Phú Yên: Tích cực triển khai các nhiệm vụ, quyết tâm gỡ cảnh báo Thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu (EC)

11/10/2024
Phú Yên: Tích cực triển khai các nhiệm vụ, quyết tâm gỡ cảnh báo Thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu (EC)
Ngày 07/10 và 11/10, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Yên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (ngày 28/8/2024) về việc giao Bộ Tư pháp “Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nội dung về khai thác IUU nhằm chấn chỉnh ngay công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”, ngày 17/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1707/QĐ-BTP về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. 
Theo đó, trong các ngày 07/10/2024 và 11/10/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Yên. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) và đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư).
 

Đồng chí Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên.
 
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, đại diện một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Tài chính,…), UBND một số huyện, thành phố thuộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh. 
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), phấn đấu thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” sau lần kiểm tra thứ 5 của Đoàn Thanh tra EC (dự kiến trong năm 2024) được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, chỉ đạo, quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác chống khai thác IUU. Ngày 22/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ để triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW nêu trên. Triển khai ý kiến chỉ đạo tại các văn bản nếu trên, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến khai thác IUU, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (tập trung là các hành vi liên quan đến khai thác IUU) tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên.
 

Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Phú Yên cho biết, thời gian qua, công tác chỉ đạo điều hành triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn được UBND tỉnh Phú Yên quan tâm, chú trọng. Trong lĩnh vực thủy sản, chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã ban hành 02 Chỉ thị, 03 Kế hoạch, 04 Thông báo và 11 Công văn chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, trong đó chỉ đạo, quán triệt phải thực hiện nghiêm công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về khai thác IUU. Hằng năm, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh tổ chức ít nhất 02 đợt kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, các mặt hoạt động khác như tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản được thực hiện nghiêm túc; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/8/2024, Phú Yên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh Phú Yên đã xử phạt 103 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó, có 12 vụ việc liên quan đến khai thác IUU.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thủy sản và một số lĩnh vực khác có liên quan; khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, phần nào ảnh hưởng đến kết quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Trên cơ sở báo cáo do đại diện UBND tỉnh Phú Yên trình bày; kết quả kiểm tra sơ bộ một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc cấp phó được giao quyền) và các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định, Đoàn kiểm tra đã có những nhận định sơ bộ về kết quả kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời,  trao đổi, đề nghị các đơn vị tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, giám sát và cấp phép tàu cá; việc kiểm soát, xử lý tàu cá “03 không”; việc xác định và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác IUU;…. Kết quả kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính cho thấy, nhìn chung, các hồ sơ được kiểm tra đã được lập đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định pháp luật; việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về cơ bản theo đúng quy định. Hầu hết các quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi ban hành đã được đôn đốc, tổ chức thi hành. Tuy nhiên, kết quả thực hiện công tác này tại UBND tỉnh Phú Yên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. 
 
 
Ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Phú Yên trong công tác chỉ đạo, điều hành đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, nhất là các hành vi khai thác IUU, điểm sáng của tỉnh là trong kỳ báo cáo không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn tồn tại một số sai sót. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC trong năm 2024, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp tục quán triệt tới Lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan, bảo đảm nhận thức thống nhất, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cấp thiết trong công tác chống khai thác IUU; tiếp tục chú trọng, quan tâm bố trí nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác IUU nói riêng; tăng cường phối hợp trong trong việc trao đổi thông tin, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính  nhằm tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính; thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc và có ý kiến tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có hướng xử lý đối với các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, kịp thời gửi Bộ chủ quản và Bộ Tư pháp để phối hợp giải quyết.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận các kiến nghị của UBND tỉnh Phú Yên phản ánh tại Báo cáo và trong quá trình làm việc với Đoàn. Trong phạm chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp sẽ giải quyết, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các vấn đề mà UBND tỉnh đã nêu./. 
 
 Cục QLXLVPHC và TDTHPL