Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý vào ngày 02/01.
Thực hiện tham mưu nhiều nội dung ở tầm chiến lược
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết, trong năm 2024, với sự đoàn kết, đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn và sự chỉ đạo quyết liệt của Tập thể cấp ủy, Lãnh đạo Viện trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Khánh Ngọc, Viện cơ bản đã hoàn thành 100% nhiệm vụ trong và ngoài Kế hoạch công tác.
Cụ thể, Viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Viện đã hoàn thành việc giúp Bộ Tư pháp tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; tích cực tham gia sơ kết tình hình triển khai của Bộ Tư pháp đối với 4 Nghị quyết quan trọng của Trung ương và Bộ Chính trị; hoàn thành dứt điểm việc giúp Bộ Tư pháp tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 phê duyệt “Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030”. Đặc biệt, Viện đã chủ động tham mưu, phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu các nội dung cho cuộc làm việc mang tính lịch sử của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ngày 07/11/2024.
Đồng chí Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2024 của Viện.
Các nhiệm vụ khoa học, môi trường và điều tra cơ bản đều được Viện hoàn thành có chất lượng theo quy định. Trong năm 2024, Viện trực tiếp chủ trì tổ chức triển khai tổng số 25/34 nhiệm vụ khoa học của Bộ Tư pháp, trong đó đã hoàn thành 14/14 nhiệm vụ và đang triển khai trong tiến độ cho phép 11 nhiệm vụ; chủ trì thực hiện 03 nhiệm vụ môi trường và triển khai Dự án điều tra cơ bản “Thực trạng tổ chức, hoạt động của các Sở Tư pháp vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đề xuất giải pháp tăng cường vai trò của Sở Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Việc quản lý khoa học cũng được thực hiện một cách nền nếp. Theo đó, Viện thực hiện quản lý và theo dõi tổng số 34 nhiệm vụ khoa học đang triển khai của Bộ Tư pháp (gồm: 12 nhiệm vụ năm 2023 chuyển tiếp sang năm 2024 và 22 nhiệm vụ khoa học mở mới bắt đầu từ năm 2024); hoàn thành xây dựng Kế hoạch nghiên cứu nhiệm vụ khoa học năm 2025 của Bộ Tư pháp; tổ chức giao quyết định, ký hợp đồng và tập huấn triển khai các nhiệm vụ khoa học năm 2024...
Ngoài ra, công tác tuyển dụng nhân sự cho các ban chuyên môn, kiện toàn lãnh đạo cấp Phòng; công tác thông tin khoa học pháp lý và công tác thư viện; công tác hợp tác quốc tế đều đạt kết quả tích cực. Với những kết quả trên, Viện ngày càng khẳng định được vị thế Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý của Bộ, ngành Tư pháp, tham mưu nhiều nội dung ở tầm chiến lược, nhất là tham mưu các định hướng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Nâng cao chất lượng, hàm lượng đổi mới sáng tạo trong các nghiên cứu khoa học
Tại Hội nghị, đại diện các phòng thuộc Viện và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã đánh giá các kết quả Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã đạt được trong năm 2024; đồng thời đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác của Viện như: bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng cho cán bộ làm công tác quản lý khoa học; tăng cường phối hợp công tác với các đơn vị thuộc Bộ để các nghiên cứu khoa học thực sự đi vào cuộc sống...
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể Viện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong việc tham mưu tổ chức Hội nghị đánh giá 02 năm triển khai thi hành Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều tư tưởng, định hướng, chỉ đạo mới đối với công tác xây dựng pháp luật và thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, đòi hỏi người làm nghiên cứu khoa học cũng phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Vì vậy, Viện cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hàm lượng đổi mới sáng tạo trong các nghiên cứu khoa học; để hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự trở thành động lực trực tiếp trong sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp, bảo đảm tính dẫn dắt, đi trước của các khoa học pháp lý. Viện cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề pháp luật và tư pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để “đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị.
Trước những cơ hội và thách thức trong năm 2025, Thứ trưởng yêu cầu Viện nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thay đổi tư duy, nhận thức về xây dựng pháp luật; phải “đi trước mở đường; đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tổng kết thực tiễn thi hành”. Bên cạnh đó, cần tập trung nguồn lực xây dựng dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; tham mưu với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ các giải pháp tiếp tục triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”…
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Viện quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức sắp xếp bộ máy; tập trung đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, để “mỗi cán bộ là một chuyên gia trong lĩnh vực”; tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, gắn việc nghiên cứu khoa học của Viện với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.
Thay mặt lãnh đạo Viện, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và các ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị thuộc Bộ để xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả, khai thác tối đa các thuận lợi, hạn chế những khó khăn; qua đó từng bước nâng cao vị thế của Viện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin