó có nhiều công việc đột xuất, gấp, phát sinh ngoài kế hoạch, nhưng tập thể lãnh đạo, công chức của 02 đơn vị đã tiếp tục phát huy tốt tinh thần đoàn kết, đồng lòng, trách nhiệm, chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực, khẩn trương, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức thực hiện hoàn thành có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao để đáp ứng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ. Công tác của 02 đơn vị tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần tích cực vào công tác của Bộ, Ngành Tư pháp, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, Thứ trưởng đề nghị hai đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh (giữa) phát biểu kết luận Hội nghị.
Theo đó, 02 đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết; tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí đội ngũ công chức theo cơ cấu tổ chức của đơn vị mới theo tinh thần của Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu sát, hiệu quả việc hướng dẫn, theo dõi, nắm bắt, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục tại các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, đối với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Cần chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tham mưu Lãnh đạo Bộ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 77-KL/BCSĐ ngày 12/9/2023, Nghị quyết số 133 -NQ/BCSĐ ngày 17/9/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL để tăng cường mạnh mẽ hơn các công tác này trong thời gian tới; tăng cường tính chủ động trong thực hiện công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ là Bộ phận thường trực, là đơn vị đầu mối, tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật; tổ chức vận hành hiệu quả “Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản QPPL” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cần thực hiện hiệu quả, đúng quy định công tác quản lý nhà nước về hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL và nội dung Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Nâng cao ứng dụng công nghệ trong Bộ pháp điển thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời cập nhật văn bản QPPL mới vào Bộ pháp điển nhanh nhất, đảm bảo nội dung Bộ pháp điển luôn chính xác, đầy đủ, có độ tin cậy cao.
Đối với Cục QL XLVPHC&TDTHP, Thứ trưởng đề nghị Cục tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế về công tác QL XLVPHC&TDTHP; Hướng dẫn bộ, ngành, địa phương giải quyết vướng mắc trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng công chức của Cục bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách đối với công chức của đơn vị; tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Cục theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; Xác định rõ nhiệm vụ, công việc cần triển khai thực hiện, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và khả thi./.
Thu Nga - Trung tâm Thông tin